Gia Cát Lượng đã vẽ ra cho Lưu Bị tương lai tươi sáng của thiên hạ Tam quốc, rồi theo Lưu Bị bắt đầu hành trình gian khổ. Về Gia Cát Lượng, dân gian truyền miệng nhau rằng, nhiều mưu kế tuyệt vời của ông đều bắt nguồn từ người vợ Hoàng Nguyệt Anh.
Hoàng Nguyệt Anh cực kỳ thông minh, dịu dàng và chu đáo, gần như là người vợ hoàn hảo. Thật đáng tiếc là trong mắt người đời, bà lại gắn liền với hình ảnh: Xấu xí.
Vợ của Gia Cát Lượng họ Hoàng, không có tên trong chính sử, chỉ biết bà là con gái của Hoàng Thừa Ngạn, trong "Tam Quốc diễn nghĩa" cũng chỉ gọi bà là Hoàng thị. Hoàng Nguyệt Anh là cái tên truyền miệng trong dân gian.
Theo đó, Hoàng thị được nhận định là một trong 10 phụ nữ xấu nhất Trung Quốc cổ đại.
Một phần nhận định này đến từ La Quán Trung: "Gia Cát Chiêm, con trai của Vũ hầu (tức Gia Cát Lượng), tự Tư Viễn. Mẹ, Hoàng thị, là con gái của Hoàng Thừa Ngạn. Người mẹ xấu xí, nhưng có kỳ tài: trên thông thiên văn, dưới tường địa lý; đọc đủ mọi loại sách. Khi Vũ hầu ở Nam Dương, biết bà Hoàng thị hiền thục nên cầu làm vợ" (tạm dịch).
Mẹ của Gia Cát Chiêm, cũng là vợ của Gia Cát Lượng, là con gái của danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn. Hoàng thị có kỳ tài là thật, nhưng “tướng mạo rất xấu, tinh thông thao lược, phòng thủ” lại không có căn cứ lịch sử chắc chắn.
Quan điểm của La Quán Trung bắt nguồn từ "Tương Dương ký" được trích dẫn bởi Bùi Tùng Chi trong "Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện", trong đó có các ghi chép sau:
"Tương Dương ký" ghi: Hoàng Thừa Ngạn nói với Khổng Minh rằng: "Ta nghe nói ngài đang chọn vợ; có một nữ tử xấu xí với tóc vàng da đen, kỳ tài tương xứng". Khi đó, mọi người cười cợt, hình thành nên cách nói: "Đừng chọn vợ như Khổng Minh, bạn sẽ lấy một A Thừa sửu nữ" (tạm dịch).
"A Thừa sửu nữ" ở đây chính là con gái xấu xí của Hoàng Thừa Ngạn. Cái mác “xấu xí” của Hoàng thị xuất phát từ lời giới thiệu của cha bà với Gia Cát Lượng.
Song tóc vàng da đen đồng nghĩa với xấu sao? Đương nhiên là không có cơ sở. Chúng ta phải xét đến thân phận, tính cách và ngữ cảnh cụ thể của người nói.
Là một danh sĩ ở Kinh Châu, Hoàng Thừa Ngạn rất nổi tiếng ở vùng Giang Nam, thường xuyên tiếp xúc với Bàng Đức Công, Thủy Kính tiên sinh và các cao nhân khác. Đồng thời rất ngưỡng mộ nhân tài trẻ Gia Cát Lượng, vì vậy ông không tránh khỏi nói năng tùy tiện.
Hơn nữa, sử sách từ lâu đã ghi rằng tính cách của Hoàng Thừa Ngạn là "sảng khoái, thoải mái", một nhân vật tự do, không trọng tiểu tiết. Hoàng Thừa Ngạn đã gả con gái của mình cho Gia Cát Lượng. Trong hoàn cảnh như vậy, Hoàng Thừa Ngạn lại tự nói con gái mình là một "cô gái xấu xí" nên lời này đa phần là không nghiêm túc, mang tính chất đùa giỡn.
Người Trung Quốc từ xa xưa đã chú trọng đến sự khiêm tốn, khi giới thiệu vợ thường gọi họ là "vụng về", "ngốc nghếch", "tiểu nữ". Khi đó, Hoàng Thừa Ngạn đã "mang con dâng đến tận cửa nhà trai" nên đương nhiên phải càng khiêm tốn hơn.
Gia Cát Lượng lập tức đồng ý hôn sự, sau đó Hoàng Thừa Ngạn đích thân đưa con gái đến túp lều tranh của Gia Cát Lượng mà không cần tổ chức hôn lễ cơ bản. Từ điều này cũng có thể thấy rằng Hoàng Thừa Ngạn rất tự do và thoải mái.
Vì vậy, chỉ dựa vào lời nói của Hoàng Thừa Ngạn, việc tin rằng con gái Hoàng thị của ông xấu xí là điều không đáng tin.
Bản thân Hoàng Thừa Ngạn là một danh sĩ ở Kinh Châu, vợ ông là con gái của nhà họ Thái giàu có ở Tương Dương. Lưu Biểu (chư hầu quân phiệt đầu thời Tam Quốc) kết hôn với con gái út của nhà họ Thái sau khi ông giành được Kinh Châu và người vợ đầu tiên qua đời. Điều đó có nghĩa là, mẹ vợ của Gia Cát Lượng là chị gái của vợ Lưu Biểu. Theo lịch sử ghi chép, vợ của Lưu Biểu có dung mạo xuất chúng, và Lưu Biểu "yêu vẻ đẹp của bà"...
Em gái xinh đẹp, chị gái tự nhiên cũng không tầm thường. Theo tính chất bắc cầu, mẹ xinh đẹp thì con gái cũng không thể kém cạnh. Là danh gia vọng tộc, Hoàng thị từ nhỏ không lo cơm ăn áo mặc, sao lại có thể là một cô gái xấu xí?
Tại sao dân gian lại đặt cho Hoàng thị là Hoàng Nguyệt Anh và luôn tin rằng bà rất xấu xí suốt mấy trăm năm qua?
Gia Cát Lượng tự Khổng Minh, và từ “Khổng Minh” mang ý nghĩa tươi sáng, vợ ông tên Hoàng Nguyệt Anh, trăng sáng tự nhiên sáng sủa, ý nghĩa của tên cũng giống nhau.
Dân gian đồn rằng Hoàng Nguyệt Anh tuy bề ngoài xấu xí nhưng vô cùng tài giỏi, từng làm bò ngựa gỗ phục vụ cho các cuộc chiến, giúp ích rất nhiều cho Gia Cát Lượng về tài thao lược.
Người Trung Quốc chú ý đến sự cân bằng âm dương. Gia Cát Lượng tuấn tú và tài giỏi, bạn đời không thể quá hoàn hảo. Vì vậy, cho ông một người vợ xấu xí. Cuộc sống đôi khi không trọn vẹn, còn nếu quá hoàn hảo sẽ hơi mộng mơ và không thực tế.
Về phần Hoàng Nguyệt Anh, mặc dù xấu xí, nhưng bà có tài năng, đó là một loại cân bằng. Các bậc danh sĩ rất coi trọng vẻ đẹp bên trong. Việc Gia Cát Lượng yêu Hoàng thị kém sắc nhưng tài năng cũng là chuyện bình thường.
Kết quả là bởi lời giới thiệu con gái của Hoàng Thừa Ngạn, Hoàng thị đã bị gắn cái mác “xấu xí” nghìn đời, lấn át cả kỳ tài mà bà sở hữu.