Quan tâm, tìm hiểu kiến thức hoạch định tài chính cá nhân (chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư) là điều đáng hoan nghênh, đặc biệt là khi bạn còn trẻ. Tuy nhiên, có một lỗi sai mà không ít người thường mắc phải trong quá trình hoạch định tài chính cá nhân: Chỉ quan tâm tới những tài sản hữu hình như tiền mặt, vàng, BĐS, cổ phiếu,... mà không mảy may nghĩ về tài sản vô hình.
Giống như tên gọi, tài sản vô hình là những thứ chúng ta không thể cầm, nắm hay quy nó ra giá trị về mặt vật chất, tiền bạc.
Với một doanh nghiệp, tài sản vô hình có thể là bằng sáng chế, ý tưởng kinh doanh/cách thức hoạt động độc nhất vô nhị,...
Với cá nhân, tài sản vô hình chính là nguồn vốn con người bao gồm trí tuệ, sức khỏe, mối quan hệ, học vấn, khả năng sáng tạo. Đây đều là những tài nguyên giúp một người tạo ra được những tài sản hữu hình.
Ảnh minh họa
Tổng tài sản = Nguồn vốn tài sản (tài sản hữu hình) + Nguồn vốn con người (tài sản vô hình).
Nhìn vào công thức trên, không khó để nhận việc chỉ tập trung vào cải thiện nguồn vốn tài sản (tài sản hữu hình) không phải là cách hoạch định tài chính cá nhân nên làm.
Nếu biết cách quản lý, tài sản hữu hình của bạn sẽ tăng lên theo thời gian, còn tài sản vô hình thì ngược lại.
Nói thế này cho dễ hiểu: Bạn lao đầu vào kiếm tiền, trở thành một "workaholic" (người nghiện công việc) kết hợp với khả năng quản lý chi tiêu và đầu tư dài hạn, khối tài sản hữu hình mà bạn sở hữu có khả năng cao sẽ lớn dần theo thời gian. Trong quá trình đó, tài sản vô hình - là sức khỏe, khả năng sáng tạo, các mối quan hệ cá nhân,... của bạn sẽ suy giảm. Đây là hệ quả không có gì khó hiểu vì chúng ta sẽ già đi theo thời gian, sức khỏe của bạn ở tuổi 40 sẽ không thể được như lúc 20.
Không tồn tại một thước đo nào định giá tài sản vô hình của một cá nhân. Nói cách khác, chỉ có bạn mới có khả năng đánh giá chất lượng sức khỏe, các mối quan hệ cũng như khả năng sáng tạo của mình.
Những yếu tố này sẽ thay đổi theo thời gian, giống như tài sản hữu hình. Dẫu vậy, bạn có thể tham khảo 3 cách quản lý, phát triển tài sản vô hình dưới đây.
1 - Không cho phép công việc "ăn cắp" quỹ thời gian dành cho bản thân
Bạn có thể làm việc 13-14 tiếng/ngày, coi công ty là nhà và hàng ngày chỉ di chuyển từ nhà tới công ty, rồi từ công ty về nhà. Tuy nhiên, nếu bạn duy trì thời gian biểu như vậy trong 1 thời gian dài, chắc chắn sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và cả chất lượng các mối quan hệ của bạn sẽ suy giảm với tốc độ đáng kinh ngạc.
Ảnh minh họa
Để khắc phục tình trạng này, bạn cần xác định quỹ thời gian dành cho bản thân mỗi ngày. 1-2 tiếng/ngày là con số vừa đẹp. Bạn có thể đọc sách, nghe nhạc, xem phim, gặp gỡ bạn bè, đi tập gym,... trong quỹ thời gian dành cho bản thân. Và tuyệt đối không được để bất cứ ai, bao gồm cả sếp "ăn cắp" quỹ thời gian dành cho bản thân của bạn. Hoặc nếu có, bạn cũng không nên để tình trạng ấy kéo dài quá lâu.
Phải nhớ: Duy trì việc dành thời gian cho bản thân cũng quan trọng như việc bạn đi làm 8-10 tiếng/ngày để kiếm tiền vậy.
2 - Chăm sóc sức khỏe
Bao lâu rồi bạn chưa đi khám sức khỏe tổng quát?
Bao lâu rồi bạn chưa ăn đủ 3 bữa/ngày?
Lần gần nhất bạn hoạt động thể chất là khi nào?
3 câu hỏi này cũng chính là 3 đáp án - 3 việc bạn nên làm để bắt đầu chăm sóc sức khỏe: Đi khám sức khỏe tổng quát hàng năm; duy trì chế độ ăn uống/sinh hoạt khoa học, hợp lý và thường xuyên hoạt động thể chất (tập gym, đạp xe, chạy bộ,...).
Đây đều là những việc không khó, cũng không quá tốn kém nhưng nhiều người vẫn không làm vì một lý do duy nhất, là lười.
3 - Xác định mục tiêu cuộc sống
Điều này nghe có vẻ hơi to tát, nhưng thực chất nó chỉ là câu hỏi: Điều gì khiến bạn muốn theo đuổi nhất trong cuộc đời? Có người sẽ có nhu cầu ổn định kinh tế, phát triển sự nghiệp, một số khác sẽ thích trải nghiệm cuộc sống và chú trọng vào cảm xúc cá nhân.
Khi đó, góc nhìn và nhu cầu của một người sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hành vi của người đó. Vì thế, chỉ khi xác định được mục tiêu của mình, bạn mới có thể tìm được điểm cân bằng khi hoạch định tài sản vô hình và tài sản hữu hình của mình.