Theo lịch trình tuyển sinh, trước ngày 21-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên và khối ngành sức khỏe.
Phổ điểm đẹp
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, môn toán có 12 bài đạt điểm 10, điểm trung bình là 5,64, số điểm thí sinh (TS) có nhiều nhất là 6,4. Môn hóa học có 12 bài đạt điểm 10, điểm trung bình là 5,35, điểm có nhiều TS đạt nhất là 6. Môn sinh học có 39 bài thi đạt điểm 10, điểm trung bình là 4,68 điểm, điểm số có nhiều TS đạt nhất là 4,5. Ở tổ hợp xét tuyển khối B, số TS trên 26 điểm là 713 TS.
Thí sinh dự thi tổ hợp khoa học tự nhiên trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo đánh giá của các chuyên gia, phổ điểm khối B năm nay rất đẹp với đồ thị hình chuông ở mức trung bình 17,05. Với mức điểm này thì điểm chuẩn vào khối ngành y dược sẽ tăng so với năm trước.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS-TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, nhận định với điểm thi và phổ điểm THPT Quốc gia năm 2019, điểm sàn xét tuyển khối y dược có thể là 18 đối với hệ đào tạo cử nhân và 20-21 đối với hệ đào tạo bác sĩ.
GS Tú cũng dự đoán điểm chuẩn vào các trường ĐH y dược có thể cao hơn năm 2018 từ 1 đến 2 điểm. Năm 2018, do điểm thi không cao nên ngành y khoa ở cơ sở Hà Nội chỉ lấy 24,75 điểm, phân hiệu ở Thanh Hóa lấy 22,1 điểm.
Năm 2019, Trường ĐH Y Hà Nội tuyển hơn 1.000 chỉ tiêu, trong đó ngành y khoa lấy 500 chỉ tiêu (400 tại cơ sở chính và 100 tại phân hiệu). Theo phân tích của một chuyên gia, với 713 TS đạt điểm từ 26 trở lên, điểm chuẩn ngành cao nhất là y khoa có thể dao động quanh 27 điểm, ngành răng hàm mặt giảm đi 0,5-1 điểm. Các ngành khác của 2 trường đào tạo y dược hot nhất hiện nay là Trường ĐH Y Hà Nội và Trường ĐH Y Dược TP HCM có thể giảm tiếp tục 0,5-1 điểm so với y khoa và răng hàm mặt.
Nhận định về điểm thi vào ngành y dược năm nay, ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng nhìn vào phổ điểm và điểm thi của TS có thể dự đoán chuẩn vào các trường ĐH y năm nay sẽ tăng nhẹ từ 1-2 điểm so với năm 2018 tùy ngành. Điểm có thể tăng cao ở ngành y khoa và răng hàm mặt, còn các ngành khác như điều dưỡng, dược học có điểm chuẩn như năm 2018 hoặc tăng từ 0,5 đến 1 điểm.
Chờ điểm sàn xét tuyển
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc xét tuyển bằng học bạ vào các trường ĐH đào tạo y khoa phải có điều kiện là thí sinh có học bạ cấp THPT đạt loại giỏi. Tuy nhiên, mức điểm giỏi cụ thể ở từng môn trong tổ hợp xét tuyển là bao nhiêu lại chưa được Bộ GD-ĐT đưa ra, vì thế các trường đang phải đợi thông tin này.
Ông Vũ Văn Hóa đề xuất, nếu xét tuyển bằng học bạ thì có thể lấy mỗi môn thi trong tổ hợp xét tuyển là 8 điểm. Như vậy, trong một tổ hợp gồm 3 môn thi, thí sinh phải đạt ít nhất là 24 điểm kèm theo học bạ cấp THPT đạt loại giỏi mới có thể được xét tuyển bằng học bạ vào trường ĐH đào tạo y khoa.
Một lãnh đạo Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cho hay trường chờ điểm sàn của Bộ GD-ĐT rồi mới tính toán điểm chuẩn xét tuyển vào trường. Tuy nhiên, nhìn vào phổ điểm và điểm thi THPT Quốc gia năm 2019, điểm chuẩn vào các trường ĐH đào tạo y khoa sẽ tăng nhẹ.
Điểm sàn phải từ 21 điểm
TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho rằng kết quả thi THPT quốc gia năm nay tốt hơn 2018 nên điểm trúng tuyển vào các trường, trong đó có điểm vào khối ngành sức khỏe, sư phạm đều tăng.
PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhìn nhận khối ngành sức khỏe liên quan đến tính mạng con người nên không thể làm hài lòng các trường phải tuyển đủ chỉ tiêu mà là đào tạo có chất lượng. Do vậy, mức điểm sàn năm nay tối thiểu phải từ 21 điểm.
H.Lân