Cuộc sống chông chênh đến bỏ mạng nơi xứ người khi đi lao động “chui” qua Trung Quốc

Gia Hân, Theo Gia đình và xã hội 10:48 12/11/2019
Chia sẻ

Với mong muốn có được cuộc sống đỡ vất vả, mang lại no ấm cho gia đình, nhiều người tại những vùng quê nghèo xứ Thanh đã bất chấp pháp luật, vượt biên trái phép để đến với “vùng đất hứa”.

Song cuộc sống nơi đây chẳng dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ, công việc bấp bênh, lao động trong môi trường nguy hiểm, lương thấp, không được cơ quan chức năng bảo vệ…, nhiều lao động đã phải bỏ mạng khi chưa kịp gửi tiền về cho gia đình trang trải nợ nần.

Ông Hoàng Trọng Dũng (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhận hung tin con trai tử vong tại Trung Quốc. Ngước nhìn di ảnh của con trai H.V.T., ông Dũng vội lau nhanh dòng nước mắt đang lăn trên đôi má gầy gò của người cha vốn chai sạn vì mưu sinh.

Ông Dũng kể lại: "Ở nhà vợ chồng thằng T. không có công ăn việc làm ổn định. Đầu năm 2019, vợ chồng nó nói với tôi muốn đi làm ăn xa, tích góp ít vốn làm ăn rồi còn nuôi con ăn học, nó nhờ tôi chăm sóc con. Tôi hỏi vợ chồng nó đi làm ở đâu thì nó bảo đi làm gần, có tiền gửi về phụ giúp bố nuôi con nhỏ. Tôi không biết vợ chồng nó sang Trung Quốc bằng con đường bất hợp pháp, nếu tôi biết tôi đã không để xảy ra cơ sự như thế này".

Cuộc sống chông chênh đến bỏ mạng nơi xứ người khi đi lao động “chui” qua Trung Quốc - Ảnh 1.

Ông Dũng bàng hoàng khi nhận hung tin con trai bị đánh chết bên Trung Quốc

Theo ông Dũng, tháng 2/2019, vợ chồng con trai ông lên đường đi làm ăn. Vợ chồng anh H.V.T điện về báo đang làm ở Hải Phòng. Ông Dũng cũng hiểu vì sao con lại sang Trung Quốc để lao động "chui" như thế. Từ lúc đi làm ăn xa, vợ chồng anh T. chưa gửi về nhà được đồng nào. Rồi một ngày đầu tháng 11/2019, gia đình ông Dũng nhận được tin anh T. tử vong khi đánh nhau với nhóm người Việt ở Trung Quốc.

Ông Dũng cho biết thêm, sau khi sự việc xảy ra, công an Trung Quốc vào cuộc điều tra thì vợ anh T. cũng bị phát hiện là lao động "chui" nên bị trục xuất về nước. Nhưng ngặt nỗi, thủ tục về nước của con dâu ông không đơn giản. Đám tang của chồng, con dâu ông cũng không về được. Ông Dũng bảo nghe đâu phải 2 tháng nữa con dâu mới được thả và trục xuất về nước.

Cuộc sống chông chênh đến bỏ mạng nơi xứ người khi đi lao động “chui” qua Trung Quốc - Ảnh 2.

Nhiều người đã bỏ mạng nơi xứ người khi liều mình vượt biên đi lao động chui

1 trong 2 người Việt bị đánh tử vong tại Trung Quốc vừa qua còn có anh Đ.V.N. (xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương). Hỏi về cuộc vượt biên trái phép để đi lao động xứ người của chồng, chị Nguyễn Thị Bình - vợ anh N. - khóc nức nở. Vốn anh N. không có công việc ổn định, ai thuê gì làm nấy nên dù chị chăm chỉ bán cá, buôn hoa quả nhưng tiền lời lãi chả được là bao. Cũng vì "cơm áo gạo tiền", muốn thoát khỏi cái nghèo cứ bám đeo gia đình mình nên năm 2018, chị cùng chồng đã sang Trung Quốc làm ăn và năm 2019 thì đưa con gái sang cùng.

"Sang Trung Quốc, cả gia đình tôi làm "chui" trong một xưởng giày dép. Vì là lao động bất hợp pháp nên không ai dám đi đâu ra ngoài, chỉ đi làm ở xưởng rồi lại trở về nhà. Lương cũng không cao hơn bên Việt Nam là bao. Ở bên đấy rất đông người Việt. Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao chồng mình lại phải chết" - chị Bình than thở.

Còn với chị Phan Thị Hằng (xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), dù chồng chị là anh L.V.Đ. đã ra đi nhiều năm nay nhưng chị vẫn chưa nguôi ngoai về cái chết của chồng. Anh Đ. mất khi đang lao động "chui" trong một xưởng cưa ở Trung Quốc.

Chị Hằng cho biết: "Khoảng mươi năm trở lại đây, ở vùng biển nghèo này có "mốt" sang Trung Quốc làm ăn. Thanh niên ở đây cố gắng vượt biên để được vào làm việc tại các xưởng cưa, lò gạch, xưởng quét keo giày dép. Nhưng ai ngờ rằng, sang xứ người chưa được bao lâu, nhiều thanh niên đã phải bỏ mạng. Trong một thời gian ngắn, tại Minh Lộc đã có 3 người chết tại Trung Quốc đều không rõ nguyên nhân".

Chị Hằng tiếp lời, ngày chồng chị mới đi được 4 tháng, anh còn chưa dành dụm được tiền gửi về cho gia đình trang trải cuộc sống thì chị đã nhận tin anh tử vong. Do là lao động bất hợp pháp nên anh không được quyền bảo hộ công dân. Khi chồng tử vong, chị Hằng đã phải chạy vạy khắp nơi mới có được khoản tiền hàng trăm triệu đồng sang Trung Quốc đưa thi thể của chồng về nước.

Cuộc sống chông chênh đến bỏ mạng nơi xứ người khi đi lao động “chui” qua Trung Quốc - Ảnh 3.

Chị Bình đau đớn khi chồng bị nhóm người Việt đánh đến tử vong tại Trung Quốc

Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc ở xã Quảng Nham, Quảng Thạch (huyện Quảng Xương) đã diễn ra từ những năm 2011 và nở rộ vào những năm 2014-2015. Lúc cao điểm, có hàng trăm lao động ở đây sang Trung Quốc làm "chui". Hiện tại xã Quảng Thạch còn khoảng hơn 20 người và Quảng Nham còn 43 người đang lao động bất hợp pháp bên Trung Quốc.

Trao đổi với PV, ông Phạm Hồng Thái - Trưởng Công an xã Quảng Nham - cho biết: "Những năm trước, người dân ở xã Quảng Nham đổ xô đi lao động trái phép bên Trung Quốc là do họ không có công việc ổn định. Hơn nữa, bên Trung Quốc họ không cần lao động phải qua đào tạo, không cần phải có trình độ hay độ tuổi nên nhiều người đã bất chấp đánh cược số phận để sang bên đấy. Vừa rồi, tại địa phương có anh Đ.V.N. bị tử vong khi lao động trái phép bên Trung Quốc nhưng là lao động bất hợp pháp nên phải gần 1 tháng sau, gia đình mới làm xong thủ tục để đưa anh N. về".

Được biết toàn huyện Quảng Xương theo thống kê của lực lượng chức năng có tới hơn 150 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Trong khi đó, theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 3.448 người đang lao động bất hợp pháp ở nhiều nước. Riêng lao động trái phép bên Trung Quốc nhiều nhất là vào năm 2015, khoảng 13.000 người. Hiện chỉ còn hơn 1.000 người.

Bên cạnh đó, có khoảng 1.351 người đang lao động tại châu Âu. Con số này cơ quan chức năng cũng chưa xác định được bất hợp pháp hay không, do có thể những người này được người thân bảo lãnh.

Theo công an Thanh Hóa, 1 con số đáng báo động là trong số hàng nghìn người lao động bất hợp pháp tại nước ngoài thời gian qua, có 43 trường hợp chết, mất tích khi đang lao động chui. Nhiều trường hợp bị bắt và xét xử ở nước ngoài. 2.751 trường hợp bị bắt, trục xuất và trao trả về nước.

Từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức ngăn chặn 38 vụ với 382 người có ý định xuất cảnh đi lao động trái phép, phát hiện 108 đối tượng nghi vấn môi giới, tổ chức đưa người đi lao động trái phép, khởi tố 14 đối tượng về hành vi "tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái pháp luật".

Ngày 5/11, nguồn tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết mới đây, qua nắm bắt tình hình, các phòng ban chuyên môn của Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện trên địa bàn có 2 người dân bị đánh tử vong tại Trung Quốc.

Theo đó, 2 người dân bị đánh tử vong là anh H.V.T. (SN 1991, ngụ xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) và anh Đ.V.N. (SN 1972, ngụ xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương).

Qua nắm tình hình, cơ quan công an xác định anh T. và anh N. qua Trung Quốc lao động chui tại tỉnh Quảng Đông từ đầu năm 2019.

Vừa qua, do có mâu thuẫn với một nhóm người ở TP Hải Phòng và Thanh Hóa tại nơi lao động nên anh T. và anh N. đã bị nhóm này đánh tử vong.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an Trung Quốc đã bắt giữ 3 nghi phạm, trong đó có 1 người quê huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) để điều tra xử lý.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày