Đằng sau bức ảnh danh tiếng này là câu chuyện ám ảnh về nỗi đau tột cùng của chú tê giác

Minh Phương Spiderum, Theo Thời Đại 09:00 21/10/2017
Chia sẻ

Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh vừa công bố các hạng mục giải thưởng trong Cuộc thi Nhiếp ảnh gia Động vật hoang dã của năm vào đêm thứ ba vừa qua (ngày 17/10). Bức ảnh chú tê giác bị cắt mất sừng của nhiếp ảnh gia Brent Stirton đã đoạt giải nhất. Và câu chuyện phía sau bức ảnh này mới khiến người xem cảm thấy xót xa.

Được biết, nhiếp ảnh gia Stirton (người Nam Phi) đã dành nhiều năm theo dõi việc buôn bán các loại động vật quý hiếm.

Ban đầu, bức ảnh chú tê giác đen thiệt mạng vì mất một chiếc sừng lớn được chụp theo yêu cầu của Tạp chí National Geographic, mang tựa đề "Tưởng nhớ đến loài vật này". Được chụp vào năm 2016 tại Khu dự trữ Hluhluwe Umfolozi Game ở Nam Phi, bức ảnh khiến khách thưởng lãm không khỏi ám ảnh trước những tổn thương mà các loài động vật quý hiếm đang phải chịu đựng chỉ vì lòng tham của con người.

Đằng sau bức ảnh danh tiếng này là câu chuyện ám ảnh về nỗi đau tột cùng của chú tê giác - Ảnh 1.

Bức ảnh đau thương về chú tê giác bị bọn thợ săn giết hại chỉ vì chúng muốn lấy đi chiếc sừng của chú.

Chia sẻ về khoảnh khắc nhìn thấy cảnh ra đi đáng thương của chú tê giác, nhiếp ảnh gia Stirton đã viết rằng, "Người dân cho biết, những tên thợ săn tham lam và nhẫn tâm đến từ một cộng đồng lân cận, cách nơi chú tê giác sống khoảng 5 km. Chúng đã đột nhập trái phép vào công viên, bắn hạ chú tê giác tại một vũng nước bằng khẩu súng săn."

Ngay sau khi nhận được tin tức về vụ việc, các thành viên của nhóm bảo vệ động vật hoang dã đã tiến hành một cuộc khám nghiệm tử thi và tiết lộ rằng, viên đạn cỡ lớn đã xuyên thẳng vào thân chú tê giác, gây tổn thương nghiêm trọng đến lớp mô lớn. Tuy vậy, chú tê giác không chết ngay tại chỗ mà còn cố gắng di chuyển một đoạn đường ngắn và sau đó khuỵ gối vì bị trúng một phát đạn chí mạng ở trên đầu từ một cự ly rất gần.

Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, hiện tại, 5.000 tê giác đen, chỉ bằng 90% số lượng so với cách đây hàng thập kỷ, vẫn đang sống trong thiên nhiên hoang dã. Việc buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp để làm thuốc tại các nước châu Á là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng sụt giảm đáng quan ngại này.

Richard Sabin, người phụ trách chính ở bảo tàng động vật có vú ở NHM cho biết, "Cuộc thi Nhiếp ảnh gia Động vật hoang dã của năm không chỉ là nơi phô diễn kỹ thuật nhiếp ảnh điêu luyện mà còn là diễn đàn khởi xướng các cuộc tranh luận nhằm bảo vệ động vật". Ông cũng ủng hộ việc cần xét xử các tổ chức thực hiện săn bắn và buôn bán động vật chứ không chỉ là việc kêu gọi người tiêu dùng ngừng sử dụng các sản phẩm từ động vật.

"Chúng ta cảm thấy đau lòng khi nhìn bức ảnh này. Bức ảnh đã cho thấy, tệ nạn khai thác thế giới tự nhiên một cách bừa bãi của con người".

Nguồn: Quartz

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày