Nội dung chính
Tranh cãi về giới tính đã phủ bóng lên Olympic Paris sau khi sự tham gia của hai võ sĩ Imane Khelif (người Algeria) và Lin Yu-Ting (Đài Bắc Trung Hoa) ở môn quyền Anh nữ bị đặt dấu hỏi.
Cho đến nay, quyền Anh vẫn là môn thể thao được bàn tán nhiều nhất. Tuy nhiên, bộ môn này đang đứng trước nguy cơ lớn sẽ không được góp mặt ở kỳ Olympic Los Angeles vào năm 2028, theo truyền thông châu Âu vừa đăng tải ngày 4/8.
Trong lịch sử Olympic từ năm 1904, quyền Anh là môn thi đấu luôn góp mặt, chỉ vắng đúng một lần duy nhất tại Thế vận hội 1912 tại Stockholm (Thuỵ Điển).
Sau nhiều tranh cãi liên quan tới giới tính và cả trọng tài ở Olympic Paris, tương lai của môn quyền Anh tại Thế vận hội "bị đe doạ nghiêm trọng". Lý do sâu xa bắt nguồn từ việc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) từ chối công nhận tổ chức trước đây đã điều hành môn thể thao này tại Olympic - Hiệp hội Quyền Anh quốc tế (IBA).
IOC tước bỏ sự công nhận của IBA từ trước Tokyo 2020. Trong hai kỳ Olympic gần đây nhất (Olympic 2020 và 2024), IOC đã thành lập một tổ chức đặc biệt để quản lý môn quyền Anh Olympic. Năm 2024, tổ chức này được gọi là Đơn vị Quyền anh Paris. Tuy nhiên, IOC đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không tiếp tục để Đơn vị Quyền anh Paris phụ trách kỳ Olympic thứ ba liên tiếp (năm 2028).
Quyền Anh phải tìm một cơ quan quản lý mới nếu muốn tiếp tục là môn thể thao Olympic. Người phát ngôn của IOC đã chính thức thông báo với truyền thông về nguy cơ quyền Anh vắng mặt ở Thế vận hội 2028:
"Theo tình hình hiện tại, quyền Anh hiện không nằm trong chương trình thể thao của Thế vận hội Olympic Los Angeles 2028. IOC nêu rõ rằng Ủy ban sẽ không thể tổ chức lại các cuộc thi quyền Anh như vậy nữa. Để khắc phục điều này, quyền Anh Olympic cần được tổ chức bởi một liên đoàn quốc tế uy tín và được quản lý tốt. Các cuộc thảo luận đang diễn ra về vấn đề này."
Vài năm trước, mối quan hệ giữa IOC và IBA đã dần đổ vỡ. Có nhiều vấn đề được nhắc đến, đáng chú ý nhất là nạn tham nhũng và thao túng kết quả các trận đấu, dẫn tới việc một số trận kết thúc bằng những kết quả gây tranh cãi. Hệ thống tính điểm với môn quyền Anh cũng bị coi là "cần được dọn dẹp".
Tờ The Sun cho rằng khi giáo sư Richard McLaren điều tra 77 trận đấu tại Olympic Rio 2016 do Aiba (tiền thân của IBA) tổ chức, ông đã báo cáo về tình trạng thao túng kết quả là "tràn lan".
Còn theo Give Me Sport, nhiều chuyên gia thể thao hy vọng vào việc sẽ có một tổ chức đứng ra cứu tương lai của môn quyền Anh tại Olympic, trong đó nổi bật có World Boxing (một tổ chức thể thao quốc tế quản lý quyền Anh nghiệp dư). Hiện World Boxing đã được 37 quốc gia trên thế giới ủng hộ. Tuy nhiên, đến nay IOC lại vẫn chưa chính thức đưa ra quyết định về việc liệu họ có giao phó giải đấu quyền Anh nghiệp dư danh giá nhất hành tinh cho World Boxing hay không.
Theo báo giới châu Âu, quyết định cuối cùng về số phận của môn quyền Anh tại Thế vận hội 2028 sẽ được chính thức định đoạt vào đầu năm sau.