35 tuổi đập vỡ "bát cơm sắt"
Tại Trung Quốc, "bát cơm sắt" là cụm từ chỉ công việc ở cơ quan nhà nước, được nhiều người ao ước vì tính ổn định.
Lý Vĩ là một viên chức làm công ăn lương trong suốt 10 năm. Có lẽ nằm mơ anh cũng không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành tài xế giao đồ ăn.
Lý Vĩ (hiện 41 tuổi) tốt nghiệp Đại học sư phạm Hoa Đông, chuyên ngành quản lý hệ thống thông tin. Sau khi ra trường, anh tìm được một công việc ổn định. Ban đầu, anh định gắn bó với công việc đó đến khi nghỉ hưu nhưng năm 2016, anh bị cho thôi việc vì thay đổi về nhân sự.
Khi đó, Lý Vĩ nhận được tiền trợ cấp thôi việc và rất lo lắng cho tương lai phía trước bởi anh còn phải nuôi gia đình. Hơn nữa, anh cảm thấy việc phải đi xin việc năm 35 tuổi thật đáng xấu hổ.
Sau 1 tháng nghỉ ngơi, anh dùng tiền tiết kiệm mở nhà hàng thịt nướng, thuê thêm 2 nhân viên. Một thời gian sau, công việc kinh doanh dần ổn định và số lượng đơn hàng ngày càng tăng lên. Trong một lần nói chuyện với các shipper, Lý Vĩ phát hiện ra thu nhập của họ không hề thấp.
Mở cửa hàng thịt nướng, mỗi tháng anh chỉ thu được 10.000 tệ, lại phải thức khuya dậy sớm, tính toán số liệu. Vì vậy, anh nghĩ đến việc chuyển sang làm shipper. Dù vậy, anh vẫn lo lắng bởi khi đó, ai cũng coi thường nghề giao đồ ăn.
"Tôi sợ bị hàng xóm chê cười vì làm shipper trong khi từng tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng", Lý Vĩ chia sẻ.
Cuối cùng, do áp lực cơm áo gạo tiền, anh quyết định dấn thân vào nghề này.
"Thời điểm đó, không ai lạc quan về việc làm shipper của tôi. Họ cho rằng tôi đã quen với việc ngồi trong văn phòng và sẽ không thích nghi được với công việc chân tay vất vả. Sếp cũ của tôi còn cá cược rằng tôi sẽ không thể trụ được quá 3 tháng", Lý Vĩ nhớ lại.
Như bao người khác, Lý Vĩ bắt đầu từ vị trí shipper thông thường. Tháng đầu tiên, anh kiếm được 6.900 tệ (khoảng 24,9 triệu đồng) sau đó tăng dần mỗi tháng.
Hành trình trở thành giám đốc
Năm 2017, Lý Vĩ kiếm được hơn 10.000 tệ/tháng (hơn 36 triệu đồng). Lúc này, anh bắt đầu suy nghĩ rằng mình có thể giao đồ ăn ở tuổi 35 nhưng sau 45 tuổi thì sao? Vì vậy, anh nảy ra ý định trở thành quản lý.
Cơ hội thăng tiến lên quản lý rất khó nhưng dịp Tết Nguyên đán năm 2018, Lý Vĩ đã nhanh tay chớp được thời cơ. Khi quản lý về quê nghỉ phép, anh chủ động xin đảm nhận vị trí "quản trị trang web" và đạt kết quả tốt. Đến tháng 3 cùng năm, một chi nhánh mới được mở ở quận Phổ Đà (Thượng Hải), Lý Vĩ được người quản lý nọ tiến cử làm người quản trị trang web của đơn vị mới.
Chân dung Lý Vĩ (Ảnh: Internet).
Kể từ đó, sự nghiệp của Lý Vĩ lên như diều gặp gió. Anh được đề bạt làm giám đốc khu vực năm 2019 rồi lên giám đốc thành phố của một dịch vụ giao đồ ăn ở Thượng Hải năm 2020. Hiện anh phụ trách mảng kinh doanh phân phối thực phẩm tại Thượng Hải, trực tiếp quản lý hơn 20 khu vực, nhận mức lương thưởng hàng năm lên tới 500.000 tệ (tương đương 1,8 tỷ đồng).
Sau khi câu chuyện của Lý Vĩ được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội ở Trung Quốc, nhiều người nhận xét rằng chính việc học đại học đã giúp anh có đầu óc hơn, nhạy bén hơn trong việc phát hiện, nắm bắt thời cơ và biến mong muốn của mình thành hiện thực.
Tuy nhiên, Lý Vĩ cũng chia sẻ thêm rằng các bạn trẻ mới ra trường có thể chọn nghề shipper để trải nghiệm nhưng vẫn nên tìm kiếm công việc phù hợp với trình độ của mình.
Nguồn: Sohu