Gần đây, một số đạo diễn cởi mở hơn trong việc đưa những cảnh “nóng” lên màn ảnh nhỏ, thậm chí là vào khung giờ vàng thu hút đông đảo khán giả đủ mọi lứa tuổi. Người xem lập tức phản ứng trái chiều. Trường hợp gần nhất là cảnh quay và âm thanh nhạy cảm trong phim Hành Trình Công Lý, phát sóng trên VTV3. Đây là điều dễ hiểu khi bấy lâu nay đại đa số khán giả truyền hình đã quen với những cảnh tình cảm an toàn, vừa phải. Một nụ hôn sâu trên màn ảnh nhỏ vốn hiếm thấy.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) phân tích, hành xử văn hóa có tính chất “dẫn đường” cho công chúng. Thực tế, việc bắt chước thần tượng, học và làm theo nghệ sĩ của giới trẻ ngày càng phổ biến. Cảnh “nóng”, bạo lực, phim ảnh tả thực trần trụi về vấn đề tình ái, ứng xử trong tình dục, ngón nghề của giới xã hội đen… được xem là “mồi câu” thu hút công chúng. Nhiều lời nói, hành động được nhắc đi nhắc lại trong phim ảnh trở thành hiện tượng, biểu trưng ở ngoài đời thực. Hành vi trong phim ảnh cũng dần thẩm thấu vào tư duy thẩm mỹ, tác động đến tư tưởng, cảm nhận của công chúng.
Một số phim truyền hình phát sóng khung giờ vàng gây tranh cãi vì cảnh “nóng”, cảnh bạo lực
Để tránh những tranh cãi và tác động xấu của cảnh nhạy cảm, cảnh bạo lực hay nội dung không phù hợp, việc dán nhãn phim truyền hình là điều cần thiết. Năm 2018, VTV đã quyết định dán nhãn 18+ và cảnh báo nội dung nhạy cảm cho khán giả dưới 18 tuổi khi phát sóng Quỳnh Búp Bê - phim về đề tài mại dâm. Đây là nhãn dán 18+ đầu tiên và duy nhất đến lúc này cho một bộ phim phát sóng trên VTV. Quyết định này chỉ được đưa ra sau khi khán giả phản ứng gay gắt. Sau Quỳnh Búp Bê, câu chuyện dán nhãn cho phim truyền hình lại bị lơ là dù nhiều đề tài gai góc hơn xuất hiện trên sóng truyền hình. Những phim như Bán Chồng, Mộng Phù Hoa, Những Cô Gái Trong Thành Phố hay gần đây nhất là Ga-ra Hạnh Phúc, Hành Trình Công Lý đều có cảnh “nóng”.
Đạo diễn Đinh Thái Thụy cho rằng, không chỉ dừng lại ở việc dán nhãn phim, mà việc định hình rõ kênh/khung giờ phim và các chương trình dành cho tuổi vị thành niên cũng cần được bàn thảo cặn kẽ. “Việc dán nhãn và phân chia khung giờ là cách hợp lý để trẻ thành niên có hệ sinh thái giải trí trên truyền hình, đồng thời gia đình cũng dễ định hướng và quản lý. Mặt khác, đây là phương án tạo thuận lợi cho những người làm công tác sản xuất phim”, anh chia sẻ với PV Tiền Phong. Ở mảng truyền hình, rất khó để có thể sản xuất một bộ phim hình sự, tình cảm, giật gân… cho cùng một lúc các khán giả ở mọi độ tuổi thưởng thức.
Thực tế, sau giải pháp dán nhãn phim ảnh và các chương trình, phương án xa hơn là kiểm soát việc phân loại khán giả, nếu không muốn dán nhãn chỉ là giải pháp mang tính hình thức. Theo NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - nhiều nước trên thế giới thực hiện phân loại phim theo độ tuổi cũng như quy định rõ giờ chiếu của từng loại phim. Việc phân loại phim truyền hình đã đưa vào Luật Điện ảnh (sửa đổi) tuy nhiên vẫn chờ các quy định rõ ràng hơn ở văn bản hướng dẫn thi hành luật như thông tư, nghị định, cũng như sự kết hợp quản lý của các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương.
“Đối với những bộ phim dành cho người lớn cần có cảnh báo, đặc biệt những bộ phim có cảnh bạo lực, hoặc có những hành động không khuyến khích cho người dưới 18 tuổi”, NSND Vương Duy Biên nói. Ông cho rằng các đài truyền hình cần có ý thức trong việc dán nhãn phim phù hợp để công chúng được thưởng thức tác phẩm phim ảnh phù hợp với lứa tuổi.
Cảnh báo 18+ của VTV cho phim “Quỳnh Búp Bê”
Tuy nhiên, giải pháp dán nhãn không đồng nghĩa với việc mở đường, cổ xúy cho những cảnh dung tục, phản cảm. Đạo diễn, NSƯT Đặng Tất Bình - nguyên Giám đốc Hãng Phim truyện 1 Việt Nam - khẳng định, trong phim truyền hình điều cần nhất là nên tính toán sao cho những cảnh “nóng” nếu có cũng ở mức độ cho phép, phù hợp với đối tượng khán giả cực kỳ đông đảo và đa dạng về lứa tuổi. “Để làm được điều này, những người làm phim có sự cân nhắc cần thiết và sau đó là nhiệm vụ của các đơn vị kiểm duyệt”, ông cho biết.
NSƯT Tất Bình cho rằng phim ảnh khó né tránh hiện thực như vài chục năm về trước, cho nên sự xuất hiện của cảnh nóng không phải điều gì quá to tát. Đồng quan điểm, đạo diễn Đinh Thái Thụy nêu ý kiến việc khai thác cảnh nhạy cảm cần có chừng mực và thẩm mỹ cao, dù hầu hết cảnh “nóng”, cảnh bạo lực trên truyền hình đều được tiết chế ở một giới hạn nhất định so với phim điện ảnh, phim chiếu mạng.
Đề xuất bắt buộc hiển thị thông tin phân loại phim
Theo dự thảo Thông tư Quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến, từ ngày 1/1/2023, tất cả phim phổ biến trong hệ thống rạp chiếu phim, trên hệ thống truyền hình, trên không gian mạng, tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hoá nước ngoài được thành lập tại Việt Nam, tại địa điểm chiếu phim công cộng và các phương tiện nghe nhìn khác sẽ được phân loại thành 6 mức.
Theo đó, loại P là phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi. Loại K là phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ. T13 là phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên (13+). T16 là phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên (16+). Phim T18 là phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên (18+). Loại C là phim không được phép phổ biến.
GIA LINH