Ông Lưu (46 tuổi) sống ở thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Là con trai trưởng trong gia đình có 6 anh chị em, ông Lưu thường đại diện gia đình tổ chức các buổi tiệc quan trọng. Với bản tính tỉ mỉ và cẩn thận, mọi dịp kỷ niệm do người đàn ông này chủ trì đều diễn ra vô cùng êm đềm và suôn sẻ. Thế nhưng vào lễ mừng thọ 70 tuổi của cha, ông Lưu và gia đình đã rơi vào tình cảnh vô cùng trớ trêu.
Năm đó, gia đình ông Lưu thống nhất tổ chức tiệc mừng thọ 70 tuổi cho cha tại một nhà hàng 4 sao ở trung tâm thành phố Hành Dương. Hai tuần trước khi diễn ra buổi tiệc, ông Lưu đã gọi điện đặt 17 bàn tiệc với giá 2.000 NDT/ bàn (khoảng 7 triệu đồng), bao gồm cả đồ ăn và đồ uống. Như vậy, tổng giá trị của 17 bàn tiệc được đặt là 34.000 NDT (khoảng 120 triệu đồng).
Hôm sau, ông Lưu đã đến nhà hàng để ký giấy đặt tiệc và đặt cọc trước 50% tiền tiệc (khoảng 17.000 NDT) theo quy định chung. Quá trình làm việc diễn ra thuận lợi, cả hai bên đều hoan hỷ.
Vào ngày diễn ra lễ mừng thọ, tất cả người thân và khách mời đều có mặt đúng giờ. Mọi người thay nhau gửi tiền mừng và chúc sức khỏe cụ ông. Phía nhà hàng cũng phục vụ tận tình, cung cấp đầy đủ dịch vụ theo hợp đồng đặt tiệc đã ký kết. Nhiều người còn khen ngợi chất lượng đồ ăn của nhà hàng. Điều này khiến ông Lưu cảm thấy vô cùng hài lòng, cho rằng sự lựa chọn này là sáng suốt.
Ảnh minh họa.
Lễ mừng thọ diễn ra trong khoảng 4 giờ đồng hồ. Khi bữa tiệc kết thúc, ông Lưu đến quầy lễ tân để thanh toán nốt 50% tiền tiệc cho nhà hàng. Khi này, nhân viên bất ngờ thông báo tổng hóa đơn của ông Lưu là hơn 68.000 NDT (khoảng 240 triệu đồng), bao gồm cả các dịch vụ phát sinh trong ngày diễn ra bữa tiệc. Họ cho biết, vì ông Lưu đã đặt cọc trước 17.000 NDT nên giờ ông chỉ cần thanh toán thêm 51.000 NDT (khoảng 180 triệu đồng).
Ông Lưu nghe xong thì vô cùng bối rối. Ông cho biết mình đặt 17 bàn tiệc với giá 2.000 NDT/ bàn, cộng thêm dịch vụ phát sinh cũng không thể cao như vậy. Khi nhìn vào hóa đơn, ông mới biết nhà hàng đã cộng thêm rất nhiều loại phí như: phí địa điểm, phí sử dụng thiết bị, phí phục vụ, phí vệ sinh,... Vì lẽ đó, tổng hóa đơn của bữa tiệc mới đội lên hơn 68.000 NDT.
Lúc này, ông Lưu khẳng định hai bên đã ký giấy đặt tiệc theo thỏa thuận, trong đó ghi rõ 34.000 NDT là tổng chi phí phải thanh toán. Ông Lưu cho rằng, việc nhà hàng cộng thêm những loại phụ phí khác vào hóa đơn là hoàn toàn vô lý nên đã từ chối trả tiền. Phía nhà hàng cũng cho biết, nếu ông Lưu không thanh toán số tiền theo hóa đơn thì không được rời khỏi đây.
Thương lượng không thành, ông Lưu quyết định gọi công an đến hỗ trợ giải quyết. Gia đình ông Lưu kiên quyết không trả tiền cho nhà hàng. Họ nộp đơn khiếu nại lên Hiệp hội người tiêu dùng và sở quản lý công thương để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.
Theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng (Trung Quốc), doanh nghiệp và người tiêu dùng khi tiến hành giao dịch phải tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, công bằng, trung thực và uy tín.
Trong trường hợp này, nhà hàng đã tùy tiện cộng thêm phụ phí và yêu cầu ông Lưu trả tiền sau khi đã ký hợp đồng và thống nhất về giá. Hành vi này được xác định là vi phạm nguyên tắc thương mại công bằng và gây tổn hại đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Vì vậy, nhà hàng là bên có lỗi và đã vi phạm pháp luật.
Sau quá trình làm việc và thương lượng, gia đình anh Lưu không yêu cầu nhà hàng bồi thường thiệt hại nhưng cần gửi lời xin lỗi công khai sau sự việc. Gia đình anh Lưu cũng lập tức trả 50% tiền tiệc theo thỏa thuận đã ký và các chi phí khác phát sinh phù hợp trong ngày mừng thọ. Tổng cộng khoảng hơn 17.000 NDT.
Theo Toutiao