Trong buổi họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 sáng 22/4, BCĐ đã thống nhất đề xuất danh sách các địa phương thuộc 3 nhóm nguy cơ. Hà Nội thuộc nhóm nguy cơ cao; TPHCM, Bắc Ninh, Hà Giang thuộc nhóm nguy cơ; nhóm nguy cơ thấp gồm 57 địa phương còn lại.
Sự sắp xếp này dựa trên các tiêu chí đánh giá, trong đó có yếu tố các tiêu chí chủ quan đã được tăng cường rất tốt trong tuần qua, đo lại các các tiêu chí khách quan, trong đó có chỉ số quan trọng là các ca bệnh phát hiện trong cộng đồng.
Đối với Hà Nội, BCĐ kiến nghị cần tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 thêm một tuần (đến hết 30/4). Đồng thời đề xuất Thủ tướng cho phép việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Còn đối với nhóm có nguy cơ, mặc dù ca bệnh cuối cùng phát hiện tại TPHCM đã qua 25 ngày nhưng vì là đô thị lớn và rất nhiều yếu tố rủi ro khác nên BCĐ đánh giá là có nguy cơ, cần phải chú trọng một số khâu.
Tỉnh Bắc Ninh có ca bệnh mới nhất xuất hiện ở Bắc Ninh là ngày 11/4, chưa qua 14 ngày.
Tỉnh Hà Giang có ca bệnh phát hiện ngày 8/4, đã qua 14 ngày nhưng điều tra dịch tễ rất phức tạp, có tiềm ẩn nguy cơ trong cộng đồng. Đây cũng là tỉnh biên giới vẫn còn nguy cơ từ việc đi lại qua đường mòn, lối mở dù chúng ta đã kiểm soát chặt.
Đối với 3 địa phương nguy cơ này, Chủ tịch UBND quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
BCĐ đã thống nhất, đề xuất Hà Nội là địa phương duy nhất thuộc nhóm nguy cơ cao, cần thực hiện giãn cách xã hội thêm một tuần. Ảnh: Tuấn Mark.
Đối với nhóm nguy cơ thấp, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện dãn cách đúng quy định. Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng chống dịch của cơ sở do mình quản lý.
Đồng thời, đặc biệt lưu ý các tỉnh phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở; hết sức chú ý những nơi tập trung nhiều lao động tự do, nhà trọ; tăng cường hướng dẫn để đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn; hướng dẫn chi tiết hoạt động giao thông đi lại.
BCĐ Quốc gia khẳng định việc hạn chế tập trung đông người và giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ là biện pháp hiệu quả nhất trong ứng phó với dịch Covid-19 và được nhiều quốc gia thực hiện. Điều đó minh chứng cho sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong vòng 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, từ 1-15/4, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm chỉ ghi nhận 32 trường hợp mắc mới tại cộng đồng trong tổng số 62 ca được phát hiện.
So sánh cùng khoảng thời gian trước đó (153 trường hợp mắc từ 16-31/3), số trường hợp mắc giảm 59,5%, số mắc trung bình theo ngày giảm 6 trường hợp. Các trường hợp mắc mới, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM bắt đầu có xu hướng chững lại từ sau ngày 27/3 và giảm mạnh từ sau ngày 1/4. Đặc biệt, tính từ 16/4 đến nay Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới.
BCĐ cũng đã trình Thủ tướng dự thảo Chỉ thị mới trên cơ sở lấy ý kiến nghiêm túc các bộ ngành thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương và cả các bộ thuộc lĩnh vực kinh tế để bảo đảm vừa kiểm soát dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện có dịch, đồng thời điều chỉnh một số tiêu chí trong Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 như tập trung đông người.
"Dù tình hình đã tốt lên nhưng chúng ta không được chủ quan, bởi thực tế chống dịch ở nhiều nước đã cho thấy nếu chủ quan sẽ rất dễ "vỡ trận". Do đó, các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới phải được tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học, xã hội, kinh tế, có tham khảo ý kiến thực tiễn từ các địa phương,… để bảo đảm vừa kiểm soát dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có dịch", các thành viên BCĐ nhấn mạnh.