Đi tìm vẻ đẹp thực sự của "chị Hằng" trong truyền thuyết

J, Theo Trí thức trẻ 17:00 04/10/2017
Chia sẻ

Liệu Hằng Nga có đẹp thật không hả các chế, hay lại... "hậu tiên tiền quỷ"?

Có 2 câu chuyện không thể không nhắc tới mỗi đến dịp Trung thu. Đó là chú Cuội cùng cây đa thần của chú, hoặc về nàng Hằng Nga xinh đẹp tay ôm thỏ ngọc trắng muốt. Và bài viết này sẽ được dành trọn vẹn cho chị Hằng của chúng ta.

Dành cho những ai chưa biết, câu chuyện về chị Hằng trên cung trăng vốn bắt nguồn từ truyền thuyết Hằng Nga - Hậu Nghệ, và Hậu Nghệ là một nhân vật có thực.

Theo sử sách Trung Quốc ghi lại, Hậu Nghệ là tướng nhà Hạ, sinh sống vào khoảng những năm 2200 - 2100 TCN. Còn Hằng Nga - vợ chàng, được mô tả là một cô gái dịu dàng, đức hạnh và đặc biệt vô cùng xinh đẹp.

Nhưng chờ đã nào! Truyền thuyết về Hằng Nga - Hậu Nghệ diễn ra đã cả nghìn năm. Trong khi từ đó đến nay, tiêu chuẩn về cái đẹp đã đổi thay rất nhiều.

Thậm chí như vẻ đẹp được ví là "tuyệt sắc giai nhân" tại Ý cách đây vài trăm năm thôi trông đã chẳng có một chút gì liên quan đến tiêu chuẩn cái đẹp ngày nay.

 Đi tìm vẻ đẹp thực sự của chị Hằng trong truyền thuyết - Ảnh 1.

Đây chính là chuẩn mực của cái đẹp tại Ý thời Phục Hưng (1400 - 1700)

Điều này chứng tỏ chị Hằng của chúng ta chưa chắc đã "xinh" như tạo hình ngày nay đâu. Có thể chị cũng đẹp thật, nhưng cũng đôi khi lại là...

 Đi tìm vẻ đẹp thực sự của chị Hằng trong truyền thuyết - Ảnh 2.

Để biết được chính xác thì hơi khó, vì không có tài liệu nào mô tả vẻ đẹp của chị Hằng cả. Nhưng hãy thử suy đoán xem chị Hằng "đẹp" đến mức nào qua tiêu chuẩn cái đẹp của Trung Quốc hàng ngàn năm trước.

1. Làn da

Có vẻ như tiêu chuẩn về làn da không có sự khác biệt so với ngày nay. Trong hàng ngàn năm, người Trung Quốc coi một "làn da mịn màng" là chuẩn mực của cái đẹp, phải trắng như tuyết, mềm mại, mịn màng như kem. Trong đó, nước da cần có chút hồng hào giàu sức sống.

 Đi tìm vẻ đẹp thực sự của chị Hằng trong truyền thuyết - Ảnh 3.

Dù ở thời nào, phụ nữ Trung Quốc được coi là đẹp phải sở hữu làn da mịn màng, mềm mại. Hình ảnh Hàm Hương, tức Dung phi triều Thanh.

Kết luận: Hằng Nga có một làn da trắng hồng.

2. Đôi mắt

Theo quan điểm của người Trung Hoa cổ đại, một đôi mắt đẹp không chỉ thu hút, mà còn phải thể hiện được cảm giác chiếm hữu và đẳng cấp của người nhìn.

 Đi tìm vẻ đẹp thực sự của chị Hằng trong truyền thuyết - Ảnh 4.

Từ Hy Thái Hậu - người đàn bà nổi tiếng vì giữ được vẻ đẹp của tuổi đôi mươi khi bước sang tuổi 68 - có đôi mắt khá to tròn trong phác họa lịch sử.

Đôi mắt đẹp thường được mô tả là: như nước mùa thu, hàm ý muốn nói đôi mắt sáng, trong trẻo. Mà muốn tạo được vẻ sáng thì mắt phải to, con ngươi nở mới được.

Kết luận tiếp: Mắt to, sáng đẹp.

3. Lông mày

Không giống như mắt hay da, tiêu chuẩn lông mày của phụ nữ Trung Quốc thay đổi như chong chóng.

Vì không có thông tin chính xác, ta tạm đặt ra giả thiết chị Hằng có cặp lông mày hình chấm đậm - "mốt" một thời của đời nhà Đường (618 - 907), cũng là cặp lông mày có niên đại cổ xưa nhất được ghi nhận cho đến thời điểm hiện tại.

 Đi tìm vẻ đẹp thực sự của chị Hằng trong truyền thuyết - Ảnh 5.

4. Môi, răng

Môi phải hồng, răng phải trắng - đó là 2 đặc điểm cần có của một phụ nữ đẹp. Đây cũng là 2 điểm cho thấy một sức khỏe tốt.

 Đi tìm vẻ đẹp thực sự của chị Hằng trong truyền thuyết - Ảnh 6.

Thục phi Văn Tú, vợ vua Phổ Nghi - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Trung Quốc.

Kết luận: Chị Hằng môi đỏ, răng cũng trắng.

5. Tóc

Tóc đen, óng mượt, dày và dài là kiểu tóc luôn được coi trọng trong truyền thống của người Trung Quốc. Một mái tóc như vậy có thể được ví như mây trời.

 Đi tìm vẻ đẹp thực sự của chị Hằng trong truyền thuyết - Ảnh 7.

Dương Quý Phi với vẻ đẹp mặn mà cùng mái tóc đen, dài, óng mượt.

Ví dụ như một công chúa đời Đường vốn có mái tóc dài từ khi mới ra đời. Khi 3 tuổi, mái tóc của nàng đã dài ngang chiều cao. Khi lớn lên, nàng được xưng tụng là thiếu nữ với mái tóc đẹp nhất.

Vậy bạn hiểu tóc chị Hằng sẽ như thế nào rồi chứ: đen, dài, và óng mượt, bồng bềnh như mây trời.

6. Hông

Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, phụ nữ có hông nở được xem là vẻ đẹp hoàn hảo. Lý do thì hơi "xôi thịt" một chút: hông to sẽ dễ đẻ, giúp con cái được khoẻ mạnh, mẹ tròn con vuông.

Vậy là chị Hằng chắc hẳn phải có hông rất nở, không sai được.

7. Eo

Tiêu chuẩn về eo phụ nữ cũng đã thay đổi rất nhiều. Vào thời nhà Hán (khoảng năm 200 TCN), tiêu chuẩn đẹp dành cho eo phụ nữ khá giống với ngày nay: thon thả và hẹp. Trong khi đến đời nhà Đường (618–907 sau CN), phụ nữ phải có eo tròn, đầy đặn mới là đẹp.

 Đi tìm vẻ đẹp thực sự của chị Hằng trong truyền thuyết - Ảnh 8.

Vào thời nhà Đường, phụ nữ được cho là đẹp, hấp dẫn thì phải tròn trịa, mập mạp. Đây là chân dung miêu tả ngoại hình "nghiêng nước nghiêng thành" của Võ Mị Nương.

 Đi tìm vẻ đẹp thực sự của chị Hằng trong truyền thuyết - Ảnh 9.

... còn phụ nữ thời nhà Hán lại thích "vòng eo con kiến".

Vì đời Hán có trước nhà Đường, nên có lẽ eo Hằng Nga cũng "con kiến" như Ngọc Trinh vậy.

8. Ngực

Tại nhiều nền văn hóa chứ không chỉ Trung Hoa thời cổ đại, người ta luôn đề cao giá trị của một bộ ngực nở nang, với quan niệm: ngực nở dễ nuôi con. Thậm chí đến đời nhà Đường, ngực đẹp còn phải rơi vào hàng... ngoại cỡ, càng lớn càng tốt nữa cơ.

Vậy chắc vòng 1 của chị Hằng cũng không nằm ngoài quan niệm này được đúng không?

Tóm lại, dựa trên những đặc điểm nêu trên, chúng ta có thể gói gọn vẻ đẹp của chị Hẳng như sau: một thân hình đúng chuẩn... đồng hồ cát (ngực nở eo nhỏ hông to), giống như các nàng siêu mẫu người Mỹ Latin ngày nay vậy. Chỉ khác là chị có một làn da trắng, tóc dài và đen hơn.

*Bài viết dựa trên suy luận của tác giả, từ những tài liệu thống kê về quan niệm cái đẹp của phụ nữ Trung Hoa trong lịch sử.

Thuở ấy, 10 người con trai của vua trời đều là Mặt trời, và tất cả bỗng một ngày nổi hứng mọc cùng lúc, đem lại hoạ lớn cho nhân gian. Hằng Nga và Hậu Nghệ phụng mệnh Tây Vương Mẫu, cầm theo thần cung leo lên núi, bắn rụng 9 mặt trời, chỉ để lại một mặt trời duy nhất của chúng ta ngày nay.

Sau đó cả 2 về nhà uống tiên đơn Tây Vương Mẫu ban cho để được bất tử, hưởng trọn tiên duyên. Tuy nhiên, Hậu Nghệ vì quá vui đã đánh đổ phần tiên đơn của mình, trong khi Hằng Nga đã uống rồi. Kết quả, Hằng Nga nhẹ bỗng, bay một mạch đến cung trăng và trở thành Nữ thần Mặt trăng trong truyền thuyết Trung Hoa từ đó.

Những người già thường hay nói rằng, mỗi khi trăng sáng vằng vặc giữa trời, mọi người ngẩng đầu nhìn lên, sẽ thấy trên mặt trăng có bóng nhà thấp thoáng, đó chính là Quảng Hàn cung mà Hằng Nga cư ngụ.

Còn có thể nhìn thấy một con Thỏ Ngọc, đang giã thuốc dưới một gốc cây, nghe nói đó là Hằng Nga chuẩn bị cho Nghệ, hy vọng rằng Nghệ ăn rồi, có thể lên đến cõi trời cùng nhau đoàn tụ.

Nguồn: Beauty Matters

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày