Đổi màu huy chương thành công sau 1 năm
Trong mắt của cô Mai Châu Phương (giáo viên dạy Hóa học, Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa), Nguyễn Văn Chí Nguyên là cậu học trò có tư chất đặc biệt. Ấn tượng đầu tiên của cô với Chí Nguyên - thủ khoa đầu vào lớp chuyên Hóa - là hình ảnh một chàng trai giản dị, hiền hòa.
Nguyên viết chữ rất chỉn chu. Cậu luôn tích cực lắng nghe và sẵn sàng thừa nhận với cô những điều mình chưa làm được.
Luôn thiết tha với kiến thức mới và chịu khó mày mò những phương pháp giải lạ, Nguyên lọt vào “tầm ngắm” của cô giáo chủ nhiệm đội tuyển.
Nguyễn Văn Chí Nguyên, chàng trai của Trường THPT Chuyên Lam Sơn đã đổi màu huy chương thành công sau 1 năm. Ảnh: Thanh Hùng.
Năm lớp 10, cậu được lựa chọn tham gia và giành huy chương trong kỳ thi HSG các trường THPT chuyên khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ. Đến năm lớp 11, cậu bổ sung vào bảng thành tích học tập của mình với giải Nhất HSG quốc gia và Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic quốc tế môn Hóa học.
Với những nỗ lực ấy, cuộc thi lần này đều được hai cô trò đặt nhiều kỳ vọng.
“Giành tấm huy chương Vàng là ước mơ của em từ năm ngoái. Vì vậy, lần thi này em quyết tâm khắc phục được những nhược điểm của năm trước và phải đổi màu huy chương”, Nguyên cho biết.
Quyết tâm của Nguyên đã được đáp lại xứng đáng khi trong cuộc thi, cậu đạt 90,71/100 điểm, xếp thứ 36 trong tổng số 37 thí sinh có Huy chương Vàng của kỳ thi.
Vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, Nguyên cho biết, huy chương này chính là món quà cậu dành cho sự quan tâm tận tình của thầy cô và bố mẹ trong suốt thời gian vừa qua.
Gia đình, thầy cô, bạn bè đến chúc mừng Nguyên ngày trở về
Nguyên là con út trong gia đình có 3 chị em. Bố mẹ Nguyên vốn làm nghề thuần nông ở xã Quảng Tâm, Thanh Hóa. Dù điều kiện không mấy khá giả nhưng bố mẹ luôn là người đồng hành và cũng là nguồn động viên lớn nhất để cậu cố gắng trong học tập.
Chị Nguyễn Thị Duyên, mẹ của Chí Nguyên cho biết, từ nhỏ Nguyên chỉ học trên trường rồi về nhà tự học chứ không đi học thêm ở đâu. Bản thân bố mẹ cũng làm nghề nông nên không chỉ bảo con được gì. Điều duy nhất bố mẹ có thể cho Nguyên là sự động viên, khích lệ trên mọi chặng đường.
Hàng ngày, Chí Nguyên đều tự bắt xe bus hơn chục cây số đến trường. Thấy cậu đi lại vất vả, các thầy cô động viên Nguyên nên ở lại ký túc xá. Nhưng cậu không đồng ý vì “đi vất vả một chút nhưng bù lại, em được ăn cơm mẹ nấu”.
Với chị Duyên, “Nguyên là một đứa trẻ ngoan và có trách nhiệm với gia đình”.
Sau những ngày đi thi ở Pháp, bữa cơm mẹ nấu cũng là điều khiến cậu “thèm” nhất. Vì vậy, từ hôm qua, chị Duyên đã tất bật đi chợ để chuẩn bị những món ăn Nguyên thích nhất khi con trai trở về.
“Cô giáo cũng học từ Nguyên rất nhiều”
Nguyên cho biết, trong kỳ thi lần này, phần thực hành khiến cậu cảm thấy tâm đắc nhất.
“Nội dung thực hành của đề thi năm nay khá thú vị. Cuộc thi được tổ chức ở Pháp nên đề bài đề cập rất nhiều đến rượu vang Pháp. Đề yêu cầu thí sinh phân tích hàm lượng các chất có trong rượu. Em thấy thích thú với điều này vì đó cũng là quy trình giúp người ta kiểm định chất lượng rượu ở trong thực tế”.
Nguyên cùng cô giáo Châu Phương
Cô Châu Phương là người từng có 4 học trò đoạt giải Olympic quốc tế trong các năm liên tục. Nhưng với Nguyên, cô vẫn dành cho cậu học trò một ấn tượng đặc biệt.
“Bản thân mình cũng phải học từ Nguyên rất nhiều”, cô Phương nói.
Theo cô Phương, Nguyên có vốn kiến thức phong phú nhưng cậu luôn luôn biết lắng nghe, kể cả những phần cô giáo nghĩ là khá đơn giản.
“Kể cả phần thực hành để thi học sinh giỏi quốc gia vốn không khó so với năng lực của Nguyên nhưng em vẫn xin cô cho đi học. Khi học, Nguyên rất cẩn thận và chỉn chu trong từng khâu. Nguyên có một đôi bàn tay khéo và tư duy mạch lạc, linh hoạt. Chính vì vậy, em bố trí các thí nghiệm và thao tác thực hành rất gọn gàng”.
Kết quả Nguyên đạt được, theo cô Phương là nhờ vào hai yếu tố: tài năng – vốn là điều bản thân Nguyên sẵn có kết hợp với đam mê luôn luôn không bao giờ cạn.
Tin tưởng vào Nguyên, điều duy nhất cô Phương căn dặn học trò: “Em không thể dựa dẫm vào trí tuệ của người khác mà phải độc lập trong tư duy. Chỉ có sự nỗ lực tự thân, em mới có thể đạt được thành công lớn”.
Cùng với niềm tin vào năng lực của bản thân và quyết tâm mình có thể làm được nhiều hơn thế nữa, Nguyên đã xuất sắc làm được điều mà một năm trước cậu đã rất ước mơ.
Nguyên cùng 3 người bạn giành giải cao trong Kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế
“Không để học sinh lẻ loi trên con đường học tập”, trong quá trình học, khi tìm ra được một vấn đề gì mới, cô Phương đều đưa cho Nguyên cùng nghiên cứu.
Hai cô trò luôn coi nhau như đôi bạn để cùng tìm tòi và trao đổi. Quan điểm của Nguyên khi tiếp nhận vấn đề gì đó luôn là phải thực sự hiểu. Vì thế, có những lúc cô giáo gọi điện cho Nguyên hỏi “Em đang làm gì đấy?”. Khi ấy Nguyên đều trả lời “Em đang đọc lại phần trước đây em chưa hiểu”.
“Với Nguyên, ban đầu mình là thầy, sau đó là bạn và đến giờ, mình luôn sẵn sàng hỏi Nguyên việc tư duy vấn đề. Cô trò mình đều học tập từ nhau. Nguyên cũng giúp cho mình giỏi hơn và mình hỗ trợ Nguyên kiểm tra kiến thức chắc chắn hơn.
Điều mình học được của Nguyên là sự miệt mài trong công việc, không ngại khó khăn, quyết chinh phục mọi thử thách. Với Nguyên giờ học là không có giới hạn”.