Đi họp lớp 18 năm sau khi ra trường, tôi phát hiện 5 SỰ THẬT phũ phàng: Biết sớm để bớt kỳ vọng!

Ứng Hà Chi, Theo Phụ nữ Số 22:02 23/10/2023

Cuộc đời của mỗi người giống như cuốn tiểu thuyết vậy - nơi bạn có thể đọc về những khía cạnh khác nhau của cuộc sống và sự vô thường của số phận.

Bài viết là lời chia sẻ của một người đàn ông giấu tên, được đăng tải trên Toutiao (mạng xã hội của Trung Quốc).

Thời tiết sang thu mát mẻ cũng là thời điểm nhiều hội nhóm, bạn cũ gặp mặt. Mặc dù nhiều người cho rằng họp lớp giống như phiên chợ "thập cẩm" – nơi để khoe khoang tiền bạc, danh lợi, địa vị nhưng tôi vẫn muốn tham gia với mong muốn gặp lại những người bạn đã mất liên lạc từ lâu.

Như nhà Giáo dục Rei Mikawa từng nói: "Mỗi lần gặp mặt, chúng ta có thể quan sát hoàn cảnh sống của những người bạn trước đây . Sau nhiều năm bôn ba, họ có thay đổi nhiều không".

Mọi khía cạnh của cuộc sống đều được cô đọng trong buổi họp lớp. Và hoàn cảnh của các bạn đã cho tôi những suy ngẫm sâu sắc. Từ buổi gặp mặt, tôi đúc kết được 5 sự thật.

1. Không có định nghĩa chuẩn mực về hạnh phúc

Khi mới ra trường, mọi người đều nỗ lực thi Đại học, có người nhận học bổng tại nước ngoài, cố gắng tìm việc làm tại những tập đoàn lớn, công ty top đầu. Ai cũng kỳ vọng vào việc bản thân phát triển tốt hơn.

Hơn 10 năm trôi qua, mỗi người đều có cho mình con đường riêng. Sau khi tốt nghiệp Đại học, bạn tôi – Du Lin đến Thâm Quyến, làm việc tại công ty về công nghệ mới thành lập. Trong vài năm qua, anh làm việc chăm chỉ, cuối cùng được thăng chức lên vị trí Quản lý cấp trung. Năm kia, anh ấy chơi thêm chứng khoán và gặt hái được thành công, giờ đã đạt được tự do tài chính.

Tuy nhiên, gặp lại Du Lin, tôi thấy anh ấy vẫn giản dị, hào sảng như năm xưa. Điều này khiến trái tim tôi vô cùng ấm áp.

Đi họp lớp 18 năm sau khi ra trường, tôi phát hiện 5 SỰ THẬT phũ phàng: Biết sớm để bớt kỳ vọng! - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Còn Wang Kun gia nhập vào doanh nghiệp nhà nước, công việc ổn định nhưng thu nhập không cao. Anh ấy kết hôn với một cô gái người địa phương. Tuy kinh tế không khấm khá nhưng ổn định, gia đình hoà thuận, con cái ngoan ngoãn. Mỗi lần nói chuyện với mọi người, anh đều mỉm cười và khoe về gia đình nhỏ.

Li Ling sau khi tốt nghiệp Đại học lấy bằng Tiến sĩ và giảng dạy tại một trường Đại học. Hiện tại cô ấy vẫn độc thân dù ngoài 30 tuổi, cô cũng bị bố mẹ thúc giục chuyện kết hôn. Nhưng cô không vội vàng mà tập trung nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Li Ling cho biết, với cô, mỗi ngày đi làm là một ngày vui.

Xie Xie thì kết hôn với một chàng trai kém hơn 2 tuổi. Sau khi có thai, cô nghỉ việc và trở thành bà nội trợ toàn thời gian. Hàng ngày, công việc của cô là chăm sóc các con và dọn dẹp nhà cửa. Thời gian rảnh, cô ấy tập tành kinh doanh online. Dù không kiếm được nhiều tiền nhưng cũng chẳng sao, chồng Xie Xie đối xử rất tốt với cô.

Cô cho biết: "Làm mẹ toàn thời gian cũng là một nghề, mình rất hạnh phúc với điều này".

Một số bạn học của tôi chọn ra nước ngoài phát triển sự nghiệp, một số trở thành viên chức, một số lập gia đình và có con cái, số khác thì vẫn độc thân. Mọi người đều có cho mình cuộc sống riêng, tìm niềm vui riêng. Bạn thấy đấy, chẳng có định nghĩa tiêu chuẩn nào về hạnh phúc và có vô vàn con đường dẫn đến hạnh phúc.

Trước đây, người ta luôn nói về quy luật của đời người, đó là làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, kết hôn và sinh con. Dường như chỉ bằng cách này mới được coi là hạnh phúc. Tuy nhiên, có bao nhiêu người đang sống cuộc đời khốn khổ khi chạy theo tiền bạc, chôn vùi thanh xuân vào cuộc hôn nhân kém chất lượng.

Suy cho cùng, bạn có thể phát triển điên cuồng hoặc chậm chạp nhưng hãy đi theo cách riêng của mình.

Đi họp lớp 18 năm sau khi ra trường, tôi phát hiện 5 SỰ THẬT phũ phàng: Biết sớm để bớt kỳ vọng! - Ảnh 2.

2. Tiền bạc là niềm tin lớn nhất

Bạn tôi – Chen Fei có thói quen tiêu tiền hoang phí từ thời đi học. Sau khi tốt nghiệp, anh ấy có được công việc lương cao nhưng vẫn không thay đổi thói quen cũ. Cứ cuối tháng là anh rơi vào tình trạng "cháy túi".

Tuy nhiên, Chen Fei không nhận ra mối nguy hại này, anh vẫn khá lạc quan, chẳng chịu tiết kiệm tiền cho những trường hợp khẩn cấp. 3 năm trước, bố của anh đột ngột bị bệnh và phải phẫu thuật gấp. Anh ấy không có nổi một đồng tiết kiệm, phải hỏi vay khắp nơi. Nhiều người không muốn cho Chen Fei vay vì biết thói quen chi tiêu vô tội vạ.

Sau biến cố đó, Chen Fei hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm và không còn tiêu tiền bừa bãi. Anh ấy cũng tâm sự, bản thân từng thấy hoang mang khi không có tiền, nhưng khi biết tiết kiệm, anh thấy mình tự tin hơn.

Đi họp lớp 18 năm sau khi ra trường, tôi phát hiện 5 SỰ THẬT phũ phàng: Biết sớm để bớt kỳ vọng! - Ảnh 3.

(Ảnh minh hoạ)

Có đồ ăn trong tay, tự nhiên sẽ không hoảng sợ. Tiết kiệm cũng là phẩm giá của người trưởng thành trong việc đối mặt với mọi thách thức. Những con số trên thẻ ngân hàng chính là cứu tinh của bạn.

Oscar Wilde từng nói: "Khi còn trẻ, tôi nghĩ tiền là thứ quan trọng nhất. Bây giờ khi đã già, tôi mới biết điều này là đúng". Trong thế giới thực, tiền là nền tảng của cuộc sống. Thức ăn, quần áo, nhà ở, phương tiện đi lại và mọi khía cạnh đều không tách rời tiền bạc.

Càng có nhiều tiền tiết kiệm, khả năng chống lại rủi ro của bạn càng tốt và có nhiều sự lựa chọn hơn. Khi cuộc sống được bảo vệ và những rắc rối không còn làm bạn phân tâm, bạn sẽ thấy mọi thứ tươi đẹp, tràn đầy ý nghĩa. Tiền bạc chính là niềm tin lớn của mỗi người.

3. Khi cuộc sống đang ở điểm thấp, mỗi bước tiến về phía trước đều là bước ngoặt

Cuộc đời mỗi người như thuỷ triều khi dâng cao, lúc xuống thấp; cũng như biểu đồ hình sin có đỉnh và đáy đan xen nhau. Rất ít người sống cả đời được "thuận buồm xuôi gió".

Bạn cùng lớp tôi – Wei Wei bắt đầu kinh doanh 2 năm sau khi tốt nghiệp THPT. Công việc thuận lợi, anh ấy mua được biệt thự và kết hôn với một cô gái đẹp. Ai cũng nghĩ số phận anh ấy suôn sẻ nhưng dịch COVID-19 bùng phát, công việc của Wei Wei bị ảnh hưởng nặng nề.

Chỉ chưa tới 1 năm, Wei Wei phải bán nhà, bán xe mà vẫn nợ hàng chục tỷ đồng. Vợ anh không chịu đựng được nên viết đơn ly hôn. Wei Wei dường như mất hết tất cả, hết hy vọng vào cuộc sống. Anh chán nản một thời gian nhưng không bỏ cuộc. Chẳng bao lâu, anh vượt qua được khó khăn, kiên trì làm lại và giờ đã trả được hết khoản nợ.

Sau bao thăng trầm, anh ấy càng tin chắc rằng chỉ cần bản thân không bỏ cuộc thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn. Mọi người đều sợ gặp thất bại, việc rơi xuống đáy là điều vô cùng thảm hại nên họ thà sống bi quan. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cố gắng trèo ra khỏi đáy.

Có câu nói rất hay như sau: "Khi một thứ gì đó chạm đến điểm thấp nhất, nó có thể quay đầu trở lại". Hãy nỗ lực hết mình, mỗi bước đi là một bước tiến gần hơn đến hy vọng và thành công. Thế giới này có những quy luật vận hành riêng, khi bạn không thể thua hơn được nữa, đó là lúc bạn tìm ra được ánh sáng.

Đi họp lớp 18 năm sau khi ra trường, tôi phát hiện 5 SỰ THẬT phũ phàng: Biết sớm để bớt kỳ vọng! - Ảnh 4.

(Ảnh minh hoạ)

4. Cha mẹ là điểm khởi đầu cho cuộc đời con

Triệu Mạnh và Vương Duyệt đều dẫn con đi họp lớp. 2 đứa trẻ bằng tuổi nhau, đều khoảng 5 tuổi. Biểu hiện của đứa trẻ khiến tất cả mọi người phải thốt rằng con cái chính là bản sao của cha mẹ.

Khi còn là sinh viên, Vương Duyệt rất thích đọc sách, thường dành thời gian trong thư viện. Sau khi tốt nghiệp, cô trở thành giáo viên THCS và thường chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của mình về sách.

Còn Triệu Mạnh thuở đi học nghiện game. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh ấy không thi đỗ đại học, sau này làm công việc văn phòng nhàn nhã. Ngoài giờ làm việc, Triệu Mạnh vẫn say sưa với trò chơi điện tử.

Và giờ trong khi con của Triệu Mạnh mải mê cầm điện thoại chơi game thì con của Vương Duyệt lặng lẽ ra một góc đọc sách.Từ 2 đứa trẻ, tôi thấy bóng dáng các bạn thời còn đi học.

Sun Yunxiao – Nhà Giáo dục thanh thiếu niên nổi tiếng tại Trung Quốc từng nói rằng, thói quen tốt là chủ nhân của vận mệnh, sự nghiệp, sự giàu có và cả phong cách sống.

Những hiểu biết và thói quen mà cha mẹ truyền cho con cái khi con còn nhỏ là vạch xuất phát và ảnh hưởng đến trẻ trong suốt cuộc đời. Cha mẹ muốn con mình trở nên xuất sắc thì trước tiên, bản thân cha mẹ phải xuất sắc. Nuôi dạy bằng hành động thay vì lời nói là cách giáo dục hiệu quả nhất.

Đi họp lớp 18 năm sau khi ra trường, tôi phát hiện 5 SỰ THẬT phũ phàng: Biết sớm để bớt kỳ vọng! - Ảnh 5.

(Ảnh minh hoạ)

5. Sức khoẻ tốt là nền tảng thành công

Khi trò chuyện trong bữa tiệc, chúng tôi nhắc về Zhang Qiu mà thấy buồn lòng. Zhang Qiu trước đây là người chăm chỉ nhất lớp. Anh ấy suốt ngày ở trong thư viện, trong phòng học đến tối muộn mới rời đi.

Nhờ sự chăm chỉ nên Zhang Qiu trở thành Phó Chủ tịch một công ty lớn khi tuổi đời còn rất trẻ. Công việc của anh ấy ngày càng bận rộn , lịch họp dày đặc. Nhiều người khuyên anh chú ý đến sức khoẻ, đừng làm việc quá sức nhưng anh chỉ cười trừ.

Chỉ vài tháng trước, Zhang Qiu bị xuất huyết não khi đang làm thêm ngoài giờ. Dù được cấp cứu kịp thời và cứu sống nhưng anh ấy vẫn đang phải nằm trên giường bệnh.

Tôi cùng các bạn học đến viện thăm Zhang Qiu, anh ấy chân thành nói: "Tôi luôn cảm thấy mình trẻ, mình khoẻ nên coi thường sức khoẻ, đặt sự nghiệp và tiền bạc lên trên hết. Giờ đổ bệnh, tôi mới nhận ra, danh lợi và tiền bạc quan trọng nhưng không nên vì thế mà đánh đổi sức khoẻ".

Chúng đã đều được tạo hoá ban tặng một cơ thể khoẻ mạnh. Đây là điều tiên quyết để có được sự giàu có, hạnh phúc và thành đạt. Tuy nhiên, chúng ta luôn lợi dụng sức trẻ để phung phí sức khoẻ. Chỉ khi mất đi sức khoẻ, bạn mới hối hận.

Cơ thể là người bạn đồng hành vĩnh cửu. Có sức khoẻ mới không bị bệnh tật hành hạ, mới có thể tập trung vào sự nghiệp. Có sức khoẻ mới có thể chăm sóc cho gia đình. Vì thế, đánh đổi sức khoẻ lấy những thứ phù phiếm là sai lầm lớn nhất của cuộc đời.

Nhà giáo dục người Mỹ John Dewey từng nói: "Một người nên có khả năng sử dụng kinh nghiệm của người khác để bù đắp cho sự hạn hẹp trong kinh nghiệm của mình".

Buổi họp lớp khiến tôi vô cùng xúc động. Cuộc đời của mỗi người giống như cuốn tiểu thuyết vậy – nơi bạn có thể đọc về những khía cạnh khác nhau của cuộc sống và sự vô thường của số phận. Chỉ đến tuổi trung niên, người ta mới hiểu rằng, cuộc sống không phải là sự cạnh tranh với người khác mà là sự tu dưỡng bản thân.