Một ngày giữa tháng 2/2020, chúng tôi tìm về mái ấm Đức Quang (ấp Long An, xã Long Hòa, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), nơi đang nuôi dưỡng, chăm sóc 110 em nhỏ cơ nhỡ, bị bố mẹ bỏ rơi. Đây cũng chính là nơi sinh sống của chú lính chì Phạm Đức Lộc trước khi con khép lại hành trình 1.200 ngày chiến đấu với căn bệnh não úng thủy quái ác.
Mái ấm Đức Quang từ nhiều năm qua đã trở thành ngôi nhà của rất nhiều em nhỏ bị bố mẹ bỏ rơi.
Hơn 100 đứa trẻ không cha, không mẹ bị bỏ rơi
Từ ngoài cổng, tiếng nói cười, nô đùa, đôi khi là những tiếng khóc thất thanh của trẻ em vang lên khiến không ít người tò mò. Thầy Thích Lệ Hiếu cho biết từ năm 2010, một đứa trẻ sơ sinh bị đem bỏ trước cổng chùa Vạn Đức vào một đêm mưa gió đã mở ra cơ duyên cho những em bé khác.
Hầu hết các bé bị mẹ bỏ rơi trước cổng chùa, mái ấm hoặc ở vỉa hè nhà người dân.
Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa rồi ngồi ngay ngắn hát những bài về tình cha, tình mẹ mới thấu hiểu được nỗi lòng của các thầy tại mái ấm Đức Quang. Dù số lượng trẻ con bị bỏ rơi mỗi lúc một đông, hiện tại 110 em có độ tuổi từ sơ sinh đến học cấp hai, nhưng chưa bao giờ thầy Thích Lệ Hiếu lại từ chối tiếp nhận một trường hợp trẻ em bị bỏ rơi nào.
Thầy Thích Lệ Hiếu cho biết những đứa trẻ đến với mái ấm là một cái duyên nên thầy luôn yêu thương, săn sóc từng em.
Lớn lên trong vòng tay yêu thương của các thầy, các cô bảo mẫu, những đứa trẻ rất kháu khỉnh, đáng yêu.
"Các con đến chùa đã là một cái duyên, ở đây dù điều kiện hiện tại để chăm lo còn rất nhiều thiếu thốn. Tiền ăn uống, sinh hoạt của các con mỗi ngày một nhiều hơn nhưng các thầy sẽ cố gắng hết sức để chăm lo tốt nhất cho các con. Tất nhiên các thầy không mong muốn, thường cầu mong sẽ không có một đứa trẻ nào bị bỏ rơi nữa vì hơn ai hết, tụi nhỏ cần có một mái ấm đủ đầy của cả cha lẫn mẹ", thầy Thích Lệ Hiếu nói.
Thầy Thích Lệ Hiếu quây quần bên những đứa con của mình.
Ôm những đứa trẻ vào lòng, thầy Thích Lệ Hiếu cho biết thầy không hề trách những bậc làm mẹ đã vứt bỏ con mình, có nhiều người sau khi suy nghĩ lại đã đến mái ấm để xin nhận lại con. Dù hiện tại, điều kiện cơ sở vật chất của mái ấm vẫn chưa đủ đáp ứng nuôi dưỡng, chăm sóc tốt nhất cho hơn 100 đứa trẻ nhưng thầy Thích Lệ Hiếu cùng với các thầy, bảo mẫu ở đây luôn dành tất cả sự yêu thương cho các con của mình.
Những đứa trẻ được đi học, chăm sóc chu đáo.
Theo các thầy tại mái ấm, ban ngày, hơn 50 đứa trẻ đã đủ tuổi đi học đều được mái ấm đưa rước đến các điểm trường trên địa bàn, số trẻ sơ sinh, từ 2-4 tuổi thì được các cô bảo mẫu chăm sóc, tắm rửa mỗi ngày. Dù rất muốn tụi nhỏ có một nơi sinh hoạt, phòng ốc, ăn ngủ mát mẻ hơn nhưng kinh phí của mái ấm không đủ để thực hiện.
"Thầy chỉ thương cho tụi nhỏ, chỉ biết cố hết sức, lấy tình thương của mình để bù đắp cho sự thiếu thốn tình cảm bố mẹ", thầy Thích Lệ Hiếu tâm sự.
Mọi sinh hoạt hàng ngày của 110 đứa trẻ đều được các cô bảo mẫu ở mái ấm chăm sóc chu đáo.
Đức Lộc đã thanh thản về với cửa Phật
Sau khi tổ chức đám tang và hỏa táng cho Đức Lộc, tro cốt của con được đem về mái ấm thờ cúng để cho các cha, các mẹ được quay về viếng thăm con. Đã hơn 2 tháng trôi qua, hình ảnh của chú lính chì kiên cường vẫn luôn in đậm trong tâm thức những người ở mái ấm Đức Quang...
Di ảnh của Đức Lộc được thờ ở một góc trong khuôn viên mái ấm Đức Quang
"Đức Lộc ra đi quá đột ngột nhưng con đi rất thanh thản. Dù cho khi nuôi dưỡng, chăm sóc cho con, thầy cứ tưởng con đã chiến thắng bệnh tật để tìm lại sự sống rồi...", thầy Thích Lệ Hiếu xúc động mỗi khi nhắc đến Đức Lộc.
Sự hồn nhiên, vui tươi của những đứa trẻ là điều dễ dàng nhận thấy khi đến mái ấm Đức Quang.
Có lẽ không chỉ với thầy Thích Lệ Hiếu mà với tất cả những ai đã từng biết đến Phạm Đức Lộc đều luôn mãi nhớ về con. Sau khi bị mẹ bỏ rơi trước cổng chùa Vạn Đức vào tháng 7/2016 với căn bệnh não úng thủy, Đức Lộc đã chiến thắng không ít lần khi đối mặt với cánh cửa tử thần để ở lại với cuộc đời.
Nhưng phép nhiệm đã tắt vào lúc 19h29 phút ngày 19/12 khi con trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Nhi đồng TP.HCM để lại niềm xót thương cho tất cả mọi người.
Trở lại mái ấm Đức Quang, chúng tôi vẫn luôn nhớ mãi hình bóng của Đức Lộc. Hi vọng ở bên kia thế giới, con được bình an và hãy dõi theo các anh chị, những đứa em của mình đang từng ngày lớn lên bên vòng tay chăm sóc của các thầy, các cô bảo mẫu.