Bức tranh công nghệ năm 2021 chứng kiến nhiều mảng tối, từ việc mất kết nối Internet diện rộng cho tới các cuộc tấn công mã độc tống tiền, hay hàng loạt vấn đề của công ty Meta (Facebook).
Hãy cùng điểm lại một số sự việc được coi là “thảm hoạ” đối với lĩnh vực công nghệ trong năm:
Tháng 4/2021, các chuyên gia an ninh mạng cho biết dữ liệu của hơn nửa tỷ người dùng Facebook, bao gồm số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ email đã bị tin tặc đăng tải công khai trên một website. Tại thời điểm đó, Facebook khẳng định các “thế lực độc hại” từng thu thập thông tin từ hồ sơ người dùng từ năm 2019 và công ty đã khắc phục vấn đề này. Vụ việc một lần nữa cho thấy các công ty dễ tổn thương thế nào trước hành vi thu thập thông tin cá nhân.
Cũng trong tháng 4, Linkedln xác nhận khoảng 500 triệu hồ sơ người dùng đã bị rao bán trên website của hacker. Tuy nhiên, công ty cho rằng các dữ liệu bị rao bán “thực chất là dữ liệu tập hợp từ một số websites và công ty” và “hệ thống dữ liệu của Linkedln không bị xâm nhập”.
Năm 2021 chứng kiến sự gia tăng của các cuộc tấn công tống tiền nhằm vào doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng quan trọng, nơi các tin tặc chiếm quyền điều khiển hệ thống, giữ các công ty làm con tin để đòi tiền chuộc.
Colonial Pipeline, một trong những hệ thống đường ống dẫn dầu lớn nhất tại Mỹ, buộc phải tạm dừng hoạt động sau khi bị tin tặc tấn công. CEO công ty sau đó thừa nhận đã phải trả cho hacker số tiền 4,4 triệu USD để khôi phục hệ thống và vận hành trở lại. Hồi tháng 6, Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng họ đã thu hồi số tiền kỹ thuật số trị giá 2,3 triệu USD trả cho tin tặc đứng đằng sau vụ tấn công này.
Phần lớn mạng lưới Internet bị gián đoạn 2 lần trong vòng chưa đầy 2 tuần, do sự cố tại những công ty công nghệ mà đa số mọi người còn không biết tên. Dù các sự cố nhanh chóng được phát hiện và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nó cho thấy mức độ phụ thuộc của con người vào Internet cũng như sự mong manh của hệ thống này.
Mở màn ngày 8/6, hàng loạt website bao gồm Reddit, CNN, Amazon và nhiều trang web khác ngừng hoạt động do mạng lưới phân phối nội dung Fastly gặp sự cố. Ngày 17/6 tiếp tục xảy ra sự cố tương tự, lần này tại công ty Akamai Technologies, làm sập mạng tại hãng hàng không Southwest Airlines, United Airlines, Ngân hàng thịnh vượng chung Australia và Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong.
Sự cố tại Fastly được phát hiện trong vòng 1 phút và đa số website bị ảnh hưởng chưa tới 60 phút, trong khi đó, Akamai cho biết công ty chỉ mất vài giây để phát hiện vấn đề và đã khắc phục xong trong 4 tiếng, đa số khách hàng chỉ mất kết nối trong vòng vài phút.
Tháng 12, dịch vụ điện toán đám mây của Amazon cũng 3 lần gặp sự cố khiến Disney+, Slack, Netflix, Hulu và nhiều cái tên khác bị ảnh hưởng. Các sự cố cũng khiến hoạt động vận tải hậu cần của Amazon tê liệt trong suốt kỳ nghỉ lễ quan trọng.
Thứ Hai, ngày 4/10 trở thành ngày tồi tệ với công ty của Mark Zuckerberg. Đêm trước đó, cựu nhân viên Facebook, bà Frances Haugen tiết lộ danh tính trên chương trình “60 phút”, khẳng định công ty biết rõ việc các mạng xã hội được sử dụng để lan truyền thông tin sai sự thật, kích động thù ghét và bạo lực. Bà Haugen là nguồn tin ẩn danh cung cấp hàng ngàn trang tài liệu nội bộ công ty, còn gọi là The Facebook Files hồi tháng 9, cho tờ Wall Street Journal.
Đến sáng, toàn mạng lưới công ty gồm Facebook, WhatsApp và Instagram gặp sự cố gián đoạn dịch vụ trong nhiều giờ với lý do công ty đưa ra là do “thay đổi trong cấu hình thiết lập”. Cổ phiếu công ty sụt giảm, bị cáo buộc độc quyền, làn sóng chỉ trích và sự giám sát của chính quyền tăng cao, nhưng mọi thứ vẫn chưa dừng lại tại đó.
Cuối tháng 10, nhóm 17 tổ chức tin tức của Mỹ bắt đầu xuất bản các câu chuyện dựa trên tài liệu được tiết lộ, bao gồm chi tiết cách thức các nhóm phối hợp sử dụng Facebook để kích động bạo lực (như cuộc bạo loạn ngày 6/1) và cách những kẻ buôn người sử dụng mạng xã hội này để phạm pháp.
CEO Elon Musk từ lâu đã ấp ủ về tính năng tự lái hoàn toàn cho các xe điện của hãng. Nhưng đến cuối năm 2021, Tesla mới chỉ cung cấp các tính năng hỗ trợ người lái với điều kiện người dùng phải luôn sẵn sàng cho các tình huống cần can thiệp. Cho tới nay, chỉ có một số ít tài xế Tesla (phải trả phí 10.000 USD/người) được dùng thử phiên bản thử nghiệm của tính năng lái tự động hoàn toàn.
Bên cạnh yếu tố thích thú, những người tham gia thử nghiệm cũng cho biết họ thường xuyên không biết chiếc xe của mình sẽ làm gì tiếp theo, một viễn cảnh đáng sợ khi ngồi sau tay lái một phương tiện nặng tới cả tấn. Hồi tháng 11, CNN từng thử nghiệm tính năng này trên chiếc Tesla Model 3 trên đường phố New York. Kết quả đem tới nhiều lo ngại như phần mềm cố gắng lái chiếc xe đâm vào xe tải UPS để tránh người đi xe đạp, đi trái đường, suýt va hàng rào và hàng loạt vấn đề khác.