"Đến giờ bố mẹ vẫn chưa biết tôi vừa tham gia điều trị thành công cho ca Covid-19 nặng nhất Việt Nam"

Huy Hậu/ Ảnh: Hải Long, Theo Tổ quốc 21:40 23/06/2020
Chia sẻ

"Tụi em còn trẻ, chưa có gia đình, chưa có con cái để lo nghĩ nên cứ thế xung phong lên tuyến đầu thôi. Lúc đó xác định đánh trận này không phải một hai ngày nên em giấu gia đình luôn. Đến giờ, bố mẹ vẫn chưa biết em vừa tham gia điều trị thành công cho bệnh nhân Covid-19 nặng nhất Việt Nam" - Thắm cười nói.

Đến giờ bố mẹ vẫn chưa biết tôi vừa tham gia điều trị thành công cho ca Covid-19 nặng nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Sáng chăm sóc, tối học tiếng Anh để có thể giao tiếp tốt với bệnh nhân

Nhắc nhớ quãng thời gian hơn 1 tháng điều trị BN 91, Điều dưỡng trưởng Hồ Thị Thi (42 tuổi) vẫn rưng rưng nước mắt về sự cống hiến hết mình của các bạn trẻ.

Theo đó, ngày 22/5, khi BV Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân, đã có 12 điều dưỡng trẻ tuổi, chưa có gia đình tình nguyện xung phong lên tuyến đầu chăm sóc. "Tất cả đều xác định sẽ chiến đấu rất lâu dài. Lúc đó, để các bạn bớt phân tâm, chúng tôi luôn hỗ trợ vòng ngoài. Mỗi ngày nhìn ekip túc trực suốt 24h đồng hồ, nhìn không chớp mắt màn hình, máy thở cả đêm, tôi không lúc nào cầm lòng được" - chị Thi kể lại.

Đến giờ bố mẹ vẫn chưa biết tôi vừa tham gia điều trị thành công cho ca Covid-19 nặng nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Chị Thi vẫn xúc động, rưng rưng nước mắt khi nhớ ngày các điều dưỡng trẻ xung phong tham gia điều trị trực tiếp cho BN 91.

Lê Thị Hồng Thắm (SN 1992) vẫn nghĩ khoảng thời gian ấy là trải nghiệm khó khăn và đáng nhớ nhất trong suốt 5 năm công tác tại BV Chợ Rẫy. Hôm đó, sau cuộc họp của khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), cô gái trẻ chỉ nghĩ ngợi một chút rồi lập tức đề xuất mình tham gia ngay.

"Lúc đó, sợ lắm chứ. Nhưng nghĩ mình vẫn còn độc thân, vẫn còn sức thì nên san sẻ khó khăn với những người đã có gia đình, có con nhỏ nên em cứ gạt mọi thứ sang bên. Em ở một mình, làm xong lại đi thẳng về nhà, cố gắng giấu không cho gia đình biết vì sợ mọi người lo. Đến giờ bố mẹ vẫn chưa biết em là người điều trị thành công cho ca bệnh nặng nhất VN này!" - Thắm kể.

Đến giờ bố mẹ vẫn chưa biết tôi vừa tham gia điều trị thành công cho ca Covid-19 nặng nhất Việt Nam - Ảnh 3.

"Đến giờ bố mẹ vẫn chưa biết em là người điều trị thành công cho ca bệnh nặng nhất VN này!" - Thắm kể.

Những ngày trong phòng bệnh, Thắm phải mặc những bộ đồ phòng hộ dày cộm, đi lại trong vị trí đúng quy định. Bệnh nhân nằm bất tỉnh, nhân viên vẫn bắt ghế, cả đêm nhìn màn hình, máy thở quan sát các chỉ số.

"Em động viên bạn ấy: Be Stronger! mỗi lần vào ca trực. Đến tối ngày 26/5, khi ekip ngưng sử dụng thuốc ngủ sau 2 tháng hôn mê thì tự nhiên bệnh nhân tỉnh lại, bắt đầu hấp háy mắt và mở môi mỉm cười. Lúc đó, tụi em như trút bỏ hoàn toàn cực nhọc, nhận tín hiệu vui đầu tiên".

Thời gian đầu tiếp xúc, vì sự bất đồng ngôn ngữ, sốc tâm lý khi không thể cử động chân tay, BN 91 liên tục bất hợp tác với y bác sĩ. Ekip chăm sóc phải dùng hết mọi ngôn ngữ có được, múa chân múa tay nhằm giúp bệnh nhân hiểu.

Đến giờ bố mẹ vẫn chưa biết tôi vừa tham gia điều trị thành công cho ca Covid-19 nặng nhất Việt Nam - Ảnh 4.

Sức khoẻ BN 91 hồi phục một cách kỳ diệu.

Ban ngày, Thắm theo dõi từ 7h tới 14h. Về đến nhà cô lại lấy sách vở, mở Youtube học tiếng Anh. Hôm sau, chị em điều dưỡng viết ra một danh sách các câu quan trọng nhất, chia nhau học để có thể giao tiếp với bệnh nhân. Dần dần mối quan hệ trở nên tốt hơn.

"Đến khi sử dụng được điện thoại, bệnh nhân liên hệ với bạn bè thì nghe mọi người kể lại: Nếu ở nơi khác trên thế giới thì anh đã không sống rồi!. Lúc đó anh ấy hiểu chuyện nên bắt đầu hợp tác, chịu khó làm theo y lệnh khiến ai nấy đều vui mừng…".

Biết bệnh nhân người Anh thích mê món phở của Việt Nam, ekip bệnh viện còn đặt nhà bếp nấu riêng và hỗ trợ bệnh nhân tập ăn từng ít một.

Đến giờ bố mẹ vẫn chưa biết tôi vừa tham gia điều trị thành công cho ca Covid-19 nặng nhất Việt Nam - Ảnh 5.

Ban ngày, Thắm theo dõi từ 7h tới 14h. Về đến nhà cô lại lấy sách vở, mở Youtube học tiếng Anh.

"Mấy bữa trước đưa thức ăn lên thì anh ấy nhất quyết không ăn. Tụi em cứ nghĩ có chuyện gì xảy ra với hệ tiêu hoá. Xong anh nhìn cười bảo, ảnh không đói chứ không phải không ăn. Lúc tập đi lại, giơ tay đau quá thì có lúc BN phản ứng với điều dưỡng, nhưng sau đó ảnh cũng quay lại nói xin lỗi… Nhờ vậy mà em ôn Anh văn nhiều hơn. Trước bỏ khối tiền đi học tiếng Anh không bằng lần này. Cứ sai nhưng phải nói thôi" - Thắm tủm tỉm cười.

Đến giờ bố mẹ vẫn chưa biết tôi vừa tham gia điều trị thành công cho ca Covid-19 nặng nhất Việt Nam - Ảnh 6.

Với chị Thi và Thắm đây mãi mãi là kỷ niệm khó khăn nhưng đáng nhớ suốt quãng thời gian hành nghề.

"Cậu ấy muốn về Scotland nhưng lại không dám nói ra vì sợ bác sĩ buồn"

Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, sự hồi phục kỳ diệu của BN 91 là kết quả của cả tập thể BV Chợ Rẫy, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và tiểu ban điều trị từ Bộ Y tế... tham gia hỗ trợ điều trị suốt 96 ngày.

Từ bướng bỉnh, bất hợp tác, giờ đây BN đã trở thành một người bạn, luôn sẵn sàng chia sẻ với tất cả y bác sĩ. "Nghe hoàn cảnh gia đình anh ấy không có người thân, mình càng thương, hay ngồi nói chuyện để chia sẻ. Mỗi ngày vào phòng, mình vẫn nói: Khi nào quay trở lại cuộc sống bình thường, nhớ hứa chở tụi tui đi trên bầu trời nhé, thế là anh mỉm cười" - bác sĩ Linh kể.

Đến giờ bố mẹ vẫn chưa biết tôi vừa tham gia điều trị thành công cho ca Covid-19 nặng nhất Việt Nam - Ảnh 7.

Bác sĩ Trần Thanh Linh là người trực tiếp tham gia điều trị cho BN 91.

Cùng là người trực tiếp điều trị vật lý trị liệu cho BN 91, Kỹ thuật viên Trần Đức Duy xem mình là người hiểu lòng của bệnh nhân.

Nhớ lại ngày đầu vào thăm bệnh, anh chẳng biết nói một chữ tiếng Anh nào, liền đọc thuộc lèo một đoạn: "Good morning! How are you? I’m fine, thank you, ok…". Thế là chàng phi công nằm cười.

Mỗi ngày, anh Duy tập cho bệnh nhân thở, ho, vận động các khớp chi trên chi dưới, ngồi dậy, đứng dậy… Nâng bước nào, Duy phải nhắc "I help you, I help you" bước đó. Dần dà, BN 91 càng có niềm tin hơn vào bác sĩ.

Đến giờ bố mẹ vẫn chưa biết tôi vừa tham gia điều trị thành công cho ca Covid-19 nặng nhất Việt Nam - Ảnh 8.

Kỹ thuật viên Trần Đức Duy nhớ lại những câu nói đùa của BN 91.

Duy còn chăm chỉ học thêm tiếng Anh để giao tiếp khá hơn. Riêng bệnh nhân thì cũng học lỏm tiếng Việt, lâu lâu chọc vui vào giữa buổi tập khiến ai nấy cười khan.

"Có hôm, cuối buổi, BN nằm trên giường nói nhỏ với bác sĩ Linh: "I love you.. I love you", anh Linh ngại quá chạy ra ngoài luôn" - anh Duy chia sẻ lại.

Đến giờ bố mẹ vẫn chưa biết tôi vừa tham gia điều trị thành công cho ca Covid-19 nặng nhất Việt Nam - Ảnh 9.

BN 91 sẽ sớm được xuất viện và hỗ trợ đưa về quê nhà.

Là người chứng kiến từng tín hiệu hồi phục đầu tiên, nâng từng bước chân cho bệnh nhân hoạt động…, anh Duy luôn cảm thấy hạnh phúc vì quãng thời gian được cống hiến hết mình cho tuyến đầu chăm sóc trực tiếp BN 91.

"Ngày tỉnh lại, bác sĩ hỏi BN 91 muốn sau này thế nào? BN bảo sẽ trở về Scotland, nhưng sợ bác sĩ buồn nên chỉ nói nhỏ. Bác sĩ chọc anh Linh kìa, anh Linh kìa, BN còn ngóng nhìn ra cửa sổ xem vì sợ anh ấy nghe được sẽ rất buồn…", anh Duy kể lại.

96 ngày ấy điều trị BN 91, mệt nhọc có, căng thẳng có, và cả những tiền lệ chưa bao giờ có trong nền y học tại VN. Thế nhưng, đổi lại, với đội ngũ y bác sĩ BV Chợ Rẫy, "sự trở về từ cõi chết" của BN 91 là một kết quả kỳ diệu của sự chiến đấu hết mình vì người bạn quốc tế .

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày