*Được dịch từ bài viết của nhà báo Sean Fleming, đăng tải trên Diễn đàn kinh tế thế giới WEF ngày 30/3.
Làm thế nào để một quốc gia với nguồn lực hạn chế có thể đối mặt với một đại dịch toàn cầu - thứ đã làm quá tải hệ thống y tế của nhiều nước phát triển trên thế giới?
Đây thực chất là một thách thức dành cho rất nhiều quốc gia đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam. Nghe thì có vẻ giống như một kết cục được báo trước rằng những đất nước như vậy sẽ bị tàn phá bởi dịch bệnh, nhưng trái lại, Việt Nam lại là minh chứng cho thấy một quốc gia có thể làm được nhiều điều hơn, dù nguồn lực không bằng.
Ảnh: Reuters
Cho đến lúc này, Việt Nam ghi nhận 194 ca nhiễm Covid-19 (số liệu ngày 30/3, hiện tại là 212), và không có bệnh nhân tử vong. Không giống như các nước châu Á giàu có khác, Việt Nam không ở vị thế có thể làm xét nghiệm diện rộng. Lấy ví dụ như Hàn Quốc, họ xét nghiệm cho hơn 338.000 người, trong khi Việt Nam mới chỉ là 15.637 (số liệu ngày 20/3, hiện tại là 35.808). Tuy nhiên, bằng việc tập trung vào các biện pháp nằm trong tầm kiểm soát, Việt Nam vẫn nhận được sự tán dương từ cộng đồng quốc tế.
Ngày 1/2/2020, Việt Nam đã khởi động một loạt các biện pháp ứng phó với sự lây lan của Covid-19. Họ hoãn mọi chuyến bay đến và rời Trung Quốc, quyết định duy trì đóng cửa trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. 2 tuần sau đó, một khu vực cách ly kéo dài 21 ngày được thiết lập tại tỉnh Vĩnh Phúc. Quyết định này được đưa ra sau khi có những lo ngại về tình trạng sức khỏe của lao động hồi hương từ Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi khởi phát dịch bệnh.
Những nỗ lực đầy chủ động của Việt Nam đến sau một quá trình 2 thập kỷ, trong đó đất nước đã cải thiện rất lớn về chất lượng cuộc sống của người dân. Trong giai đoạn 2002 - 2018, cuộc chuyển đổi kinh tế đã giúp 45 triệu dân Việt Nam thoát nghèo, đưa GDP đầu người tăng gấp đôi - hơn 2500 USD vào năm 2018, trong khi tăng trưởng GDP là 7,1%. Sức khỏe của cả nước cũng được cải thiện, khi tuổi thọ trung binh đã tăng từ 71 lên 76, trong giai đoạn 1990 - 2015.
Hệ thống y tế của Việt Nam cũng ngày càng tiến bộ, dù vẫn còn rất nhiều chỗ cần cải thiện. Hiện tại tỉ lệ đang là 8 bác sĩ/10.000 người ở Việt Nam. Trong khi đó, Ý và Tây Ban Nha là 41:10.000, Mỹ là 26, còn Trung Quốc là 18.
Ảnh: Getty Image
Công tác phòng chống virus corona ở Việt nam bao gồm cách ly bắt buộc 14 ngày với bất kỳ ai nhập cảnh, đồng thời hủy bỏ mọi chuyến bay quốc tế. Đất nước cũng tiến hành cách ly người nhiễm, đồng thời lần vết rất tốt các đối tượng tiếp xúc với người bệnh.
"Hàng xóm sẽ biết nếu bạn đến từ nước ngoài," - trích lời bác sĩ Truong Huu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - Nội thần kinh, bệnh viên Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh. "Nếu có người nhiễm bệnh trong khu vực, họ sẽ báo chính quyền."
Việt Nam ở vị thế có thể thi hành những quyết định nhanh chóng và kịp thời. Họ cũng có văn hóa giám sát rất mạnh, khi mọi người sẵn sàng thông báo nếu phát hiện hàng xóm đang làm gì đó khuất tất. Bất kỳ ai chia sẻ, lan truyền tin tức giả về dịch bệnh sẽ bị mời lên gặp công an, và hiện tại khoảng 800 người đã bị phạt.
Đây không phải là phương án có thể phù hợp với nhiều quốc gia với thể chế xã hội khác. Dẫu vậy thì dù chỉ có nguồn lực hạn chế, Việt Nam dường như đã đưa dịch bệnh vào tầm kiểm soát.
Trong khi đó, Thái Lan đã có 4 người chết vì Covid-19 (số liệu ngày 30/3, hiện tại là 12 người), và đang chứng kiến sự gia tăng rất nhanh đối với các ca lây nhiễm, lên tới 1771 người (số liệu ngày 1/4). Theo bác sĩ Taweesin Visanuyothin, nguyên nhân nằm ở "những người thích tiệc tùng đã lây bệnh cho 100 người khác."
Việt Nam rất quyết liệt trong việc tìm các ca nhiễm và những người tiếp xúc. Cách làm này đã rất hiệu quả khi Việt Nam ứng phó với dịch SARS cách đây 16 năm. Công tác tuyên truyền phòng chống dịch được thực hiện rộng khắp các thành phố và làng xã. Người dân nâng cao ý thức, đeo khẩu trang mọi lúc.
Bộ Y tế thường xuyên gửi tin nhắn SMS để thông tin cho người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa, việc cách ly được thực hiện quyết liệt… Chính phủ tiến hành giám sát rất chặt chẽ nhưng người dân rất đồng tình. Kết quả về bảo vệ con người tại Việt Nam tốt hơn ở Châu Âu và Mỹ.
Tuy vậy, thiệt hại kinh tế chưa rõ sẽ lớn đến đâu.
Nguồn: WEF