Đang lái máy bay thì bị rắn độc bò lên người, cách xử trí của anh phi công cứu mạng hành khách

Minh Nhật, Theo Phụ nữ Việt Nam 22:06 08/04/2023
Chia sẻ

Một phi công ở Nam Phi đã có màn xử lý tình huống đáng khen ngợi sau khi phát hiện một con rắn hổ mang cực độc bò qua lưng anh và trốn ngay dưới ghế ngồi của mình.

Theo hãng tin AP, vào ngày 3/4 mới đây, anh phi công Rudolf Erasmus điều khiến chiếc máy bay hạng nhẹ (máy bay tư nhân cỡ nhỏ) chở theo 4 hành khách khởi hành từ Western Cape của Nam Phi đến thị trấn Nelspruit phía Đông Bắc nước này, với một vài điểm dừng trên đường.

Trong quá trình máy bay di chuyển chặng thứ hai (trước đó dừng lại để ăn nhẹ và đang hướng đến Wonderboom ở Pretoria), Rudolf đột nhiên cảm thấy “có thứ gì đó lạnh” trượt qua lưng của mình. Anh ta liếc xuống thì thấy đầu của một con rắn hổ mang chúa khá lớn. Nó đã bò qua lưng anh và “đang chui ở dưới gầm ghế".

Đang lái máy bay thì bị rắn độc bò lên người, cách xử trí của anh phi công cứu mạng hành khách - Ảnh 1.

Chiếc máy bay do Rudolf điều khiển.

Rudolf nói với Associated Press về khoảnh khắc "đứng tim" đó: “Giây phút ấy cứ như thể não tôi đã chết, không biết chuyện gì đang xảy ra".

"Khi tôi quay sang bên trái và nhìn xuống, tôi có thể thấy đầu của con rắn đang thò ra bên dưới ghế của tôi", anh nói.

Sau khi dành một chút thời gian để trấn tĩnh, anh thông báo cho các hành khách của mình về "kẻ đi vé lậu". “Có một khoảnh khắc im lặng đến sững sờ”, anh nói.

Rudolf Erasmus đã gọi cho đài kiểm soát không lưu để được phép hạ cánh khẩn cấp xuống thị trấn Welkom ở miền Trung Nam Phi. Anh vẫn phải bay thêm 10 đến 15 phút nữa mới có thể hạ cánh. Trong suốt quá trình tìm cách hạ cánh an toàn, Rudolf gần như bất động, không dám cử động nửa thân dưới của mình vì lo ngại con rắn tấn công.

“Tôi cứ nhìn xuống xem nó ở đâu. Thật hạnh phúc là nó vẫn ở dưới ghế”, Rudolf Erasmus nói. “Tôi không sợ rắn lắm nhưng tôi thường không đến gần chúng”.

Brian Emmenis làm việc tại đài phát thanh Gold FM của Welkom và cũng là một chuyên gia hàng không, đã liên lạc nhờ giúp đỡ. Brian gọi cho sở cứu hỏa và cứu hộ cử người ứng cứu khẩn cấp và một chuyên gia xử lý rắn đến đón máy bay tại sân bay.

Ngay sau khi máy bay hạ cánh, ba hành khách ngồi phía sau ra ngoài trước, sau đó là người ngồi ngang phi công. Tất cả đều cố gắng di chuyển nhẹ nhàng vì không ai biết chính xác con rắn độc đã trườn đi đâu vào thời điểm đó.

Brian là người đầu tiên có mặt tại hiện trường và nhìn thấy mọi người rời đi. “Rõ ràng là họ bị chấn động”, Brian nói, nhưng tất cả đều an toàn nhờ có phi công Rudolf Erasmus. “Anh ấy giữ bình tĩnh và hạ cánh chiếc máy bay đó với một con rắn hổ mang chúa có nọc độc chết người.

Đang lái máy bay thì bị rắn độc bò lên người, cách xử trí của anh phi công cứu mạng hành khách - Ảnh 2.

Các kỹ sư đang kiểm tra máy bay để tìm rắn độc.

Rắn hổ mang Cape là một trong những loài rắn hổ mang nguy hiểm nhất ở châu Phi vì nọc độc của chúng rất mạnh. Thế mà, nỗi ám ảnh vẫn chưa kết thúc với Rudolf.

Sau khi máy bay, người xử lý rắn Welkom Johan de Klerk và một nhóm kỹ sư hàng không đã tìm kiếm chiếc máy bay trong suốt 2 ngày liền nhưng vẫn chưa tìm thấy con rắn hổ mang. Không ai dám chắc nó đã trườn ra ngoài hay chưa.

"Tôi là người xuống báy bay cuối cùng. Khi đẩy ghế về phía trước, tôi thấy con rắn cuộn tròn dưới ghế của mình. Chúng tôi liên lạc với bộ phận xử lý để nhờ họ bắt con rắn nhưng khi họ đến, nó đã biến mất", Erasmus kể.

Công ty mà Rudolf làm việc muốn máy bay của họ quay trở lại thành phố Mbombela ở miền Bắc Nam Phi. Vì vậy, anh phải đưa nó trở về, hành trình kéo dài 90 phút với khả năng con rắn hổ mang vẫn còn trên máy bay.

Lần này, Rudolf đã thực hiện một số biện pháp phòng thủ: Anh mặc một chiếc áo khoác mùa đông dày, quấn chiếc chăn quanh ghế và có một bình chữa cháy, một hộp thuốc chống côn trùng và một cây gậy đánh gôn trong trong buồng lái.

May mắn con rắn hổ mang đã không xuất hiện trở lại trên chuyến bay đó và các kỹ sư phải tháo rời nhiều bộ phận của chiếc máy bay vẫn không thấy con rắn.

Giả thuyết cho rằng nó được tìm thấy trên máy bay trước khi Rudolf và hành khách cất cánh khi bắt đầu chuyến đi từ thị trấn Worcester ở tỉnh Western Cape. Đó là nơi rắn hổ mang Cape thường được tìm thấy. Nó có thể đã thoát ra ở Welkom hoặc có thể vẫn đang ẩn nấp đâu đó sâu trong khe hốc nào đó của máy bay.

“Tôi hy vọng nó tìm được nơi nào đó để đi”, Rudolf nói. “Nhưng không phải máy bay của tôi".

Ngày 7/4, Cơ quan Hàng không dân dụng Nam Phi (SACAA) đã khen thưởng phi công Rudolf Erasmus vì lòng can đảm và xử lý tình huống bình tĩnh khi đối diện với một con rắn độc lúc đang chở khách.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày