Quản lý hoạt động bay là ngành đào tạo những sinh viên trở thành Kỹ sư chuyên ngành Quản lý hoạt động bay; quản lý, điều hành hoạt động bay dân dụng, đảm bảo an toàn, điều hòa cho việc cất và hạ cánh của các chuyến bay, giám sát trung tâm bay theo các phương pháp và chính sách đã ban hành, đưa ra những chỉ dẫn cần thiết cho việc cất cánh và hạ cánh.
Mục tiêu đào tạo ngành học này đó là có khả năng nghiên cứu ứng dụng KHCN phục vụ phát triển ngành Hàng không; đào tạo sinh viên biết quản lý điều hành được các chuyến bay. Có đủ trình độ và năng lực làm việc tại các vị trí như kiểm soát không lưu, phòng thủ tục bay, kế hoạch bay, thông báo bay của trung tâm Quản lý bay, các Hãng hàng không, các Cảng hàng không, sân bay, các cơ quan quản lý nhà nước về Hàng không dân dụng.
Vì là ngành đặc thù, chỉ phục vụ cho ngành vận tải hàng không nên số lượng trường được phép tuyển sinh của Bộ giáo dục cũng không nhiều. Hiện tại, Việt Nam chỉ có duy nhất trường Học viện Hàng không Việt Nam đào tạo ngành này.
Khi theo học ngành Quản lý hoạt động bay, sinh viên sẽ được học tập và rèn luyện để trở thành một nhân viên có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ cũng như các kiến thức chuyên môn, điều hành đảm bảo an toàn, điều hòa cho việc cất và hạ cánh của các chuyến bay. Giám sát trung tâm bay theo các phương pháp và chính sách đã ban hành, đưa ra những chỉ dẫn cần thiết cho việc cất cánh và hạ cánh. Kiến thức chuyên ngành sẽ tập trung vào quản lý khai thác bay...
Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam
Sau khi ra trường, sinh viên ngành Quản lý hoạt động bay có thể đảm đương các vị trí công việc bao gồm:
- Kiểm soát không lưu, thủ tục bay, kế hoạch bay, thông báo bay của Trung tâm Quản lý bay…
- Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề có liên quan đến hàng không;
- Nhân viên thủ tục bay;
- Nhân viên thông báo, hợp đồng bay;
- Kiểm soát viên mặt đất tại sân bay;
- Kiểm soát viên không lưu tại sân bay;
- Kiểm soát viên không lưu tiếp cận ra-đa, không ra-đa;
- Kiểm soát viên không lưu đường dài ra-đa, không ra-đa;
- Kíp trưởng không lưu; Huấn luyện viên không lưu;
- Nhân viên đánh tín hiệu.
Theo thông tin từ website chính thức của Học viện Hàng không Việt Nam, đối với một sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, mức lương sẽ là từ 10 đến 15 triệu đồng một tháng. Khi có nhiều kinh nghiệm và thời gian làm việc lâu dài hơn, mức lương dao động từ 30 đến 50 triệu đồng cho một tháng làm việc.
Được biết năm nay, Quản lý hoạt động bay là ngành có điểm chuẩn cao nhất Học viện Hàng không Việt Nam theo cả 3 phương thức gồm: Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM năm 2024, với số điểm 920/1.200 điểm; đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội với điểm chuẩn 800 và phương thức xét học bạ với điểm chuẩn 27.