Đi tìm căn nhà dành riêng cho bạn: 5 câu hỏi bạn cần tự trả lời trước khi "gánh nợ"

Bài viết: Ebe; Thiết kế: Nhatanhngx, Theo Trí Thức Trẻ 08:18 27/08/2019

Với bài viết này, tôi sẽ cùng bạn tập trung vào việc tìm ra căn nhà dành-riêng-cho-bạn. Và một lưu ý nhỏ là chúng ta chỉ đang nhìn vào những căn chung cư mà thôi nhé.


Sở hữu một căn hộ chung cư là một trong những giấc mơ lớn nhất của người trẻ trên 25 tuổi. Sau nhiều năm đi làm, việc gánh một món nợ dài hơi lại là một bằng chứng cho sự thành công và cần mẫn. "Người trẻ mua nhà" là loạt bài viết của Kenh14.vn thực hiện để giúp các bạn có cái nhìn gần gũi và sâu sắc hơn về cái "cột mốc" này của thế hệ trẻ hiện đại, cũng như cùng các bạn tham khảo góc nhìn của người đi trước trong việc cân đối chi tiêu và lên kế hoạch "gánh nợ" một cách thông minh nhất.

Theo một cách nào đó, tôi tin rằng việc lựa chọn một căn nhà cũng giống như lựa chọn người yêu, nếu không muốn nói là người bạn đời. Đấy không chỉ là người mà mình cảm thấy có tình cảm sâu sắc, muốn ở bên, mà cũng phải là người phù hợp với mình về cả lối sống lẫn tính cách, hỗ trợ được mình trong cuộc sống hiện tại, và có khả năng gắn bó lâu dài.  

Với bài viết này, tôi sẽ cùng bạn tập trung vào việc tìm ra căn nhà dành-riêng-cho-bạn. Và một lưu ý nhỏ là chúng ta chỉ đang nhìn vào những căn chung cư mà thôi nhé. 

Có 5 điều bạn cần quan tâm để đánh giá một căn nhà có phải là dành cho bạn hay không. 

Đi tìm căn nhà dành riêng cho bạn: 5 câu hỏi bạn cần tự trả lời trước khi gánh nợ - Ảnh 2.

Nếu bạn vẫn đang mơ mộng về những khung hình đứt đoạn trong căn nhà của mình – khi thì là những bữa tiệc với bạn bè ở phòng khách với ban công rộng mở, khi lại là một buổi tối lãng mạn tại nhà với người yêu – thì đây là lúc dừng lại. Điều nguy hiểm của những mộng mơ là chúng ta chỉ nhìn thấy những khung hình tốt đẹp nhất, chứ không phải toàn bộ cuốn phim. Thời điểm bạn nghĩ đến việc mua nhà, cũng là thời điểm bạn cần thẳng thắn nhìn vào kế hoạch tương lai của mình và trả lời câu hỏi: Tôi sẽ sống ở căn nhà này bao lâu? 

Đi tìm căn nhà dành riêng cho bạn: 5 câu hỏi bạn cần tự trả lời trước khi gánh nợ - Ảnh 3.

Để trả lời câu hỏi ấy, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng kế hoạch tương lai bạn cần hoạch định sẽ không chỉ bao gồm kế hoạch công việc. Bạn có nghĩ rằng mình sẽ kết hôn trong vài năm tới không? Công việc của bạn có cố định tại một khu vực không, hay sẽ cần di chuyển nhiều? Bạn có thường xuyên đi công tác không? Lối sống của bạn liệu có ổn định như hiện tại trong một vài năm tới không? Không giống như việc mua một chiếc áo mới, hay thậm chí là một chiếc xe máy, một ngôi nhà đòi hỏi bạn nên đáp ứng được một trong hai yêu cầu: hoặc bạn sẽ có một cuộc sống tương đối rõ ràng và ổn định trong ít nhất 3 tới 5 năm, hoặc bạn đã có một mục tiêu tài chính rõ ràng trong việc mua nhà. 

Nếu bạn xác định mình mua ngôi nhà này để “xây tổ ấm”, bạn hoàn toàn có thể bỏ qua những nội dung dưới đây và đọc thẳng tới nội dung thứ hai cần quan tâm. Một tổ ấm không cần quá nhiều lý trí khi lựa chọn, và sẽ cần cảm xúc nhiều hơn. Cũng giống như khi chúng ta rung động với một ai đó, đâu hẳn cần nhiều lí do, bạn đồng ý không? 

Mặt khác, nếu bạn coi việc mua nhà của mình là một khoản đầu tư ngắn hạn – bạn không chắc chắn mình sẽ sống ở đó dài lâu hoặc có thể hoàn toàn không sống ở đó, mà chỉ muốn có một khối tài sản chắc chắn, thì điều bạn cần đặc biệt quan tâm là tính thanh khoản của căn nhà. Khác với các căn nhà mặt đất, giá trị của nhà chung cư có khả năng dao động mạnh và phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của thành phố nơi bạn sống. 

Đi tìm căn nhà dành riêng cho bạn: 5 câu hỏi bạn cần tự trả lời trước khi gánh nợ - Ảnh 4.

Nếu như khi chọn căn nhà cho bản thân ở, bạn sẽ tương đối quan tâm đến việc phong thuỷ, hướng nhà phù hợp với bản thân, thì khi mua một căn nhà để đầu tư bạn chỉ cần quan tâm tới việc hướng nhà nào là hướng mát mẻ và thường được quan tâm nhất. Yếu tố cá nhân của bạn nên được thay thế bằng yếu tố thị trường, cũng như cảm xúc được thay thế bằng lý trí. 

Đi tìm căn nhà dành riêng cho bạn: 5 câu hỏi bạn cần tự trả lời trước khi gánh nợ - Ảnh 5.

Tin tốt là với số tiền vốn như thế nào bạn cũng có thể bắt đầu sở hữu một ngôi nhà, cho dù là 100 triệu. Tuỳ thuộc vào khu vực bạn muốn tìm mua, cũng như số lượng phòng ngủ, phòng vệ sinh mong muốn (bạn nên bắt đầu làm quen với những thuật ngữ như “2 ngủ, 1wc” để tránh tỏ ra bỡ ngỡ với những anh chị sale sành sỏi), giá nhà sẽ có biên độ dao động tới vô cùng. 

Tuy vậy, sau nhiều quan sát tôi rút ra được một công thức an toàn như sau: 

Giá trị căn nhà = Số tiền bạn có x 3

Trong trường hợp xấu nhất, bạn nên có trong tay ít nhất 35% giá trị căn nhà mình muốn mua. Nếu có ít hơn vậy, bạn vẫn có thể vay ngân hàng phần tiền còn lại, nhưng khi ấy bạn sẽ phải đối mặt với thực tế rằng số tiền lãi bạn phải trả ngân hàng là một chi phí cơ hội quá lớn bạn cần bỏ ra chỉ để sở hữu căn nhà. Việc có khoản tiết kiệm chưa tới 35% giá trị ngôi nhà cũng báo hiệu trước rằng bạn sẽ có một khoảng thời gian lo lắng về việc kiếm tiền khá dài và vất vả để đáp ứng được giá trị căn nhà, cũng như trả nợ ngân hàng. Trước khi nói kĩ hơn về việc này, bạn có thể hình dung đại khái rằng tiền lãi ngân hàng sẽ xấp xỉ tương đương với số tiền bạn vay. Đồng nghĩa với việc nếu bạn vay 500 triệu đồng, trên thực tế bạn sẽ phải trả gần 1 tỉ đồng cả gốc lẫn lãi. 

Đi tìm căn nhà dành riêng cho bạn: 5 câu hỏi bạn cần tự trả lời trước khi gánh nợ - Ảnh 6.

Nếu có 35% hoặc nhiều hơn, đồng nghĩa với việc bạn đủ thoải mái về tài chính để trả tiếp khoản vay trong hàng tháng với ít rủi ro hơn, và đồng thời cũng giảm khoản vay cần có với ngân hàng xuống một mức đủ an toàn để số tiền lãi không phình ra quá lớn. Vậy nên câu hỏi về tiền vốn sẽ giúp bạn khoanh vùng được các căn nhà khá rõ ràng: hãy lấy số tiền mình đang có và nhân 3, đó là số tiền tối đa bạn nên chi trả cho giá trị một căn nhà. Nếu không thể tìm được căn nhà nào trong mức giá ấy, hãy tạm hoãn giấc mơ này lại và tiếp tục chăm chỉ làm việc. Đừng thoả hiệp bản thân với một ngôi nhà tuy phù hợp tài chính nhưng không đáp ứng được tiêu chuẩn sống của bạn, hay không giữ vững được giá trị sau một vài năm. 

Và quan trọng không kém, hãy chú ý tới khoản nợ bạn sẽ tiếp tục gánh trên vai trong nhiều năm tới. Sau đây là những khái niệm bạn cần làm quen:

Đi tìm căn nhà dành riêng cho bạn: 5 câu hỏi bạn cần tự trả lời trước khi gánh nợ - Ảnh 7.
Đi tìm căn nhà dành riêng cho bạn: 5 câu hỏi bạn cần tự trả lời trước khi gánh nợ - Ảnh 8.

Sau những căng thẳng về con số, đây là thời điểm để chúng ta có thể tiếp tục mộng mơ một chút, và cũng bởi vậy, yếu tố này không quá quan trọng nếu bạn định mua nhà để đầu tư. 

Bạn mong muốn ở một khu trung tâm, nơi mọi thứ đều có thể mua được trong bán kính 500m từ nhà mình, hay muốn tận hưởng sự yên tĩnh và một tầm nhìn mở rộng hàng đêm? 

Đối với cá nhân mình, tôi đưa ra quyết định này bằng cách nhìn lại vào tuổi thơ của mình. 

Tôi sinh ra trong một gia đình không hề khá giả, ở một khu phố dành riêng cho các chú bộ đội. Kí ức của tôi không hề có những tiếng còi xe trong giấc ngủ, và mọi căn nhà đều có một khu vườn riêng. Bởi vậy, hình ảnh của tôi về cuộc sống độc lập riêng mình đến một cách vô cùng tự nhiên: tôi sẽ không quá quan tâm về tiện ích trong không gian dự án, nhưng chắc chắn tôi sẽ ưu tiên những căn nhà có ban công rộng nhất có thể. Với bạn, ban công có thể là điều không quan trọng, nhưng nhất định trong dự án phải có bể bơi để được luyện tập hàng ngày.

Đi tìm căn nhà dành riêng cho bạn: 5 câu hỏi bạn cần tự trả lời trước khi gánh nợ - Ảnh 9.

Mỗi người sẽ có một ưu tiên riêng và điều quan trọng là bạn có thể sắp xếp thứ tự các ưu tiên của mình, vì khả năng cao là một căn nhà có thể đáp ứng mọi mong muốn của bạn sẽ có một mức giá ngoài tầm với, và khi ấy bạn cần phải biết rõ rằng mong muốn nào của bản thân có thể bỏ qua. Đây cũng là thời điểm bạn có thể đặt những sở thích cá nhân quan trọng với mình lên một vị trí cao nhất nếu mong muốn – vì nói cho cùng, đây là căn nhà của bạn. Chúng ta được phép ích kỷ một chút và chỉ nghĩ về bản thân, phải không? 

Đi tìm căn nhà dành riêng cho bạn: 5 câu hỏi bạn cần tự trả lời trước khi gánh nợ - Ảnh 10.

Một câu hỏi tưởng chừng như vô cùng quan trọng, lại được đặt xuống vị trí thứ 4, vì sao? Vì hai yếu tố: 

1, Các dự án trong trung tâm thành phố, nơi thuận tiện nhất để di chuyển tới bất kì đâu đều đã tới thời điểm dừng lại. Để sở hữu được một căn nhà phù hợp với khả năng tài chính của chúng ta, khả năng cao là bạn phải làm quen với suy nghĩ mình sẽ phải thoả hiệp với thời gian di chuyển dài hơn trước và sống ở một khu vực mới không quá trung tâm. Địa điểm bạn mua nhà sẽ nằm trong bán kính dao động rộng hơn kì vọng bạn một chút, và cũng bởi vậy số lựa chọn sẽ tăng gấp bội. 

2, Đừng quên rằng tương lai sử dụng tàu điện ngầm và phương tiện công cộng không hề còn cách xa chúng ta. Nếu bạn có ý định gắn bó với một địa điểm sống trong 3 tới 5 năm, hoặc nhiều hơn nữa, thì bản đồ bạn cần nghiên cứu không chỉ là các tuyến đường thông thường, mà nên là cả các tuyến tàu điện ngầm. Bởi không lâu nữa đâu, đó sẽ là phương tiện chính của chúng ta. 

Đi tìm căn nhà dành riêng cho bạn: 5 câu hỏi bạn cần tự trả lời trước khi gánh nợ - Ảnh 11.

Khi mua một căn nhà chung cư, bạn đã đồng ý với việc chăm sóc căn nhà của cùng hai “người” khác. Người đầu tiên là chủ đầu tư, người xây nhà cho bạn. Người thứ hai là ban quản lý, người quản gia cho căn nhà của bạn. Hai người này quan trọng như nhau, và sẽ góp phần lớn nhất về chất lượng sống của bạn khi bạn đã chuyển về nhà ở. 

Đối với nội dung này, không gì bạn có thể làm nhiều hơn là nghiên cứu và nghiên cứu. Hãy tìm những dự án trước mà chủ đầu tư đã từng xây, và tới xem nó. Hãy tìm những toà nhà ban quản lý này đang làm việc, và tới quan sát kĩ. Bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy được sự thật sau những lời hứa của từng người, và trước khi bạn trở nên ngờ vực, tôi muốn bạn hãy an tâm thả lỏng. Phần lớn thời gian mọi người đều giữ đúng lời hứa của mình. 

Đi tìm căn nhà dành riêng cho bạn: 5 câu hỏi bạn cần tự trả lời trước khi gánh nợ - Ảnh 12.

Và điều cuối cùng tôi muốn mong muốn bạn ghi nhớ là, cũng như người bạn đời, khả năng cao rằng bạn sẽ không tìm thấy một căn nhà 100% hoàn hảo. Nhưng đừng để điều đó làm bạn bận tâm và lăn tăn so sánh quá nhiều. Vì cũng như trong tình cảm, đôi khi chỉ cần bạn có “cảm giác đúng”, thì đó đã chính là một lựa chọn đúng rồi. 

Chúc bạn sớm tìm ra căn nhà dành riêng cho mình, và “cùng nhau” xây dựng một cuộc sống hoàn hảo nhé.