Cuộc sống với 50 nghìn đô la và 1 triệu đô la thực sự khác nhau thế nào: Nhiều tiền liệu có dễ thở hơn?

Lưu Ly, Theo Nhịp sống kinh tế 17:50 22/08/2021
Chia sẻ

Kết quả so sánh chất lượng cuộc sống với những mức thu nhập khác nhau: 50.000 đô la, 300.000 đô la và 1 triệu đô la khiến ai cũng bất ngờ. Dù thu nhập bao nhiêu, cách bạn chi tiêu, quản lý tài chính mới quyết định chất lượng cuộc sống.

Mức thu nhập 50.000 đô la/năm có thể sẽ dư dả cho một người sống ở một thành phố cỡ trung, chi phí sinh hoạt không quá cao. Nhưng một gia đình bốn người sống ở thành phố New York có thể cảm thấy bị chèn ép với số tiền 500.000 đô la nếu họ sống trong một căn hộ áp mái, phải trả học phí cho trường tư và sở hữu một căn nhà thứ hai ở Hamptons. Thậm chí, một khoản tiền lương lớn còn không đủ để đi du lịch nếu bạn là người có lối sống thượng lưu.

Để tìm hiểu về chất lượng cuộc sống ở các mức thu nhập khác nhau, trong các lĩnh vực khác nhau, GOBankingRates đã có cuộc trò chuyện nhỏ với ba người có ba mức lương có sự khác biệt rất lớn. Bạn có thể sẽ phải ngạc nhiên trước những điểm giống và khác nhau trong thói quen chi tiêu và tiết kiệm của họ.

Người có thu nhập trên 50.000 đô la: Luôn giữ thói quen tiết kiệm

Cuộc sống với 50 nghìn đô la và 1 triệu đô la thực sự khác nhau thế nào: Nhiều tiền liệu có dễ thở hơn? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Jamie Hickey, một thợ đóng đồ nội thất ở Philadelphia, Pennsylvania có mức thu nhập là 52.000 đô la mỗi năm (chưa tính đến khoản thu nhập phụ nhỏ từ một số trang web mà anh đang điều hành). Gia đình 4 người nhà Hickey thường chi khoảng 1.800 đô la cho khoản thế chấp, 150 đến 200 đô la/tuần để mua lương thực thực phẩm, 500 đô la để trả tiền mua xe và khoảng 2.000 đô la/năm cho bảo hiểm y tế.

Với mức thu nhập đó thì gia đình Hickey vẫn có một cuộc sống khá thoải mái. Họ vẫn có thể chi trả dịch vụ internet và các dịch vụ giải trí trực tuyến khác mà vẫn tiết kiệm được tiền để đi du lịch hàng năm.

Chia sẻ về cách quản lý các khoản nợ của mình, Hickey cho biết: “Tôi không có bất kỳ khoản nợ nào. Một số người thường có thói quen đợi nhận bảng sao kê rồi mới thanh toán, nhưng tôi thì không. Tôi không muốn hình thành thói quen trả hàng trăm đô la sau này.” Hickey chủ yếu sử dụng thẻ tín dụng của mình để nhận điểm thưởng.

Luôn giữ thói quen tiết kiệm

Hickey luôn dành ra khoảng từ 10% đến 15% tổng thu nhập để tiết kiệm.

“Bạn cần phải cẩn thận với những gì bạn có, tiết kiệm những gì bạn có thể và hiểu rằng có sự khác biệt lớn giữa những thứ bạn cần và những thứ bạn muốn”, Hickey cho biết.

Bên cạnh đó, Hickey thường sử dụng bảng tính Excel để lập ngân sách. Về cơ bản thì chi phí và thu nhập của anh ấy không thay đổi nhiều, ngoại trừ trường hợp có chi phí phát sinh không mong muốn.

Những thách thức khi có mức thu nhập 50.000 đô la

Trước khi đại dịch Covid diễn ra, gia đình Hickey vẫn có cuộc sống khá thoải mái. Tuy nhiên, kể từ khi tình hình đại dịch bắt đầu trở nên nghiêm trọng, nó đã gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập và các khoản tiết kiệm của Hickey.

Giờ đây, Hickey buộc phải sử dụng đến số tiền tiết kiệm của mình, thậm chí anh còn bắt đầu nghĩ ra các giải pháp mới để kiếm tiền. Anh phát triển một trang web chuyên đánh giá các thực phẩm chức năng, một liên doanh giúp Hickey kiếm được khoảng 1.500 đô la/tháng. Ngoài ra, anh đang bắt đầu lập một trang web thứ hai với nội dung đánh giá các loại cà phê để kiếm thêm thu nhập.

“Tôi hy vọng mình có thể bù đắp một phần thu nhập đã mất.”, Hickey cho biết.

Người có thu nhập 300.000 đô la: Thu nhập cao khiến cuộc sống dễ thở hơn

Danielle Wolter là Giám đốc tài chính của Công ty chế tạo và sửa chữa tàu thủy Thái Bình Dương, đồng thời là Chủ tịch của một công ty nhượng quyền thương mại có tên Smash My Trash San Bernardino, California. Bên cạnh đó, cô cũng đang điều hành một số blog, bao gồm blog tài chính, The Million Dollar Mama và Leave Your 9-5, một trang blog hướng dẫn mọi người cách làm việc tại nhà trong mùa dịch.

Hiện tại, Wolter đang sống cùng với người bạn đời của mình tại San Diego. Mỗi tháng, họ chi trả 3.500 đô la cho các khoản thế chấp, 500 đô la cho lương thực thực phẩm, 500 đô la cho hóa đơn điện nước và khoảng 1.600 đô la cho các loại hóa đơn khác. Với mức thu nhập của mình, Wolter và chồng vẫn có một cuộc sống thoải mái ngay cả khi sống tại San Diego, nơi có phí sinh hoạt đắt đỏ.

“Nhờ có thu nhập ổn định mà chúng tôi có dư tiền để đi du lịch, mua vé máy bay hạng nhất và ăn uống tại các nhà hàng sang trọng”, Wolter cho biết.

Cuộc sống với 50 nghìn đô la và 1 triệu đô la thực sự khác nhau thế nào: Nhiều tiền liệu có dễ thở hơn? - Ảnh 2.

Thu nhập cao giúp cuộc sống dễ thở hơn (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, không phải cứ kiếm được nhiều tiền là có thể chi tiêu hoang phí. Wolter cho biết nhờ biết cách tiết kiệm và cắt giảm chi phí với những thứ không cần thiết, cô và chồng có thể tiết kiệm 6.000 đô la mỗi tháng và không mắc nợ thẻ tín dụng, khoản vay sinh viên và khoản vay mua ô tô.

“Chúng tôi làm việc chăm chỉ để có thể tiết kiệm ít nhất 50% thu nhập của mình nhằm mục đích nghỉ hưu sớm”, Wolter chia sẻ.

Thu nhập cao giúp cuộc sống dễ thở hơn

Với mức thu nhập và khả năng tiết kiệm của mình, Wolter và chồng của cô không phải lo lắng quá nhiều về các khoản chi đột xuất. Họ có khoảng 50.000 đô la trong quỹ khẩn cấp để phòng các trường hợp khẩn cấp như thất nghiệp hoặc các chi phí sửa chữa tốn kém.

Người có thu nhập trên 1 triệu đô la: Cuộc sống thoải mái nhưng vẫn tồn tại những lo lắng

Harvey Bezozi, nhà hoạch định tài chính tại YourFinancialWizard.com ở Boca Raton, Florida cho biết: “Với mức thu nhập 1 triệu đô la/năm, một gia đình 5 người có thể tận hưởng một cuộc sống thoải mái mà nhiều người mơ ước. Những gia đình có thu nhập ở mức này thường sẽ chi 10% cho thực phẩm, các hoạt động giải trí, mua sắm và 15% cho giáo dục. Thông thường, một đứa trẻ khi đi học sẽ cần khoảng 25.000 đô la, gia đình nào có ba đứa sẽ tốn 75.000 đô la/năm.”

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khoản cần phải chi trả. Cụ thể là 20% ​​dành cho việc thanh toán thế chấp, phí HOA (phí hiệp hội chủ nhà) và bất động sản, 10% cho chi phí bảo hiểm y tế và các dịch vụ y tế khác, 10% cho hoạt động thuê xe hơi, bảo hiểm xe hơi và xăng, khoảng 5% cho các dịch vụ có giá vé cao như tàu thuyền. Bên cạnh đó, Bezozi cũng cho biết những người có mức thu nhập trên 1 triệu đô la thường dành 30% cho khoản tiết kiệm, bao gồm cả bảo hiểm nhân thọ.

Để có mức thu nhập cao lên đến 1 triệu đô la, đồng nghĩa với việc chúng ta phải hy sinh thời gian để làm việc. “Cho dù là giám đốc điều hành, bác sĩ, luật sư hay chủ đầu tư xây dựng đều phải học hỏi không ngừng và chấp nhận hy sinh thời gian để có thể chiến thắng đối thủ và duy trì vị trí lãnh đạo lâu dài”, Bezozi nói.

Mất một khoản lớn cho việc đóng thuế

Thu nhập càng cao đồng nghĩa với số tiền đóng thuế càng lớn. Bezozi cho biết các triệu phú đang phải chi một số tiền rất lớn để nộp thuế.

“Trên cơ sở hàng tháng, tổng thu nhập của một triệu phú là 83.333 đô la/tháng và khoảng 50.000 đô la sau thuế (thuế liên bang, tiểu bang và tiền lương bao gồm FICA / Medicare). Vậy người triệu phú đó đã phải chi trả hơn 30.000 đô la để nộp thuế hàng tháng”, Bezozi giải thích.

Những lo lắng về tài chính vẫn tồn tại ngay cả khi có thu nhập 1 triệu đô la

Cuộc sống với 50 nghìn đô la và 1 triệu đô la thực sự khác nhau thế nào: Nhiều tiền liệu có dễ thở hơn? - Ảnh 3.

Mặc dù những người có mức thu nhập trên 1 triệu đô la có khả năng chi trả cho những khoản phí phát sinh, nhưng họ vẫn luôn giữ thói quen tiết kiệm, không hoang phí và đặc biệt chú ý đến ngân sách.

“Điều tối quan trọng là phải có kỷ luật nghiêm ngặt với việc tiết kiệm và phải cực kỳ chú ý với “xu hướng” chi tiêu quá mức”, Bezozi cho biết.

Tuy nhiên, Bezozi nhận thấy những người có mức thu nhập này thường rất trân trọng những gì họ đang có. “Những gia đình khá giả thường sở hữu những căn nhà đẹp đẽ và dành thời gian để đi du lịch, tận hưởng cuộc sống. Hơn cả tài sản vật chất, họ nhận thức được rằng mọi thứ sẽ nhanh chóng mất đi vẻ bóng bẩy của nó, trong khi những trải nghiệm thú vị thì sẽ mãi tồn tại”, Bezozi cho biết.

Theo GOBankingRates

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày