Ông Mỗ Lương (62 tuổi, sống tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Vốn là người có lối sống kín tiếng, ông Lương không mấy mặn mà với các buổi gặp mặt sau khi ra trường. Thế nhưng, tháng 8 vừa rồi, ông Lương đã đồng ý tham dự buổi họp lớp cấp 3 sau khi nhận được hàng chục cuộc điện thoại của lớp trưởng.
Buổi gặp mặt được tổ chức tại một khách sạn 5 sao ở trung tâm thành phố Giang Tô. Khi lớp trưởng gửi thông tin và địa chỉ khách sạn vào nhóm chat của lớp, ông Lương tỏ ra lưỡng lự và có phần lo lắng. Thế rồi, ông lão gạt hết mọi do dự, phiền muộn để đến gặp mặt bạn học một lần.
Tham gia buổi họp lớp lần này dự kiến có khoảng 20 người. Ngoài ông Lương, cả lớp đều đồng ý phương án thuê xe đến đón ở từng nhà, sau đó di chuyển tới khách sạn để mọi người có thêm thời gian trò chuyện với nhau. Như vậy, ngoài 500 NDT tiền tiệc (khoảng 1,7 triệu đồng), thì những ai lựa chọn phương án đi ô tô sẽ đóng thêm 50 NDT (khoảng 170 nghìn đồng).
Vào ngày họp lớp, ông Lương mặc lên mình bộ trang phục đơn giản như thường ngày gồm áo sơ mi và quần âu tối màu. Ngoài ra, ông còn đội thêm chiếc mũi lưỡi trai, đeo khẩu trang và kính râm màu đen. Bước vào khách sạn, mọi người đều ồ lên trước sự xuất hiện của ông Lương. Có người chưa kịp nhận ra vì sau hơn 30 năm, ngoại hình của ông thay đổi rất nhiều, nhưng phong thái đĩnh đạc và giọng nói từ tốn vẫn không thể lẫn vào đâu.
Sau khi chào hỏi mọi người, ông Lương di chuyển xuống chiếc ghế được đặt ở cuối bàn tiệc. Ông có chút ngại ngùng vì đã rất lâu chưa gặp bạn bè. Có vài người trông hơi xa lạ, ông không thể nhớ nổi tên.
Trong buổi tiệc, các thành viên trong lớp vừa ăn uống, vừa nhắc lại những câu chuyện cũ từ hồi cấp 3. Sau đó, họ thi nhau kể lể về cuộc sống, công việc và con cái. Có người khoe được con dâu đưa đi mua quần áo đẹp để tới họp lớp, người cứ 6 tháng lại đi du lịch châu Âu một lần.
Trong lớp của ông Lương cũng có những người thành công và giàu có. Họ kể lại quá trình làm giàu, kinh doanh vất vả của bản thân để bạn bè cùng chia sẻ, ngưỡng mộ. Chỉ mình ông Lương ngồi lặng thinh ở góc phòng để quan sát mọi người. Lúc sau, một giọng nói ở đâu đó vang lên khiến ông Lương giật mình: "Sao không thấy ông Lương nói gì. Chắc đường đến khách sạn hơi xa nên mệt rồi đúng không? Ông cứ ăn uống thoải mái, cần gọi gì thì có nhân viên đứng ở cửa. Đừng ngại ngùng nhé". Nghe thấy lời này, ông Lương không nghĩ ngợi nhiều và cũng chẳng đáp lại dài dòng. Ông chỉ gật đầu rồi nở một nụ cười thân thiện.
Bữa tiệc gặp mặt dần đi đến hồi kết. Thấy mọi người đã ăn uống no nê và đặt hết bát đũa xuống bàn. Ông Lương lặng lẽ xin nhân viên những chiếc hộp nhựa để gom số thức ăn thừa lại. Thấy vậy, vài người đứng cạnh liền cười nhạo và bắt đầu trêu đùa hành động của ông Lương: "Còn bao nhiêu đâu mà mang về, ở nhà ông không có gì ăn hay sao?".
Nghe những lời này của bạn bè, ông Lương không tức giận mà nhẹ nhàng đáp lại: "Nhiều đồ ăn thừa thế này mà bỏ đi thì phí lắm. Tôi gom lại rồi mang cho những người vô gia cư". Đến đây, một giọng nói từ đâu vang lên khiến mọi người bật cười: "Không có ăn thì nói là không có, cần gì phải giả bộ như vậy".
Lúc này, ông Lương cảm thấy bị sỉ nhục và không được mọi người tôn trọng. Ông gọi nhân viên đứng gần đó đến và nói: "Phòng riêng này miễn phí". Cậu nhân viên lập tức đáp gọn: "Vâng, ông chủ".
Bất ngờ trước cách xưng hô của người nhân viên, các bạn học của ông Lương bắt đầu xì xào với nhau. Họ dần nhận ra vị trí của người bạn già vừa bị cười nhạo cách đây vài giây. Biết đã ứng xử sai lầm, ai nấy đều tỏ ra ngại ngùng, xấu hổ trước hành động của mình.
Ngay sau đó, ông Lương nói lời chào tới bạn học rồi một mình ra về. Kể từ đó, ông lão tự nhủ sẽ không tham gia bất kỳ cuộc học lớp nào nữa. Ông nhận ra những suy nghĩ của mình về những buổi gặp mặt là không hề sai lầm. Thái độ phân biệt, xúc phạm người khác của một vài bạn học cũ khiến ông lão cảm thấy bức xúc, ngán ngẩm và không bao giờ muốn giao du.
Theo Toutiao