Nick Út đã trở thành nhiếp ảnh gia gốc Việt đầu tiên đoạt giải báo chí thế giới Pulitzer năm 1973 qua bức ảnh “Em bé Napalm”.
Sau đúng 50 năm, nhiếp ảnh gia và nhân vật trong ảnh mới có cuộc hội ngộ tại Trảng Bàng và cùng nhau làm một số hoạt động thiện nguyện.
Cuộc gặp chỉ 2 giờ mà phải đợi 50 năm
Sau khi chụp ảnh và cứu sống cô bé khỏi chết bỏng vì bom napalm, Kim Phúc đã coi Nick Út là ân nhân. Nick Út sống tại Mỹ, còn Kim Phúc sống tại Canada, hai người đã có nhiều dịp gặp nhau ở nước ngoài, nhưng mãi tới năm 2022, nhân kỷ niệm 50 năm ra đời bức ảnh huyền thoại, hai người mới có dịp hội ngộ tại Trảng Bàng, nơi ra đời bức ảnh huyền thoại “Em bé Napalm”.
Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951 tại Long An. Ông có anh trai là Huỳnh Thanh Mỹ - cũng là một phóng viên chiến trường cho hãng AP. Khi anh trai qua đời, Nick Út được hãng AP nhận vào làm việc.
Chiến tranh kết thúc, Nick Út sang Mỹ định cư và làm phóng viên của hãng AP tại Los Angeles, theo dõi tin tức từ động đất, cháy rừng cho đến thể thao, ngôi sao điện ảnh. Tháng 1/2021, Nick Út được Tổng thống Donald Trump trao Huân chương nghệ thuật quốc gia.
Nghỉ hưu năm 2017, đến nay Nick Út vẫn thường mang theo máy ảnh bên mình để sáng tác về cuộc sống, thiên nhiên.
50 năm sau bức ảnh gây chấn động thế giới, ở tuổi 59, Kim Phúc đang sinh sống tại Canada với chồng và 2 con trai, 4 cháu nội. Bà cảm thấy “may mắn” khi là “Em bé Napalm” trong bức ảnh, dù phải sống với những vết sẹo lớn và cơn đau kéo dài khi phải trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật lớn nhỏ trong nhiều năm.
Vợ chồng Kim Phúc trong vòng vây của các phóng viên quốc tế và họ hàng ở Trảng Bàng
Nick Út và Kim Phúc trở lại Trảng Bàng cùng nhiều du khách và phóng viên nước ngoài. Họ thăm lại người thân, địa điểm khi xưa, nơi cô bé Phan Thị Kim Phúc bị bỏng bom napalm và được Nick Út đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Nick Út cho biết, sau 50 năm, anh trai và em họ của Kim Phúc, hai nhân vật trong bức ảnh đã qua đời. Trong cuộc thăm viếng họ hàng lần này, Kim Phúc được gặp lại bà Hồ Thị Bổn, người chị họ của Kim Phúc, cũng là nhân vật trong bức ảnh huyền thoại này, nay đang bán nước giải khát gần Thánh Thất Trảng Bàng.
Sẽ ra mắt sách ảnh về Hà Nội
Sau cuộc hội ngộ với Kim Phúc tại Trảng Bàng, Nick Út đã xuôi ra Hà Nội và ông có gần 1 tháng trời lang thang khắp phố phường Hà Nội và chụp rất nhiều bức ảnh đẹp. Ông khoe với tôi rất nhiều bức ảnh chụp Hồ Gươm, nơi sáng nào ông cũng thích dậy sớm ra đó ngắm người dân Hà Nội tập thể dục và Tháp Rùa mờ sương. Những bức ảnh chụp về Hà Nội của ông cũng đã được đăng trên báo chí thế giới ở chuyên mục Phong cảnh.
Trên đường từ Nam ra Bắc, ông đã đi qua Huế, Đà Nẵng, cũng như đã tới miền Tây, Châu Đốc và chụp được nhiều bức ảnh đẹp, nhưng ông vẫn mê đắm Hà Nội và dự định sang năm sẽ ra một cuốn sách ảnh về Hà Nội với tên gọi “ Hà Nội trong mắt tôi”.
“Cuộc gặp này rất có ý nghĩa vì đây là lần đầu tiên sau 50 năm, hai nhân vật chính làm nên bức ảnh huyền thoại mới được gặp lại nhau tại nơi bức ảnh ra đời. Buổi gặp gỡ tại Trảng Bàng diễn ra chỉ 2 giờ nhưng phải đợi đến 50 năm”, Nick Út xúc động nói.
Nick Út và Kim Phúc trên du thuyền Pháp sang Việt Nam
Sau buổi gặp mặt, Kim Phúc và chồng ở lại Trảng Bàng thăm gia đình rồi bà, hiện vẫn là "Đại sứ hòa bình" của UNESCO lại bay đi Ba Lan dự buổi nói chuyện vận động giúp đỡ những người tị nạn Ukraine. Tháng 3 sang năm, hai người sẽ lại trở về Việt Nam theo lời mời của một hãng tàu du lịch Pháp.
Nhân dịp này, hai người đã có chuyến ra thăm Hà Nội và có cuộc trao đổi thú vị tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Nick Út đã tặng một số kỷ vật quý cho bảo tàng như các bức ảnh chụp về chiến tranh Việt Nam và chiếc bi-đông ông đã dùng để dội nước lên người và cứu sống Kim Phúc 50 năm trước.
Trước đó, Nick Út và vợ chồng Kim Phúc đã tới khai trương thư viện mang tên Kim Phúc- Nick Út tại trường tiểu học Đức Tân, Quảng Ngãi. Thư viện này do Tổ chức dự án thư viện Việt Nam được các cựu binh Mỹ quyên góp và một phần đóng góp của Nick Út, Kim Phúc.
Ký ức ám ảnh mãi khôn nguôi
Qua 50 năm, Nick Út vẫn chưa hết ám ảnh khi nhắc lại thời khắc chụp bức ảnh. Ở tuổi ngoài 20, là phóng viên chiến trường của hãng AP, khi tác nghiệp sau trận bom, ông gặp cô bé với thân thể đang cháy, vừa chạy vừa khóc. Ông đã bế cô bé đến bệnh viện để cấp cứu. Hình ảnh Kim Phúc 9 tuổi khiến nhiếp ảnh gia Nick Út vẫn nhớ mãi, khi bấm máy ông đã khóc vì muốn cứu giúp cô bé.
Khi Nick Út đưa Kim Phúc đến bệnh viện ở Củ Chi (TPHCM) nhưng y tá và bác sĩ ở đây đã từ chối tiếp nhận vì quá tải và nguồn thuốc cạn kiệt. Họ đề nghị ông đưa cô bé về bệnh viện Nhi ở Sài Gòn. Nhưng từ Củ Chi về đến Sài Gòn phải chạy xe hết cả tiếng đồng hồ, nên ông sợ cô bé sẽ chết. Lúc đó, Nick Út đã mang thẻ nhà báo ra và nói rằng ông là phóng viên của hãng AP, nếu bác sĩ không chữa thì sự việc này sẽ lên tất cả trang nhất của báo quốc tế ngày mai. Lúc đó, họ mới hốt hoảng cứu chữa.
“Thời điểm đó, mọi người đã bỏ đi hết, tôi không dám bỏ đi vì nhìn thấy 2 chị em Kim Phúc đứng trên quốc lộ khóc thảm thiết. Thực sự, tôi không bỏ đi được. Ngay sau đó, tôi đã tưới nước lên lớp da bị bỏng của Kim Phúc và bế cháu lên xe. Nhìn lớp da bị cháy của Phúc, tôi nghĩ cháu sẽ chết”, Nick Út kể lại.
Ông chia sẻ, nhiều người nói với ông rằng, việc người chụp ảnh cứu nhân vật trong ảnh là hy hữu vì thông thường khi chụp ảnh xong là người chụp bỏ đi. Chẳng hạn như bức ảnh cậu bé Sudan bị chết đói, nhiếp ảnh gia không ngờ sau đó bức ảnh đoạt giải báo chí Pulitzer, nhưng ông cũng bị chỉ trích nhiều về việc vì sao không cứu đứa bé và bản thân ông cũng bị ám ảnh bởi hình ảnh đó và đã tự kết liễu cuộc đời mình.