Thời đại xã hội ngày càng phát triển, người trẻ ngày càng đề cao giá trị của ước mơ. Họ đặt ra những mục tiêu lớn, nhỏ để từng bước thực hiện hóa đam mê, hướng tới tương lai "hoành tráng". Thế nhưng, cũng có những người, chỉ mang trong mình ước mơ nhỏ hoặc không có ước mơ. Họ tự ti và áp lực bởi mọi người xung quanh luôn đề cao hai chữ đam mê lên hàng đầu.
Trong tập 7 GenZ Khôn(G) Lớn với chủ đề "Có tệ không nếu chưa có ước mơ?" khách mời Hà Chu (co-founder của Cooked Marketing School đồng thời là người từng tư vấn, đứng sau nhiều chiến dịch truyền thông cho các nhãn hàng F&B) sẽ cùng chúng ta tìm hiểu ước mơ là gì, và cùng nhau thấu hiểu việc không có ước mơ cũng chẳng sao, quan trọng là toàn tâm toàn ý.
Ngay từ nhỏ, chị Hà Chu, gương mặt có sức ảnh hưởng trong ngành Marketing và F&B đã may mắn tìm được ước mơ của mình. Chỉ từ một đoạn quảng cáo hay xem trên TV, chị phát hiện ra ước mơ đầu tiên - 'ước mơ công việc' là được làm trong ngành marketing, sản xuất nội dung, làm quảng cáo,...
Ngoài ra, từ thói quen đọc truyện tranh, những câu chuyện có tính nhân văn, đề cao thiệt ác đã khiến cô bé Hà Chu năm đó liên tưởng đến cuộc sống của mình sau này. Từ đó, chị tìm thấy được 'ước mơ cuộc sống' của mình là hướng tới hạnh phúc.
Có thể thấy, từ suy nghĩ đơn giản ngày bé, cả hai ước mơ công việc và của sống của chị đã trở thành hiện thực. Sau 12 năm gắn bó với công việc, chị Hà Chu còn tìm thấy đam mê khác đó là làm giáo dục, lý do ra đời của Cooked Marketing School.
Tuy đạt được thành tựu khiến nhiều người mơ ước, nhưng với Hà Chu, chị không quá đặt nặng việc phải xây dựng một ước mơ to lớn hay xa vời. "Đôi khi không cần phải có mục tiêu dài hạn bởi vì cứ làm rồi mục tiêu sẽ tự tìm đến.", chị thổ lộ.
Chia sẻ với chương trình, chị nói rằng: "Mình không có mục tiêu dài hạn gì cho công việc cả, nên mình bắt đầu mọi việc rất ngẫu hứng. Trong quá trình làm mình lại nhìn thấy một mục tiêu mới, lúc đấy mình sẽ quyết định chọn mục tiêu đó để thực hiện".
Đừng để ước mơ dài hạn trói buộc bản thân
Khi nhắc đến ước mơ, nhiều người nói rằng "Nếu không có ước mơ hay mục tiêu dài hạn thì lấy cái gì để làm động lực để tiến lên?".
Giải đáp thắc mắc này, chị Hà Chu đồng ý với quan điểm "Phải có những ước mơ, mục tiêu dài hạn để làm động lực tiến lên", thế nhưng đôi khi cần tập trung cho cái ngắn hạn trước tiên, hãy cứ thử và sai và đừng để bị bó buộc bởi ước mơ xa vời.
"Mình không thường nghĩ nhiều đến mục tiêu dài hạn, mình thường nghĩ về các mục tiêu trước mắt. Bây giờ mình có kế hoạch cho 2 năm tới (khoảng tầm 2 năm 1 lần). Nhưng theo tuổi tác và theo mỗi một năm thì kế hoạch của mình lại dài ra. Trước đấy mình chỉ đặt kế hoạch khoảnh tầm 3 tháng một lần - 3 tháng tới mình sẽ như thế nào, 6 tháng, 1 năm mình sẽ ra sao, cứ thế dài dần kế hoạch ra.", chị nói về kế hoạch cho mục tiêu ngắn hạn mình đặt ra.
Với chị, người trẻ nên làm tất cả mọi thứ có thể, cứ vượt ra khỏi vùng an toàn vì đến một thời điểm bản thân sẽ không còn không gian, thời gian để tự do vượt lên nữa. Đến lúc đấy mới tính đến ước mơ lâu dài.
Như MC Khánh Vy, cô nàng từng có cùng lúc 2 ước mơ là làm ca sĩ và dẫn chương trình. Đã từng thử cả hai và gặp nhiều ý kiến trái chiều nhưng sau thất bại Vy nhận ra rằng, mình vẫn đam mê và quyết tâm gắn bó với nghề MC. Vậy mới thấy, hãy cứ thử và vấp ngã, rồi bạn sẽ tìm thấy đam mê đúng với mình.
Thời điểm thất bại là thời điểm mình biết bản thân đam mê cái gì
Đương nhiên, trong hành trình thực hiện hóa ước mơ ai chẳng một lần gặp thất bại. Do làm trong ngành marketing, công việc của chị Hà Chu ít nhiều liên quan đến sáng tạo nội dung, sẽ có những lúc gặp phải khách hàng và người xem không yêu thích sản phẩm. Với chị, đó gọi là ‘thất bại hằng ngày’ những việc thường gặp phải. Bên cạnh đó có có kiểu thất bại lớn hơn là gặp thử thách trong cách làm việc, trao đổi với đối tác. Tuy nhiên, chỉ có vượt qua thất bại bạn mới biết bản thân muốn gì.
"Những lúc gặp chướng ngại vật, có những thất bạn khiến bạn muốn sửa nhưng cũng có nhưng thất bại làm bạn muốn từ bỏ. Từ việc đó có thể suy ra, thời điểm bạn bất chấp khó khăn mà chiến đấu là thời điểm bạn biết mình muốn và đam mê cái gì.", chị chia sẻ.
Tách bạch ước mơ trong công việc và ước mơ trong cuộc sống
Có nhiều trường hợp, các bạn trẻ mang trong mình rất nhiều đam mê và mong muốn thực hiện hết cho bằng được. Điều này gọi nôm na là "đứng núi này trông núi nọ".
Bất ngờ thay chị Hà Chu cũng thế, không những "trông núi nọ" mà chị còn bước hẳn một chân vào đó. Từ việc làm marketing, chị Hà hướng bản thân đến làm sáng tạo nội dung từ đó phát triển thêm mảng giáo dục, thời trang, phát hành podcast,...
Thế nhưng, thử nhiều cái, làm nhiều việc đã giúp chị đúc kết một kinh nghiệm rằng, mình nên toàn tâm toàn ý với thứ mình yêu thích nhất: "Sau khi thử nhiều việc, mình học được những bài học nhất định là 1 ngày chỉ có 24 tiếng, mình không nên đặt chân vào những thứ mình không toàn tâm toàn ý với nó. Như thế không công bằng với mình và cả công việc đó. Mình có thể làm ít thứ hơn, nhưng mình rất toàn tâm toàn ý với nó thì mình mới đi xa được."
Mơ mộng quá mình sẽ thiếu thực tế, nhưng không mơ mộng mình sẽ rất khô khan, vì vậy cần biết điều hòa mong muốn của mình.
Không có ước mơ cũng không sao, quan trọng là toàn tâm toàn ý
Bên cạnh những người may mắn xác định được ước mơ từ sớm và biết vạch rõ kế hoạch để phát triển đam mê cũng có những người trẻ loay hoay không biết mục tiêu của mình là gì. Việc sống trong một môi trường quá đề cao ước mơ và đam mê, khiến họ cảm thấy tự ti và áp lực.
Nói về vấn đề này, chị Hà cho rằng ước mơ, đam mê đôi khi bị đề cao quá. Chuyện người có ước mơ và nhận ra được ước mơ đấy là may mắn. Thế nhưng, không phải ai trên đời cũng cần có ước mơ. Nó không phải là thứ bắt buộc.
"Nếu cứ ép ai đó phải có ước mơ trong công việc thì chuyện đó không công bằng.", chị nói.
Khánh Vy chia sẻ thêm về việc "Người ta cứ nghĩ rằng bản không có đam mê nên họ thất bại", nhưng với cô nàng điều này không hẳn đúng.
"Nếu như mình không có đam mê nhưng mình làm một công việc toàn tâm toàn ý và có kết quả nhất định thì nó mới khởi nguồn cho những đam mê sắp tới. Phải làm trước đã.", Vy thổ lộ.
Nói về đam mê của bản thân ở hiện tại, chị Hà Chu đã thay đổi lối tư duy và nhìn mọi thứ một cách bình tĩnh hơn. Chị nhận ra rằng mình biết được giờ này năm sau bản thân sẽ đầu tư thời gian cho giáo dục nhiều hơn và năm tới sẽ càng phát triển hơn nữa.
"Đam mê của mình đã trở thành những phần rất rõ ràng. Chứ không phải như ngày xưa, cứ đam mê là hùng hục 24 giờ một ngày cho nó.", chị nói.
Tạm kết
Việc không có ước mơ không có gì là sai, đôi khi người ta quá chú tâm việc mình phải có ước mơ và đam mê. Nhưng quan trọng hơn hết là hãy cứ sống và làm hết mình, cứ đặt tâm huyết bất kể việc đó là mục tiêu lớn hay mục tiêu nhỏ rồi bạn sẽ tìm được đích đến của mình.