Cuộc chiến với SARS-CoV-2 của nhân viên y tế: Điều ít người biết về những bộ quần áo chống dịch

PGS. Nguyễn Huy Nga, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 11:36 21/05/2021
Chia sẻ

Đại dịch Covid-19 không những gây ra hậu quả nặng nề về sức khỏe và tính mạng người dân trong cộng đồng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe những nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch.

Đây là những người tiếp xúc trực tiếp với virus SARS-CoV-2, ngoài nguy cơ phơi nhiễm, họ còn chịu đựng sự nóng bức khó chịu trong những bộ quần áo và khẩu trang phòng chống dịch ở điều kiện nắng nóng của thời tiết nhiệt đới.

Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã có nhiều trường hợp nhân viên y tế bị kiệt sức, ngất xỉu và thậm chí tử vong khi đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch mà gần đây nhất là vào ngày 12/5/2021, 3 nữ điều dưỡng đã bị kiệt sức ngất xỉu khi đang lấy mẫu cho nhân dân trong vùng dịch tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Nguyên nhân được xác định là ngoài gánh nặng tâm lý khi làm việc liên tục căng thẳng nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, nhân viên y tế còn phải chịu sự nóng bức bên trong bộ đồ phòng chống dịch mà họ phải mặc trong suốt ca làm việc.

Cuộc chiến với SARS-CoV-2 của nhân viên y tế: Điều ít người biết về những bộ quần áo chống dịch - Ảnh 1.

Nhân viên y tế bị ngất

Bộ trang phục phòng chống dịch dùng một lần cho nhân viên y tế được may bằng loại vải không dệt làm từ sợi tổng hợp Polypropylene. Vải không dệt (Non - woven fabric) được đặt tên dựa theo quy trình sản xuất đặc biệt của chúng.

Loại vải này không được tạo ra bằng phương pháp dệt thoi hay dệt kim thông thường mà được tổng hợp từ các hạt Polypropylene (nhựa tổng hợp).

Các hạt này được nung nóng chảy dưới nhiệt độ cao và kéo thành sợi. Những sợi tổng hợp sau đó được đem đi đục màng, sử dụng dung môi hóa chất hoặc các máy cơ khí nhiệt học để liên kết lại với nhau tạo thành những tấm vải nhẹ và xốp.

Do hệ số dẫn nhiệt của vật liệu nylon là rất nhỏ, nên khả năng trao đổi nhiệt của bộ quần áo này là rất thấp, không khí bên trong bộ quần áo chống dịch hầu như không di chuyển và liên thông với bên ngoài, đồng thời nó ngăn cản quá trình bốc hơi mồ hôi làm ảnh hưởng đến sự giảm nhiệt bề mặt da.

Cộng thêm stress khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân càng làm tăng quá trình sinh nhiệt, kết quả là người mặc bộ đồ chống dịch làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao của môi trường nắng nóng ẩm thấp, nhiệt độ bề mặt da sẽ tăng cao hơn so với bình thường, dẫn đến tăng thân nhiệt và cảm giác nóng bức khó chịu.

Thời gian mặc càng lâu cảm giác này càng nặng nề hơn, có thể dẫn đến hiện tượng ngất xỉu do say nóng.

Để phòng tránh các tác hại trên, nhân viên y tế khi làm việc trong những trang phục phòng chống dịch cần lưu ý: bố trí nhiều nhân lực hơn để thay đổi nhau trong ca làm việc nhất là khi chống dịch ngoài trời (đến ổ dịch để lấy mẫu, xử lý ổ dịch, điều tra truy vết ca lây nhiễm trong cộng đồng).

Không để một người làm việc suốt trong thời gian dài mà phải có sự luân phiên thay đổi. Hạn chế thời gian mặc và làm việc liên tục, sắp xếp thời gian nghỉ giải lao hợp lý, khi giải lao nên vào khu vực thoáng mát, thông gió tốt.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày