Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ, 40 tuổi, bị ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật cách đây một năm, chưa phát hiện bệnh khác, chưa từng bị dị ứng thức ăn hay thuốc. Bệnh nhân nhập viện Khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương vì các dát thâm hoại tử trên da.
Bệnh bắt đầu 9 ngày trước khi nhập viện. Khởi phát, bệnh nhân xuất hiện các dát đỏ ngứa nhiều ở lòng bàn tay hai bên, sau 3 ngày, thương tổn tiến triển thành mụn nước, bọng nước nông, dễ vỡ, khi vỡ để lại các vết trợt.
Theo thời gian, các thương tổn có tính chất tương tự xuất hiện thêm ở lòng bàn chân hai bên, thân mình, tay, chân, hoại tử da lan rộng. Các niêm mạc không có thương tổn. Bệnh nhân đau rát nhiều.
Qua thăm khám, các bác sĩ thấy bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được, sốt cao, thay đổi mạch, huyết áp. Xét nghiệm có tăng nhẹ men gan, rối loạn chức năng gan.
1 tháng trước khi vào viện, bệnh nhân có uống thuốc đông y để nâng cao sức khỏe. Sau khi uống thuốc được 3 tuần, bệnh nhân bắt đầu quá trình bệnh như trên.
Bệnh nhân được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) và điều trị tích cực tại khoa, dùng các thuốc đặc hiệu (cyclosporin A) kèm chăm sóc hỗ trợ. Sau 10 ngày điều trị, thương tổn da khô, bắt đầu tái tạo thượng bì, không có bọng nước mới.
Trường hợp thứ 2 là nữ bệnh nhân 55 tuổi, nhập Khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em vì các dát thâm hoại tử và vết trợt da.
Bệnh diễn biến 7 ngày trước khi vào viện. Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện dát đỏ thẫm, sưng nề vùng môi, sau đó các dát đỏ lan nhanh ra tay, chân, thân mình, hình thành thêm mụn nước, bọng nước, có sốt cao.
Khám lúc vào viện thấy dát đỏ thẫm, liên kết với nhau thành mảng, bọng nước, hoại tử da lan tỏa. Các niêm mạc không có thương tổn. Các xét nghiệm của bệnh nhân có hạ bạch cầu và tăng men gan.
Trước khi bị bệnh 2 tháng, bệnh nhân có uống thuốc nam điều trị đau khớp, sau đó có uống thuốc nam (dạng sắc), điều trị viêm dạ dày trong ba tuần. Chưa phát hiện các bệnh lý khác.
Bệnh nhân được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) và điều trị tích cực tại khoa, dùng các thuốc đặc hiệu (corticoid toàn thân) kèm chăm sóc hỗ trợ. Sau 7 ngày điều trị, thương tổn da khô, bắt đầu tái tạo thượng bì, không có bọng nước mới.
Trong 2 trường hợp bệnh này, các bác sĩ xác định thuốc gây dị ứng dựa trên mối tương quan giữa thời gian dùng thuốc với thời điểm khởi phát bệnh, không thực hiện các xét nghiệm dị ứng như phản ứng chuyển dạng lympho bào, test áp da (patch test).
Hoại tử thượng bì nhiễm độc là phản ứng dị ứng thuốc type IV, quá mẫn muộn, theo phân loại của Gell và Coombs, xảy ra sau khi dùng thuốc từ 1-4 tuần, thậm chí là 6-8 tuần. Ở Việt Nam, các bệnh nhân thường dùng thuốc không kê đơn, dùng nhiều loại thuốc và dùng các thuốc đông y, dân gian không rõ thành phần làm cho việc xác định thuốc gây dị ứng gặp khó khăn. Mặt khác, thời gian từ khi dùng thuốc tới khi khởi phát có thể kéo dài từ vài ngày tới 2 tháng. Nhiều bệnh nhân không nhớ rõ các thuốc họ đã dùng.
Để đề phòng dị ứng thuốc, người dân không nên tự ý mua các thuốc về dùng, không nên sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần.