Sử dụng điện thoại di động trong nhà vệ sinh có lẽ đã là thói quen của rất nhiều người trong chúng ta. Không phải nói "ngoa" đâu, vì theo một khảo sát tại Mỹ cho thấy, có đến 90% trường hợp mang điện thoại vào trong WC – một con số đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, thói quen này lại vô tình đẩy sức khỏe của chúng ta vào những mối nguy hại khó lường ít ai ngờ tới đấy. Và đó là gì nhỉ?
Mối nguy hại thứ nhất: vi khuẩn gây bệnh
Ngay cả khi sử dụng bình thường, bề mặt của chiếc điện thoại vẫn có sự hiện diện của các tác nhân gây bệnh mà mắt thường không nhìn thấy.
"Có thể tìm thấy hàng trăm loại vi khuẩn khác nhau, cùng cả bào tử nấm trên bề mặt điện thoại," nhà sinh học Jason Tetro cho biết.
"Đa số chúng vô hại với con người, nhưng vẫn có một số loại là mầm bệnh gây hại đến sức khỏe."
Và câu chuyện là khi mang điện thoại vào nhà vệ sinh, rủi ro số mầm bệnh nguy hiểm này đáp vào điện thoại của bạn sẽ còn được nhân lên.
"Bề mặt của bồn vệ sinh, bệ ngồi toilet, bồn rửa mặt và vòi nước đều có khả năng chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, và nguy cơ chiếc điện thoại bị nhiễm sẽ cao hơn nếu được mang vào phòng tắm."
Cũng theo Tetro, các mầm bệnh nguy hiểm như E.coli (khuẩn gây bệnh nhiễm trùng đường tiểu) hay acinetobacter (gây viêm phổi) luôn rình rập mỗi khi chúng ta mang chiếc điện thoại vào nhà vệ sinh.
Mối nguy hại thứ 2: hậu môn... khóc
Bạn đau bụng, vào nhà vệ sinh và cầm theo chiếc điện thoại. Nhưng cơn buồn chỉ cần giải quyết trong vòng 5 phút thôi, mà bạn vẫn ngồi lại đến 15, thậm chí là 30 phút.
Câu chuyện này nghe quen không? Nếu có, bạn đang khiến cái cổng hậu của mình phải gánh chịu rủi ro lớn đấy. Việc kéo dài thời gian sử dụng nhà vệ sinh khi dùng điện thoại không chỉ làm tăng khả năng tiếp xúc với mầm bệnh, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa.
"Khi ngồi vệ sinh trong vòng từ 20, 30 hay 40 phút trở lên, vô tình bạn đã gây áp lực không cần thiết lên vùng hậu môn. Bệnh trĩ từ đây có thể xuất hiện do áp lực vô hình này," - theo bác sĩ Partha Nandi, người sản xuất và dẫn chương trình y khoa Ask Dr. Nandi (đã từng đoạt giải Emmy).
"Tình trạng này diễn ra càng lâu sẽ dẫn đến tổn hại nghiêm trọng đến các mô của hệ tiêu hóa. Thực chất, việc đi vệ sinh nên diễn ra nhanh chóng, để tránh áp lực không đáng có lên hậu môn. Thế nhưng thói quen vừa đi vệ sinh, vừa dùng điện thoại lại gây tác dụng ngược lại."
Không chỉ vậy, bác sĩ Nandi còn cho rằng tư thế ngồi "bất tiện" khi đi vệ sinh còn tác động xấu đến dây thần kinh vùng hông.
Mối nguy hại thứ 3: khả năng tập trung sẽ bị xao nhãng
Nhiều người nghĩ rằng: Tận dụng thời gian để làm việc trên các thiết bị điện tử, ngay cả lúc đi vệ sinh, là một thói quen tốt và có ích cho hiệu suất công việc. Thế nhưng, theo huấn luyện viên tư duy Peter Bregman thì sự thật là ngược lại.
"Điều tệ nhất làm tổn hại đến khả năng sáng tạo của bạn, đó chính là vừa làm việc vừa đi vệ sinh,"
"Nếu bạn cứ để não bộ hoạt động không ngừng, ắt hẳn khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp của bạn sẽ hạn chế hơn. Việc cứ ôm khư khư điện thoại lúc đi cầu cũng vậy. Hậu quả của hành động lặp đi lặp lại này khiến não bộ hoạt động liên tục, không có thời gian để tư duy sáng tạo."
Không những thế, các nhà khoa học nhận thấy việc tiếp xúc quá nhiều với điện thoại lẫn internet sẽ làm mất cân bằng các chất hóa học có trong não bộ, khi được so sánh với nhóm không "nghiện."
Còn trong một kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Người tiêu dùng, cho thấy định khu nhận thức của não bộ sẽ bị giảm sút đáng kể ngay cả khi tiếp xúc nhiều với smartphone, dù chúng đã được tắt.
Tất nhiên không thể phủ nhận được khả năng đa dụng của chiếc smartphone hiện đại, nhưng việc sử dụng chúng sao cho hợp lý là điều mà chính con người chúng ta phải biết cân nhắc, chứ không nên đổ lỗi cho chúng đâu nhé.
Tham khảo: Thrilllist, Verywellmind