David Kong, 47 tuổi, mệt mỏi rã rời sau chuyến tàu kéo dài 30 tiếng đồng hồ từ Bắc Kinh đến Trùng Khánh. Giường nằm quá cứng khiến lưng ông đau nhức. Nó thuộc về một loại tàu kiểu cũ, bên ngoài sơn màu olive sẫm nên còn gọi là "tàu da xanh".
Không phải David không muốn đi máy bay (mất 3 giờ) hay tàu cao tốc (mất 12 giờ), mà cho dù muốn thì những phương tiện này cũng nằm ngoài tầm với.
Tại sao? Bởi vì David là 1 trong số 13 triệu người nằm trong danh sách "cá nhân mất uy tín", hầu hết bọn họ là những kẻ có nợ xấu, trong tiếng Trung gọi là laolai. Danh sách này do Tòa án Tối cao công bố.
Ở Trung Quốc, hầu như chỉ cá nhân "mất uy tín" mới đi tàu thường thay vì tàu cao tốc và máy bay (Ảnh minh họa: AP).
Chỉ cần có tên trong danh sách, công dân sẽ bị tước đi quyền hưởng thụ các dịch vụ "xa xỉ", mà máy bay và tàu cao tốc chỉ là 2 trong số đó. Một số hạn chế khác bao gồm không thể đứng tên thuê chỗ trọ, bị các hộ kinh doanh và cả họ hàng của mình xa lánh. Tại nhiều vùng, công ty viễn thông còn dành riêng cho các laolai loại nhạc chuông đặc biệt, mục đích đánh động cho mọi người xung quanh biết đây là người có "hạnh kiểm yếu".
David Kong - người trong cuộc - chia sẻ với tờ SCMP: "Tình hình tồi tệ dần theo thời gian, thậm chí hơn cả ngồi tù. Chịu khổ lao còn có hạn kỳ cụ thể. Còn một khi đã bước vào danh sách mất uy tín, chỉ khi nào bạn trả dứt nợ thì mới xóa tên được".
Điều đáng nói là sau 30 tiếng đau nhức trên "tàu da xanh", David còn chịu một phen bẽ bàng khi bạn làm ăn đến đón mình ở ga tàu và phát hiện ra ông là một laolai. Ở Trung Quốc, hầu như chỉ laolai mới không đi máy bay hay tàu cao tốc mà thôi.
Hiện tại có 13 triệu người bị đánh giá "mất uy tín" ở Trung Quốc, chủ yếu do mắc nợ không trả được.
David mô tả tình trạng của mình là muôn trùng vây hãm. Muốn trả sạch món nợ 1,6 triệu tệ (tương đương 5,6 tỷ đồng), ông phải thành công trong việc làm ăn. Nhưng đã lọt vào danh sách mất uy tín thì làm gì cũng khó, đặc biệt là việc chiếm lấy lòng tin của bạn hàng, đối tác.
Khi phóng viên SCMP tìm đến các chủ nợ của David Kong, họ khẳng định công ty của ông làm giả giấy tờ sổ sách, không trung thực ngay từ đầu. Đáp lại, David nói mình luôn lưu trữ thông tin làm ăn một cách rõ ràng và chi tiết. "Hiện giờ mọi người đang 'vơ đũa cả nắm', chỉ cần tôi còn mang nợ thì tôi vẫn là 'ma quỷ' không thể tin tưởng được" - David bày tỏ.
Việc bị liệt vào "cá nhân mất uy tín" khiến nhiều con nợ muốn trả hết tiền mình đã vay, nhưng một số khác lại cho rằng điều này quá hà khắc, khiến họ không ngóc đầu lên nổi (Ảnh minh họa: Getty)
Người đàn ông nói với phóng viên mình chỉ tiêu có 500 tệ/tháng (khoảng 1,7 triệu đồng), sống ở ngoại ô Bắc Kinh. Mỗi khi dành dụm đủ tiền mua 1 chiếc vé máy bay, tất nhiên David cũng không thể ngồi máy bay được, thì ông lại dùng số tiền ấy trả bớt nợ và tiếp tục đi "tàu da xanh".
David Kong chia sẻ ông đang nỗ lực viết nên "câu chuyện hoàn lương" của mình. "Tôi sẽ cắn răng chịu đựng mà không oán thán gì cả. Để đến một ngày khi tôi xóa sạch sợ, xóa tên mình khỏi 'danh sách đen', hy vọng rằng mọi người sẽ chỉ vào tôi và nói rằng 'Hóa ra gã này cũng không quá tệ".
David và cả những chủ nợ của ông vẫn mòn mỏi chờ 1 ngày như thế.
Danh sách "cá nhân mất uy tín" được đưa ra từ năm 2013. Vài tháng sau, nhà chức trách giới thiệu hệ thống uy tín xã hội sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2020. Mục đích của hệ thống này là để xử phạt những hành vi xấu và tuyên thưởng những hành vi tốt.
Hiện giờ hệ thống đã hoạt động thử nghiệm, nhưng chủ yếu đánh giá "kém" cho những người mang nợ xấu. Còn trong tương lai, tất cả công dân sẽ được chấm điểm từ 1 (yếu kém) đến 5 (ưu tú). Một số hành vi bị trừ điểm như: vượt đèn đỏ, qua đường sai luật, hút thuốc trên tàu; có thói quen không lành mạnh như chơi điện tử; chậm thanh toán tiền điện nước; không minh bạch trong việc đóng thuế,...
Tính đến cuối năm 2018, những người lọt vào danh sách "cá nhân mất uy tín" đã bị loại ra khỏi việc sử dụng 17,5 triệu chuyến bay và 5,5 triệu chuyến tàu cao tốc ở Trung Quốc.
(Theo SCMP)