Hải là con út trong gia đình nghèo khó có 4 anh chị em. Khi cậu vừa vài tháng tuổi, bố qua đời khi đi làm thợ xây, một mình mẹ Hải ở vậy nuôi các con khôn lớn. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh cả của Hải bỏ học để đi làm giúp đỡ mẹ nuôi các em ăn học.
Học hết Trung học, Hải thi đỗ vào một trường Cao đẳng ở Hà Nội. Hải vừa nhập học, đã làm nhiều ngành nghề để kiếm tiền tự trang trải cuộc sống sinh hoạt giữa thủ đô đắt đỏ. Vừa ra trường, trong lúc gửi hồ sơ xin việc đến các công ty tuyển dụng, Hải làm thuê cho một khách sạn và gặp gỡ, yêu đương với chị Trương Thị N (SN 1991, trú tại Yên Bái). Tình yêu ngọt ngào nhanh chóng kết thúc sau một thời gian ngắn.
Để có thêm thu nhập, Hải nhập lạp sườn ở quê xuống Hà Nội bán trên các trang mạng xã hội. Lúc đó, chị N đặt mua lạp sườn, trị giá 500 nghìn đồng. Tuy nhiên, dù Hải đã giao hàng nhưng chị N vẫn không có ý định trả tiền cho bạn trai cũ.
Sau nhiều lần hẹn trả không thành, Hải bực mình, rủ thêm hai người bạn là Phan Ngọc Dũng (SN 1995, trú tại huyện Tam Nông, Phú Thọ) và Lương Thành Phú (SN 1997, trú tại huyện Thường Xuân, Thanh Hoá) và một thanh niên khác đi uống rượu, sau đó đến nhà người yêu cũ để đòi tiền nợ.
Đến nơi, Hải, Dũng và Phú vào phòng trọ chị N và truy vấn về việc trả tiền. Hai bên xảy ra xô xát, người bạn cùng phòng với chị N gọi điện nhờ người đến trợ giúp thì bị Hải túm tóc, lôi ngược vào phòng. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, xô xát. Bị đánh đau, chị N trả cho Hải 600 nghìn đồng và đòi lại điện thoại, song Hải không trả mà đập nát điện thoại của chị N trước khi về.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Vừa qua, TAND quận Hoàng Mai đã đưa các bị cáo Phạm Xuân Hải, Phan Ngọc Dũng, Lương Thành Phú ra xét xử công khai về tội Cướp tài sản và Hủy hoại tài sản. Bị cáo Hải khai, do bị cáo nghĩ N cố tình quỵt tiền của bị cáo nên mới không kiềm chế được cảm xúc. “Trước đây, N nói dối bị cáo nhiều lần. Khi bán lạp sườn cho N, bị cáo đã cho N nợ nhưng N lại không có ý định trả. Nghĩ lại những lần lừa dối trước đây, bị cáo thực sự bức xúc”.
Đến dự phiên tòa xét xử của Hải không có bóng dáng người mẹ. Theo như người thân của bị cáo nói, mẹ bị cáo tuổi đã cao, lại quá sốc trước tin con trai phạm tội nên càng suy sụp, không thể đi một chuyến đường dài. Hải nghe thế, vô cùng ân hận.
Hai bị cáo tham gia cùng Hải trong vụ án “đòi nợ 500 nghìn đồng” này cũng đều là dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Dũng học hết lớp 10 thì nghỉ học, đi nghĩa vụ quân sự. Sau đó, Dũng xuống HN làm bảo vệ khách sạn, lương 3-4 triệu đồng/tháng. Bố mẹ Dũng bán con trâu đi để có tiền mua xe máy cho con đi làm. Nào ngờ, làm được 2 tháng thì Dũng “dính” án. Mẹ Dũng nức nở tại tòa: “Lần nào gặp mẹ, nó cũng nói: “Con sai rồi, con xin lỗi mẹ” nói rồi nó lại động viên tôi: “Con ở trong đây không khổ, bố mẹ cứ yên tâm” và ôm mặt khóc”.
Lỗi do quá nghèo là điều mà mẹ Phú nói với chúng tôi. Bà nói, Phú mất cha từ bé. “Thằng bé học giỏi, nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn, nên cháu phải nghỉ học đi làm thuê kiếm sống. Có lẽ nó tiếc 500 nghìn đồng cho bạn nên mới hùa vào đi đòi nợ như vậy”.
Tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh bào chữa cho các bị hạ cho rằng, bản chất hành vi phạm tội của các bị cáo là đi đòi tiền nợ bán hàng. Do người mua hàng quỵt nợ, lại có hành vi đánh lại bị cáo nên gây ra những bức xúc trong tâm lý bị cáo. “Mặc dù xét về hành vi, các bị cáo phạm tội Cướp tài sản. Tuy nhiên, xét về mức độ phạm tội là số tiền không lớn, bị hại cũng có lỗi, quá trình điều tra, các bị cáo thành khẩn khai báo và đã bồi thường cho bị hại với số tiền hơn 6 triệu đồng”. Luật sư bào chữa mong hội đồng xét xử xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo để phù hợp với quy định của pháp luật và thể hiện sự nhân đạo của pháp luật XHCN.
Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Phạm Xuân Hải 9 năm tù. Các bị cáo Phạm Ngọc Dũng và Lương Thành Phú chịu 7 năm tù về tội Cướp tài sản. Riêng Dũng phải chấp hành thêm 6 tháng tù về tội Hủy hoại tài sản.