Quản lý, dạy dỗ con cái là nghĩa vụ và trách nhiệm của cha mẹ. Nhưng không phải ai cũng có chừng mực. Có rất nhiều ông bố bà mẹ quá nghiêm khắc với con mình, thành ra chúng có xu hướng phát triển tính cách lệch lạc, không được như kỳ vọng.
1. Cha mẹ không bao giờ lắng nghe ý kiến con
Nếu phụ huynh không hỏi ý kiến con trong bất kỳ vấn đề gì thì họ đang thuộc kiểu cha mẹ bảo thủ. Người lớn thường cho rằng mình hoàn toàn đúng, còn trẻ con chưa suy nghĩ thấu đáo, chưa có sự trải nghiệm cuộc sống nên luôn sai.
Trong giao tiếp, lắng nghe là bước gợi mở đầu tiên trong mỗi cuộc trò chuyện. Việc cha mẹ chú ý lắng nghe sẽ giúp con trẻ tự tin bộc bạch, thổ lộ những suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm của mình. Phần lớn cha mẹ trách mắng trẻ đều là vì chúng không làm theo mong muốn của người lớn. Tuy nhiên cha mẹ nên hiểu rằng, người lớn làm việc gì có lý do và trẻ con hành động cũng theo cái lý của chúng. Suy nghĩ của trẻ đôi khi sẽ rất khác so với người lớn. Ép con làm theo kế hoạch, sắp xếp, suy nghĩ của mình mà không giải thích cho chúng hiểu, trẻ dễ sinh lòng chống đối, phản nghịch. Hoặc có thể con sẽ trở nên tự ti, thiếu quyết đoán và lệ thuộc vào cha mẹ hoàn toàn. Mặt khác mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng không tốt đẹp.
2. Cha mẹ chỉ thưởng cho kết quả chứ không phải nỗ lực
Nhiều phụ huynh nghiêm khắc chỉ tồn tại trong đầu lối suy nghĩ "đúng - sai", "thành công - thất bại"... Cha mẹ chỉ nhìn vào thành quả để đánh giá con cái mình, thì đó là cách dạy con phiến diện, chạy đua thành tích. Thực tế, một đứa trẻ "thất bại" hoặc "thua cuộc" thì chúng cũng đã rất cố gắng, nỗ lực và xứng đáng được khen ngợi. Nếu cha mẹ chỉ thưởng con theo kết quả thay vì nỗ lực, con lớn lên sẽ chỉ chú trọng vào chiến thắng. Điều đó có thể làm con bị áp lực, lo âu nhiều hơn. Thậm chí chúng có thể suy đồi đạo đức để giành được chiến thắng, mục đích của mình.
3. Luôn xử lý mọi tình huống bằng quy tắc
Quy tắc, kỷ luật trong gia đình sẽ giúp cho đứa trẻ có cảm giác an toàn. Con sẽ có "kim chỉ nam" để hành động và trở thành người có quy củ, nề nếp... Tuy nhiên nếu cha mẹ quá quan trọng các quy tắc để giám sát từng hành động của con, chẳng hạn như không cho phép con đi chơi với bạn bè và luôn muốn thấy con trong tầm mắt; con phải học bao nhiêu tiếng một ngày, con phải làm bao nhiêu việc... sẽ khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt khi ở nhà. Lúc đó khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày một xa. Chúng sẽ coi cha mẹ giống như người ra lệnh, giám sát chúng, thay vì cần cảm nhận tình thương yêu từ họ.
4. Con thường xuyên nói dối
Khi trẻ sợ hãi, có cảm giác không an toàn, chúng có xu hướng nói dối để che đậy hành vi sai trái của mình. Nếu phát hiện con nói dối thường xuyên, cha mẹ cũng nên xem lại cách giáo dục của bản thân. Có thể chúng ta đã quá nghiêm khắc, nóng nảy và không khoan dung lỗi lầm của trẻ khiến con sợ hãi khi nói sự thật.
Những lúc con sai cha mẹ cần cho trẻ thấy được hành vi sai trái của chúng, thay vì khiến con cảm thấy sợ hãi và không an toàn.
5. Cha mẹ không kiểm soát được cảm xúc
Phụ huynh luôn đặt ra những quy tắc và cách trừng phạt con cái khắc nghiệt, điều này có thể khiến trẻ sợ hãi khi nghĩ đến cha mẹ. Khi dạy con, phụ huynh cần tiết chế cảm xúc, cho dù chúng có gây lỗi lầm đến đâu và cha mẹ đang giận thế nào. Người xưa có câu: "Giận quá mất khôn". Khi không kiềm chế được cảm xúc, cha mẹ sẽ nói ra những lời không hay, thậm chí đánh mắng con cái để hả dạ. Điều đó sẽ khiến cha mẹ trong mắt con là người hung dữ, nóng tính, khó gần... Con sẽ ngày càng lảng tránh, xa cách mà thôi.