3 khung pháp lý cho Vũ Văn Thanh
Vũ Văn Thanh được một ứng dụng có dấu hiệu cờ bạc, cá cược bất hợp pháp thuê quảng cáo. Đây là một dạng ứng dụng quyền chọn nhị phân với rủi ro tài chính rất lớn nên đã bị cấm hoạt động ở nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, ứng dụng do ngôi sao tuyển quốc gia và HAGL quảng cáo còn có dấu hiệu lừa đảo khi giả mạo cả Đài truyền hình quốc gia để tiếp thị hình ảnh đến với công chúng. Khi được báo chí hỏi về vấn đề này, Vũ Văn Thanh chỉ cho biết anh có ghi hình quảng cáo với ứng dụng trên từ sau giải U23 châu Á và từ đó không hợp tác nữa nên… không thể trả lời.
Vũ Văn Thanh còn trẻ và đơn thuần chỉ là cầu thủ bóng đá nên khó tránh khỏi những va vấp vốn phổ biến khi lấn sân sang lĩnh vực kiếm tiền từ hoạt động thương mại. Và theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc các cầu thủ Việt Nam cần được hỗ trợ về mặt pháp lý.
Chuyên gia Marketing Huỳnh Phước Nghĩa - Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng: "Trên thế giới, các cầu thủ bóng đá hoặc ngôi sao giải trí, gọi chung là các tài năng thường thuê các công ty dịch vụ hoặc manager để thực hiện việc đó. Thì cái việc đó có nhiều bước đánh giá, từ đánh giá giá trị bản thân tài năng cho đến tìm kiếm hợp đồng, kiểm tra tính pháp lý, nghĩa vụ thuế… của hợp đồng".
"Xét về góc độ truyền thông liên quan đến chuyện một tài năng thể thao, cụ thể ở đây là bóng đá, cầu thủ muốn hình ảnh của mình gắn liền với một nhãn hàng, thương hiệu nào đó thì nó có 3 cái khung để kiểm soát.
Thứ nhất là khung pháp lý liên quan đến sự xuất hiện của cầu thủ trong các chiến dịch quảng bá của thương hiệu. Thứ hai là đơn vị chủ quản, ở nước ngoài đơn vị chủ quản phải quản lý được tài năng liên quan tới ai, xuất hiện như thế nào. Thứ ba là khung liên quan đến giá trị bản thân tài năng".
"3 khung pháp lý trên sẽ chi phối mối quan hệ giữa tài năng bóng đá và nhà tài trợ trong hợp đồng quảng cáo sản phẩm. Từ đó nếu có chuyện xảy ra, như vi phạm hợp đồng, phá vỡ hợp đồng, lừa đảo… thì có căn cứ pháp lý để bảo vệ mình. Quan điểm của tôi là đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần những dịch vụ, những nhà đại diện chuyên nghiệp để quản trị tài năng, nhằm tránh những vụ việc không hay có thể liên quan đến pháp luật".
Beckham, Ronaldo và vai trò của VFF
Trên thế giới, quảng cáo là kênh kiếm tiền còn nhiều hơn lương của những siêu sao hạng A như David Beckham, Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi. Và đó chính là quyền lợi của họ, quyền lợi xứng đáng từ những nỗ lực phi thường trên sân cỏ.
Người đại diện hay công ty quản lý của những siêu sao trên dĩ nhiên là hùng hậu và am tường pháp luật và kinh tế, chặt chẽ trong từng dấu chấm hay phảy của những bản hợp đồng mang tính thương mại, nhằm tránh tối đa những rắc rối về mặt pháp lý khi có tranh chấp xảy ra.
Mọi bản hợp đồng thương mại với các đối tác đều được quản lý cũng như đơn vị chủ quản của siêu sao đánh giá kỹ lưỡng. Tuy nhiên, dù kỹ tới đâu cũng không tránh khỏi những rắc rối.
Năm 2008, trong một chiến dịch quảng cáo cho một thương hiệu Nhật Bản, Cristiano Ronaldo đã bị các nhà bảo vệ động vật cùng nhiều người hâm mộ trên thế giới chỉ trích, do TVC quảng cáo đó có hình ảnh mang tính chất cổ súy cho đấu bò tót - môn thể thao phổ biến ở TBN nhưng bị phần lớn các nước tẩy chay.
Beckham - ông vua quảng cáo của sân cỏ thế giới cũng bị người hâm mộ và truyền thông Anh chỉ trích thậm tệ, khi quảng bá cho một hãng đồ lót. Trong một thông cáo, Cơ quan Thẩm định Tiêu chuẩn Quảng cáo Anh quốc (ASA) cho rằng: "Từ gương mặt biểu cảm của Beckham cho tới bộ đồ anh ta mặc trên người đều toát lên vẻ gợi dục. Nó không phù hợp với trẻ em khi treo đầy ở các điểm công cộng. Chúng tôi có cơ sở để đánh giá, nó là hành động vô trách nhiệm với xã hội".
Beckham có nghĩ tới trách nhiệm xã hội như ASA nêu ra trong chiến dịch quảng bá đồ lót? Tương tự, Vũ Văn Thanh có nghĩ tới hậu quả và trách nhiệm xã hội nếu các fan thần tượng anh, theo quảng cáo của anh mà đầu tư làm giàu ở ứng dụng có dấu hiệu cờ bạc, lừa đảo về tài chính, đã bị cấm ở nhiều quốc gia?
Từ chuyện Beckham, Ronaldo có thể thấy, với đội ngũ hùng hậu gồm chuyên gia kinh tế và luật sư đứng sau, các ngôi sao đẳng cấp thế giới vẫn có thể gặp rắc rối với hợp đồng thương mại ở khía cạnh xã hội. Vậy đương nhiên, Vũ Văn Thanh và các ngôi sao bóng đá Việt Nam khi chưa có đại diện chuyên nghiệp đúng nghĩa, nhắc lại là những người đại diện đúng nghĩa chứ không phải đại diện đi chửi nhau với fan, thì rắc rối dễ xảy ra.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cho rằng: "Bóng đá Việt Nam giờ thay đổi nhiều, các thương hiệu đã chú ý nhiều đến cầu thủ Việt Nam nên giới cầu thủ cũng cần phải có người đại diện hoặc công ty chuyên nghiệp, chẳng hạn như trường hợp của HLV Park Hang-seo".
"Tôi cũng cho rằng, VFF với trách nhiệm quản lý lĩnh vực bóng đá trên lãnh thổ Việt Nam cũng cần phải tạo ra một hành lang pháp lý về vấn đề này, để tránh cho các cầu thủ gặp phải rắc rối tương tự như Văn Thanh, rồi thì còn nhiều vấn đề khác như liên quan đến nghĩa vụ thuế khi cầu thủ ký kết các hợp đồng tài trợ".
Bóng đá Việt Nam đã thực chuyên nghiệp chưa? Đường vẫn còn dài và những cầu thủ như Văn Thanh cần được hỗ trợ, bảo vệ bằng những con người chuyên nghiệp thực thụ và một khung pháp lý phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.