Kỳ thi THPT Quốc gia 2019sẽ diễn ra từ ngày 24 đến ngày 27/6. Theo Bộ GD&ĐT, việc hoàn thành việc đối sánh kết quả thi chậm nhất ngày 13/7. Ngày 14/7, các sở sẽ công bố kết quả thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả xét tuyển cao đẳng, đại học.
Năm nay, việc chấm thi các môn trắc nghiệm sẽ do Bộ GD&ĐT chủ trì, giao các trường đại học, cao đẳng tổ chức chấm, giám sát, đảm bảo an ninh. Công tác chấm thi các môn tự luận vẫn giao cho các địa phương chấm nhưng Bộ sẽ giám sát, đồng thời cử cán bộ của các trường đại học, cao đẳng tham gia song hành nhằm triệt tiêu mọi tiêu cực có thể nảy sinh.
Các giải pháp được tăng cường để hạn chế gian lận thi cử năm nay như:
- Việc sắp xếp phòng thi có sự thay đổi, thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên đều xếp thi chung với thí sinh THPT;
- Đưa ra hàng rào kỹ thuật về việc niêm phong, quản lý bài thi, dùng camera giám sát, phân rõ trách nhiệm các thành viên trong hội đồng;
- Công tác chấm thi trắc nghiệm có sự thay đổi trong đó đặc biệt là sự tham gia của các trường đại học trực tiếp chấm trắc nghiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT ký quyết định thành lập hội đồng chấm trắc nghiệm có các trường đại học;
- Việc xét tốt nghiệp THPT cũng thay đổi theo tỷ lệ 70% (bài thi THPT quốc gia) và 30% (điểm trung bình cả năm lớp 12).
Theo kế hoạch, học sinh chính thức đăng ký dự thi THPT quốc gia đồng thời với đăng ký các nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng từ 1/4 đến ngày 20/4 tại các Sở GD&ĐT và các điểm thu nhận hồ sơ.
Sau đó, các thí sinh sẽ có một đợt duy nhất để điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 22/7 đến 31/7, tức sau khi có điểm thi THPT Quốc gia.
Các thí sinh sẽ chọn một trong hai phương thức điều chỉnh trực tuyến hoặc bằng phiếu. Riêng các thí sinh phúc khảo các bài thi, môn thi sẽ điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả phúc khảo thi THPT quốc gia.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 có 5 bài độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp gồm Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) với thí sinh học chương trình giáo dục THPT.
Thí sinh chương trình giáo dục thường xuyên làm bài Khoa học Xã hội với các môn Lịch sử, Địa lý.
Để xét tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục THPT phải bắt buộc dự thi 4 bài, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn trong hai bài thi tổ hợp. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên phải dự thi bắt buộc 3 bài gồm Toán, Ngữ văn và một trong hai bài tổ hợp.
Trường hợp thí sinh chọn thi cả hai bài thi tổ hợp thì điểm bài thi nào cao hơn sẽ được sử dụng để xét tốt nghiệp. Trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.