Cùng chịu cảnh dư thừa nhưng khủng hoảng nhà ở tại Nhật Bản khác xa so với Trung Quốc: Nguyên nhân là gì?

Ngọc Linh, Theo Nhịp sống thị trường 10:46 26/03/2024
Chia sẻ

Ước tính cứ 8 ngôi nhà ở Nhật Bản thì có 1 căn bị bỏ hoang.

Cùng chịu cảnh dư thừa nhưng khủng hoảng nhà ở tại Nhật Bản khác xa so với Trung Quốc: Nguyên nhân là gì? - Ảnh 1.

Dân số già nua cùng tỷ lệ sinh giảm ở Nhật Bản khiến số lượng nhà bị bỏ hoang tăng lên nhanh chóng. Theo khảo sát của Bộ Nội vụ và Truyền thông, số lượng nhà không có người ở đã tăng 1,5 lần lên khoảng 8,49 triệu căn trong 20 năm tính đến năm 2018. Tức là, cứ 8 ngôi nhà tại Nhật Bản thì có 1 căn bị bỏ trống, và ước tính đến năm 2038, số lượng nhà trống sẽ tăng lên 23,03 triệu căn.

Một khảo sát tương tự cho thấy khoảng 90% số ngôi nhà bỏ trống lâu dài, không được sử dụng mà không bán hoặc cho thuê, là nhà dành cho một gia đình. Trong số đó, khoảng 70% được xây dựng trước năm 1980.

Khoảng 59% trong số ngôi nhà bỏ không này là tài sản thừa kế từ tổ tiên hoặc cha mẹ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có lý do xa nơi ở hiện tại, những người chủ hiện tại không quản lý được dẫn đến bỏ bê.

Ngoài ra, ưu đãi hiện nay về thuế tài sản đối với đất ở – giúp giảm tới 1/6 mức thuế, cũng khiến chủ sở hữu không dỡ bỏ nhà trống để giảm gánh nặng thuế.

Các biện pháp hạn chế nhà bỏ hoang

Những căn nhà trống được quản lí kém gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của cư dân và có thể dẫn đến suy giảm giá trị của nhà ở và khu vực lân cận.

Chính phủ Nhật Bản đã ban hành luật Biện pháp đặc biệt về nhà trống năm 2015 để giải quyết tình trạng này. Theo luật, chủ sở hữu của những căn nhà “có nguy cơ bị sập” phải phá bỏ hoặc sửa chữa. Chính phủ được ủy quyền thực thi việc phá dỡ và chủ sở hữu phải chịu chi phí nếu họ không tuân thủ.

Đối với “những ngôi nhà không có người ở từ lâu và trong tình trạng quản lý kém”, nếu tình hình không được cải thiện thì có thể xóa bỏ ưu đãi giảm thuế đối với những tài sản này.

Các công ty khởi nghiệp giải quyết những ngôi nhà trống

Nhiều công ty khởi nghiệp cũng đang giải quyết vô số vấn đề liên quan đến những ngôi nhà bị bỏ hoang. Ví dụ, Crassone cung cấp dịch vụ kết nối các cá nhân muốn xử lý nhà trống với các công ty phù hợp cùng 1.900 chuyên gia phá dỡ.

Họ cung cấp các dịch vụ toàn diện từ mô phỏng chi phí phá dỡ và định giá đất sau phá dỡ bằng AI cho đến các dịch vụ liên quan đến việc sử dụng đất sau phá dỡ. Ngoài ra, công ty còn hợp tác với 75 thành phố trên toàn quốc, góp phần loại bỏ và quản lý những ngôi nhà bị bỏ hoang mà các thành phố không thể tự xử lý.

Còn Renobank đặt mục tiêu hạn chế số lượng nhà trống gia tăng và khôi phục thị trường nhà ở cũ bằng cách cải tạo những căn không có người ở và biến chúng thành những ngôi nhà có thể ở được.

AGE Technologies thì giải quyết những vấn đề thừa kế. Bằng cách cung cấp dịch vụ web một cửa giúp hợp lý hóa quy trình phức tạp của thủ tục thừa kế bất động sản, công ty đang thúc đẩy việc thiết lập nền tảng đăng ký thừa kế đối với những ngôi nhà trống và quản lý chúng một cách phù hợp.

Hợp tác giải quyết nhà ở cũ

Vào tháng 9 năm 2023, 11 công ty và tổ chức trong các ngành bất động sản, tài chính, CNTT và các lĩnh vực khác đã cùng thành lập một tổ chức để giải quyết vấn đề nhà bỏ hoang. Thông qua phổ biến thông tin, khuyến nghị chính sách và trao đổi quan điểm, tổ chức này đặt mục tiêu tăng cường hợp tác công tư nhằm hạn chế số lượng nhà trống gia tăng.

Takashi Inoue, giám đốc điều hành của LIFULL kiêm chủ tịch tập đoàn, gợi ý rằng nếu khoảng 5 triệu trong số 8,5 triệu ngôi nhà trống ước tính được sử dụng, thì có thể tạo ra một thị trường trị giá khoảng 30 nghìn tỷ yên (khoảng 203 tỷ USD).

Trong bối cảnh giá bất động sản mới ngày càng tăng, nhu cầu về nhà cũ ngày càng tăng. Việc sử dụng hiệu quả những ngôi nhà bỏ không được kỳ vọng sẽ khơi dậy thị trường nhà ở cũ, góp phần đáng kể phát triển cộng đồng bền vững và sôi động.

Theo TheInprint

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày