Để chuẩn bị cho series phim truyền hình mới chuyển thể từ bộ truyện tranh nổi tiếng Death Note (Quyển Sổ Tử Thần), Netflix đã tung ra đoạn trailer đầu tiên. Điều đáng nói là phía sản xuất đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều về việc "Tây hoá" các nhân vật trong bộ manga kinh điển của người Nhật.
Mỗi lần Death Note lên màn ảnh nhỏ là lại khơi nguồn cho những tranh cãi mới
Thông qua sự xuất hiện của các diễn viên Âu Mỹ và tạo hình hoàn toàn khác lạ so với các phiên bản trước, fan của bộ truyện ngay lập tức đặt nghi vấn: Liệu có phải người Mỹ đang muốn tạo nên một phiên bản Death Note của riêng người da trắng?
Trailer phim truyền hình "Death Note" của Netflix
Đáp trả lại cáo buộc "tẩy trắng" Death Note, một trong những nhà sản xuất của bộ phim đã lên tiếng. Đại diện của Vertigo Entertainment, ông Roy Lee trong bài phỏng vấn của trang BuzzFeed phủ nhận cáo buộc bộ phim này là một trường hợp phân biệt chủng tộc trong thị trường phim chuyển thể.
Nguyên nhân của tranh cãi: Nhân vật chính Light do nam diễn viên người Mỹ da trắng Nat Wolff thủ vai
Lấy lí do bộ phim được quay ở vùng Seattle của nước Mỹ và nhân vật chính tên Light Turner, ông lý giải việc chọn diễn viên da trắng là hoàn toàn hợp lý. Bên cạnh đó, khác với các phiên bản live-action trước đây, Death Note 2017 nhắm đến thị trường Bắc Mỹ và các nước nói tiếng Anh, vì vậy nhà sản xuất buộc phải điều chỉnh và cải tiến kịch bản để thu hút đúng đối tượng khán giả mục tiêu.
Death Note của Netflix thay đổi bối cảnh từ thủ đô Tokyo sang vùng ngoại ô Seattle nước Mỹ
Roy Lee cho biết: "Nếu dùng từ "tẩy trắng" thì quả thật quá nặng nề vì trong dàn nhân vật chính của chúng tôi có một diễn viên gốc Phi." Được biết, diễn viên gốc Phi mà ông đề cập chính là nam tài tử Keith Stanfield đóng vai L. Ngoài ra, nhân vật Watari do Paul Nakauchi đóng vẫn giữ nguyên quốc tịch Nhật Bản của mình. Vậy nên, cáo buộc Death Note 2017 của người da trắng là chưa chính xác.
Nam diễn viên người da màu Keith Stanfield (bên trái) cùng kiểu thời trang kín từ đầu đến chân khiến người xem ngỡ ngàng
Thêm vào đó, Roy Lee cũng tiếp tục củng cố lập trường của mình bằng việc đề cập đến tác phẩm trước đó của ông, siêu phẩm kinh dị The Ring năm 2002 cũng là một bản chuyển thể của người Mỹ từ nguyên tác Nhật Bản. Ông cho biết: "Ở thời điểm ấy chúng tôi không hề nhận được lời phàn nàn nào về vấn đề này. Có thể là người xem đã lên tiếng, nhưng thực tế là tôi không hề nhận được lời chỉ trích nào liên quan đến cáo buộc phân biệt chủng tộc cả."
Tạo hình của "thần chết kiểu Mỹ"
Bên cạnh đó, với vai trò là một nhà sản xuất khác của phim, Masi Oka cũng khẳng định trên chuyên trang Entertainment Weekly tháng 11 năm ngoái rằng anh và ekip đã sớm nhận thức được vấn đề này. Phía nhà làm phim đã cố gắng tìm kiếm và liên lạc với các diễn viên người châu Á, nhưng họ không thể chọn được người phù hợp sau cùng. Anh cho biết: "Những diễn viên mà chúng tôi có được khi ấy không thể đáp ứng yêu cầu về tiếng Anh nên chúng tôi quyết định viết lại kịch bản."
Nhà sản xuất cho biết phim không mời diễn viên châu Á vì họ không nói sõi tiếng Anh?
Tóm lại, phía sản xuất đã thẳng thắn phản hồi cáo buộc lùm xùm về dự án đình đám này. Death Note là một hiện tượng manga nổi tiếng không chỉ ở Nhật mà còn có lượng fan hâm mộ hùng hậu trên toàn cầu. Thế nên việc một phiên bản mới lại mạnh dạn cách tân và thay đổi những chi tiết kinh điển của bộ truyện không thể tránh khỏi tranh cãi từ phía khán giả. Đặc biệt là với khái niệm có hay không hành vi phân biệt chủng tộc trong điện ảnh ở các nước phương Tây, đây là lằn ranh không mấy rõ ràng và cũng là nguyên nhân của không ít cuộc tranh luận suốt nhiều năm qua.
Thế nhưng sau tất cả, chúng ta đều đã được nghe lời giải thích thẳng thắn của những cái tên uy tín từ nhà sản xuất. Quan điểm của họ có thuyết phục được người xem hay không, hãy cùng chờ đợi kết quả của phiên bản Death Note 2017 chiếu trên Netflix từ ngày 25/8 sắp tới các bạn nhé.
(Nguồn: BuzzFeed, Entertainment Weekly)