Tưởng tượng bạn đang ngồi quán nét. Bạn nghe thấy tiếng đổ chuông từ điện thoại ai đó bỏ quên. Họ nhờ bạn mang dùm điện thoại về, họ sẽ trả tiền cám ơn. Vì tốt bụng, bạn mang điện thoại đến trả. Cô gái đang tắm nên bạn để điện thoại lại lên giường rồi rời đi.
Sáng hôm sau công an xộc vào nhà khi bạn đang ngủ. Bạn bị buộc tội cưỡng hiếp hai lần và đâm 31 nhát dao vào một cô gái chưa đủ 18 tuổi. Con dao gây án chưa khô hết máu ở ngay trong tay bạn, dấu vân tay ở đầy hiện trường, và ADN thì trong tinh dịch và phủ đầy lên nạn nhân. Camera ghi lại hình ảnh bạn đã vào trong nhà cô gái.
Dù có kêu gào mình vô tội thế nào, dù mẹ bạn có khóc hết nước mắt, đơn độc kêu gọi tìm sự giúp đỡ, thì bạn vẫn bị kết án, bị dư luận phẫn nộ và toàn đất nước kêu gọi hãy thiến bạn đi.
Đây là 20 phút mở đầu của phim điện ảnh ăn khách nhất tháng 2 vừa qua của Hàn Quốc: Thành Phố Ảo (Fabricated City). Tác phẩm này thuộc thể loại hành động viễn tưởng, là một quá trình gay cấn tìm ra sự thật của một chàng trai bị đổ án oan đầy tuyệt vọng, 20 phút mở đầu này, gợi nên một cảm giác vô cùng gần gũi, khi xung quanh chúng ta đang sục sôi những vụ án hết sức chấn động và thương tâm.
Ngay lúc này, ranh giới giữa phim và thế giới thực khá mong manh. Cả trên phim lẫn ngoài đời, tất cả đều phẫn nộ. Điều đó được thể hiện qua những bình luận nóng sục sôi: "Chết đi", "thiến đi", "súc sinh"… ngập tràn newsfeed. Ai ai cũng sốt ruột nóng lòng muốn tội ác phải trả giá và không ai có thể kiên nhẫn mà chỉ muốn tự tay mình ra tay với kẻ thủ ác cho hả nỗi căm phẫn.
Đâu đó, tôi đã thấy xuất hiện nhiều người ước rằng mình có Death Note – quyển sổ tử thần trong tay; để có thể bắt kẻ phạm tội phải trả giá trước những kẽ hở của luật pháp cũng như sự thụ động thiếu chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Cái hay nhất của phim ảnh, tiểu thuyết; là đặt ra cho chúng ta những câu hỏi nếu như.
Death Note – Quyển Sổ Tử Thần và Thành Phố Ảo là 2 câu chuyện đối lập song song về công lý và kẽ hở của pháp luật. Nếu như trong Death Note, không ít tội phạm và hung thủ dùng lỗ hổng luật pháp né tránh được hình phạt, bất chấp những nỗi đau của nạn nhân và sự giận dữ của công luận. Sự bất mãn và bất lực trước tình hình đó đã khiến một thiên tài cảnh sát sử dụng quyển sổ thần chết để thay trời hành đạo, trừ khử tất cả tội phạm không thể bị kết tội.
Mâu thuẫn chính của Death Note là câu hỏi: Kira - chủ nhân quyển sổ thần chết là đấng cứu thế cho một xã hội không còn tội ác, hay cũng chỉ là một kẻ sát nhân hàng loạt máu lạnh? Nếu tồn tại trong thế giới của Death Note, có lẽ tim của chàng trai đáng thương Kwon Yoo (Ji Chang Wook) trong thế giới ảo đã ngừng đập chỉ 40s sau khi bị lộ mặt và họ tên trên truyền hình.
Nếu như câu chuyện ấy diễn ra thật ngoài xã hội, những nỗi đau và tổn thương oan trái chúng ta gây ra sẽ nặng nề chẳng kém gì. Mới gần đây, trên mạng chúng ta share rất nhiều hình ảnh của 3 nghi phạm 3 vụ tấn công tình dục, để rồi một tuần muộn màng sau đó, chúng ta biết được rằng 1 người trong số đó hoàn toàn không liên quan và đã bị bêu rếu, nguyền rủa một cách vô cớ.
Chúng ta có quyền phẫn nộ và chúng ta nên phẫn nộ.
Cơn phẫn nộ của chúng ta nên dành cho hành vi, cho tội ác; thay vì để hành hạ cá nhân và gây tổn thương người khác. Để bảo vệ người vô tội, để tìm ra biện pháp không cho hành vi độc ác có cơ hội được tái diễn.
Cơn thịnh nộ của toàn dân là điều quan trọng nhất? Hay cần chắc chắn 100% kẻ ác thật sự phải bị trả giá, không một ai vô tội phải chịu tổn thương mới là điều tối thượng?
Điều kinh khủng hơn cả tội ác là nó được tiếp nối bằng một tội ác khác, là thủ phạm thật sự nhởn nhơ trong khi người vô tội khác lại gánh chịu mất mát.
Đó là lý do mà pháp luật và cơ quan điều tra tồn tại, để đi đến tận cùng của sự thật, dưới sự giám sát và giúp đỡ không ngừng của xã hội. Để chắc chắn rằng sau một tội ác cần kết tội đúng người, đúng tội và không có oan ức.
Death Note đã kết lại bằng một câu nói đáng suy ngẫm thế này: "Luật pháp không hoàn hảo, nhưng luật pháp là bằng chứng cho sự đấu tranh của con người chống lại cái ác, cái xấu".
Lược bỏ đi pháp luật, quá trình điều tra, bằng chứng… tất cả những gì được văn minh loài người xây dựng và hoàn thiện trong suốt quá trình tồn tại; chúng ta chỉ còn lại sự thịnh nộ thiếu tỉnh táo, thiếu khách quan. Đám đông sẽ vội vã kết án, vội vã làm những hành động bộc phát để thỏa mãn cơn thịnh nộ của mình và chỉ phát hiện ra sai sót khi đã quá trễ.
Cuộc chiến chống cái ác, tìm lại công lý là cuộc chiến bất tận của cả nhân loại. Cuộc chiến đó không bao giờ có thể đi đến đoạn kết bằng một ai đó có quyền lực vô hạn bên trên luật pháp thay trời hành đạo.
Nếu thực sự giận dữ trước tội ác, hãy dùng sự phẫn nộ đó để hoàn thiện pháp luật, hỗ trợ điều tra và bảo vệ người vô tội không cho tội ác có thể xảy ra. Khi đó bạn sẽ là một chiến binh tiếp nối quá trình chống cái ác đã và đang được xây dựng suốt chiều dài lịch sử loài người, chứ không phải bằng sự đả kích và mong muốn ai đó chết đi.