Ngày 5/8/1962, thế giới dậy sóng trước một tin tức kinh hoàng: Ngôi sao điện ảnh huyền thoại Marilyn Monroe đã qua đời ở tuổi 36. Kể từ đó, cái chết của cô đã truyền cảm hứng cho vô số cuốn tiểu thuyết, phim điện ảnh và các chương trình truyền hình.
Vấn đề nằm ở chỗ có đến 2 nguyên nhân khác nhau cho cái chết của nữ diễn viên: một báo cáo khám nghiệm năm 1962 cho rằng ngôi sao này đã "tự sát", trong khi cuộc kiểm tra được tiến hành vào năm 1982 lại cho biết cô qua đời do "dùng thuốc quá liều".
Tuy nhiên, mặt tối của câu chuyện vẫn còn đó vì trong suốt nhiều năm, người ta đã tranh cãi về kết quả của cuộc khám nghiệm tử thi Marilyn Monroe. Theo đó, nhiều người đã chỉ ra những mâu thuẫn và thiếu sót đáng ngờ về trường hợp này, thậm chí cho rằng "biểu tượng gợi cảm" Marilyn Monroe đã chết đau đớn hơn nhiều so với những gì đã công bố.
Vào tháng 8/1962, cô đào Marilyn Monroe đạt đến đỉnh cao danh vọng khi được cả thế giới biết đến với tư cách là một diễn viên và một "quả bom sex" thông qua các bộ phim ăn khách như Gentlemen Prefer Blondes (1953) và Some Like It Hot (1959).
Tuy nổi tiếng là vậy nhưng bản thân nữ diễn viên đã gặp phải nhiều vấn đề khó khăn trước đây. Cụ thể, khi vẫn còn là một đứa trẻ, cô đã bị mẹ bỏ rơi và phải sống trong trại mồ côi. Đến khi trưởng thành, cô đã trải qua 3 cuộc hôn nhân không hạnh phúc với James Dougherty, Joe DiMaggio và Arthur Miller. Dưới ánh hào quang chói loá, cô dần trở thành một người nghiện rượu và ma tuý.
Những vấn đề cá nhân của nữ diễn viên nổi tiếng dường như được thể hiện đầy đủ qua tác phẩm cuối cùng của đời mình: Something's Got To Give (1962). Trong suốt quá trình quay phim, cô đã thường xuyên đến muộn giờ quay, quên mất lời thoại trong phim, và trong một bộ phim tài liệu năm 1990, cô đào nổi tiếng được miêu tả là "đang trôi dạt trong làn khói của sự trầm cảm và cơn nghiện ma tuý". Mặc dù đã cố gắng nỗ lực nhưng cô vẫn không thể trở lại là mình của trước kia.
Tuy khán giả ngày càng thất vọng trước cú trượt dài của Marilyn Monroe, nhưng chuyện xảy ra tiếp theo lại khiến họ không ngờ.
Đêm ngày 4/8/1962, người giúp việc của Marilyn Monroe, Eunice Murray, đã đến gõ cửa phòng của bà chủ và hoảng hốt khi không nghe thấy bất kỳ lời hồi đáp nào. Trước tình thế đó, Murray đã gọi điện cho bác sĩ tâm lý của Monroe, Ralph Greenson, lúc ấy ông đã phá cửa sổ và sững sờ trước cảnh tượng trước mắt: nữ diễn viên đang nằm giữa đống bừa bộn, chai rượu đổ tràn lan, chiếc điện thoại vẫn nắm chặt trong tay.
Ngày 6/8, tờ New York Times đưa tin về cái chết của Marilyn Monroe như sau: "Bên cạnh giường là một cái lọ chứa thuốc ngủ, đồng thời nhân viên khám nghiệm cho biết đã tìm thấy thêm 14 lọ chứa loại thuốc tương tự trên tủ đầu giường của cô".
Tờ báo này cũng cho biết thêm: "Bác sĩ của Monroe đã kê thuốc ngủ cho cô ấy trong ba ngày. Thông thường, cái lọ có thể chứa từ 40-50 viên thuốc".
Vì không thể xác định được nguyên nhân cái chết ngay từ đầu, nhiều người đã trông đợi vào kết quả khám nghiệm tử thi, tuy nhiên nhiều câu hỏi mới lại được đặt ra.
Vào ngày 5/8/1962, Tiến sĩ Thomas T. Noguchi đã tiến hành khám nghiệm tử thi của Marilyn Monroe. Trong báo cáo được công bố sau 12 ngày, ông Thomas đã viết: "Nguyên nhân của cái chết là do ngộ độc barbiturat cấp tính (một loại thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương thường dùng trong các loại thuốc an thần) do dùng thuốc quá liều".
Một chuyên viên giám định y khoa khác, tiến sĩ Theodore Curphey đã tán thành kết quả khám nghiệm trên: "Tôi xin đưa ra kết luận rằng cái chết của Marilyn Monroe là do sử dụng thuốc an thần quá liều, và có khả năng là tự sát".
Quả đúng là vậy, kết quả khám nghiệm cho thấy trong cơ thể cô có nồng độ Nembutal (một loại thuốc làm chậm hoạt động của não và hệ thần kinh) và chloral hydrate (thuốc an thần) khá cao. Dựa theo kết quả, nhân viên điều tra tuyên bố nữ diễn viên đã uống liều lượng lớn thuốc an thần trong một thời gian ngắn.
Không dừng lại ở đó, tiến sĩ Theodore đã yêu cầu "khám nghiệm tâm lý" và phát hiện ra rằng Monroe có khả năng tự tử.
Một báo cáo được thực hiện bởi 3 chuyên gia tâm lý cho thấy: "Monroe đã bị rối loạn tâm thần trong một thời gian dài", đồng thời họ cũng xác định rằng "Cô Monroe thường bày tỏ mong muốn từ bỏ, rút lui khỏi giới giải trí, thậm chí là nghĩ về cái chết". Và sự thật là nữ diễn viên đã từng cố gắng tự tử trước đây.
Trên thực tế, không phải ai cũng hài lòng với kết quả khám nghiệm trên, và cho đến tận nhiều năm sau, người ta vẫn không ngừng bàn tán về những giả thuyết khác xoay quanh cái chết đột ngột của Monroe.
Nhiều thập kỷ sau khi sự việc xảy ra, hai nhân viên tham gia cuộc khám nghiệm lại tuyên bố rằng họ không nghĩ nguyên nhân của cái chết là do tự tử. Cả hai người đều ám chỉ một thuyết âm mưu nổi tiếng lúc bấy giờ: ngôi sao điện ảnh đã bị sát hại do mối quan hệ tình tay 3 giữa cô với Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và em trai - Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy.
Người đầu tiên khẳng định giả thuyết trên là John Miner, Phó Uỷ viên Công tố thành phố Los Angeles và cũng là người liên hệ trực tiếp với một nhân viên y tế tham gia khám nghiệm tử thi. Người này đã chỉ ra 2 chi tiết đáng ngờ từ cuộc khám nghiệm tử thi khiến ông John khẳng định suy nghĩ của mình.
Chi tiết đầu tiên, John tuyên bố rằng mẫu thuốc chứa trong dạ dày của "quả bom sex" đã biến mất không dấu vết. Thứ hai, ông cho biết cuộc khám nghiệm tử thi không cho thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc Monroe đã sử dụng ma tuý.
Giả sử mẫu khám nghiệm lấy từ dạ dày của Monroe đã vô tình bị vứt bỏ, nhưng phó Uỷ viên Miner vẫn cảm thấy đáng ngờ khi không tìm được một vết vàng nào trong dạ dày – dấu hiệu của việc sử dụng Nembutal quá nhiều. Đồng thời, tiến sĩ Noguchi cũng tuyên bố không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của việc tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch.
Và bằng những suy luận của chính mình, ông John Miner đã đưa ra một kịch bản khả thi: một vụ án cố ý giết người.
Ông viết: "Marilyn Monroe đã bị tiêm hoặc được cho uống chloral hydrate, sau khi cô bất tỉnh, hung thủ đã sử dụng 30 viên nang Nembutal để truyền vào cơ thể cô thông qua một túi truyền nước thông thường".
Bên cạnh đó, Miner cũng tuyên bố rằng mình đã được nghe một số cuốn băng cá nhân được ghi âm bởi chính nữ diễn viên. Mặc dù vậy, ông không có cách nào chứng minh vì bác sĩ tâm lý Greenson đã phá huỷ cuộn băng và John Miner là người duy nhất từng nghe thấy chúng.
"Bất kỳ ai từng nghe những đoạn băng này sẽ biết rằng Marilyn Monroe không tự sát. Cô còn quá nhiều kế hoạch để thực hiện và mục tiêu để sống tiếp", ông John Miner nói.
Một cựu trợ lý điều tra viên tên là Lionel Grandison là người thứ 2 tuyên bố rằng có điều gì đó khuất tất trong việc khám nghiệm tử thi của Marilyn Monroe. Ông nói rằng bản thân ông đã bị ép buộc phải ký vào giấy chứng tử và giấy tờ chứng minh rằng nữ diễn viên đã bị sát hại.
Đồng thời ông cũng bị ép phải thừa nhận rằng tại nhà riêng của cô đã tìm thấy một cuốn nhật ký mô tả âm mưu giết lãnh tụ Cuba Fidel Castro cùng một số nỗ lực tương tự được cho là đã được thực hiện dưới thời Tổng thống John F. Kennedy.
Tuy nhiên, cả John Miner và Grandison đều không được coi là nhân chứng đặc biệt đáng tin cậy. Nguyên nhân là do Grandison đã bị sa thải vì ăn cắp thẻ tín dụng từ một xác chết, còn ông John Miner phải đối mặt với cáo buộc tự tạo ra các cuộn băng của Marilyn Monroe để lấy tiền. Ngoài ra, Tiến sĩ Thomas T. Noguchi cũng phủ nhận việc thuốc an thần sẽ để lại màu vàng trong dạ dày của Monroe.
Thật vậy, một cuộc điều tra lại về cái chết của Monroe vào năm 1982 đã đưa ra kết luận tương tự như kết luận năm 1962.
Báo cáo năm 1982 tiếp tục nói rằng việc giết Marilyn Monroe sẽ cần đến "một âm mưu lớn, được thực hiện tại chỗ" và họ "không phát hiện ra bằng chứng đáng tin cậy nào ủng hộ một giả thuyết giết người".
Cuộc khám nghiệm tử thi của Marilyn Monroe - giống như phần lớn cuộc đời của cô - đã trở thành một sự kiện thu hút sự chú ý của cả thế giới.
Nguồn: ATI