Bước đi trên những đôi giày cao lênh khênh, việc các nữ người mẫu không may "vồ ếch" hay ngã trên sàn diễn quả không hiếm.
Tuy nhiên, đây được xem là nỗi ám ảnh với bất cứ cô gái nào khi vào nghề người mẫu. Bởi mỗi lần trình diễn trên sàn catwalk, những tai nạn không lường trước này luôn sẵn sàng đổ ập xuống họ dù ở đẳng cấp nào đi chăng nữa.
Mới đây thôi, siêu mẫu Ming Xi (Hề Mộng Dao) đã vừa phải trải qua cú ngã đau điếng tại sàn diễn Victoria's Secret. Được biết, sau cú ngã này, phần cổ chân của Ming Xi đã sưng khá lớn, và nhiều netizen cho rằng, cô đã bị trật khớp cổ chân.
Tình trạng cổ chân của Ming Xi hiện tại sưng khá to và tấy đỏ
Cần hiểu rằng, dù không có biểu hiện chi tiết nhưng chúng gây cảm giác đau ở vùng khớp cổ chân.
Khớp cổ chân tạo bởi 3 xương tibia, fibula, talus và được bao quanh bởi một hệ thống các dây chằng (ligaments).
Các dây chằng có nhiệm vụ giúp cổ chân hoạt động trong tư thế cân bằng, vững chắc. Nếu các dây chằng quanh khớp cổ chân bị rách, cổ chân sẽ kém vững, bàn chân sẽ có nguy cơ lệch ra ngoài hoặc vào trong, ít hay nhiều tùy vào mức độ tổn thương của dây chằng.
Đôi khi chỉ cần vấp nhẹ trẹo cổ chân thôi cũng đủ làm bạn bị gãy xương mắt cá hay toác khớp cổ chân nữa cơ.
Khi bị trẹo chân, tổn thương ở chân sẽ tiến triển qua các giai đoạn: Mở đầu là giai đoạn viêm tấy trong khoảng thời gian 72 giờ sau chấn thương. Lúc này, nước hoạt dịch và máu tụ sẽ ngấm vào dây chằng bao khớp, có khi tràn cả vào khe khớp.
Lý do là bởi quanh cổ chân cũng có nhiều tĩnh mạch nông lớn nên khi bị thương, các mạch máu này dễ bị vỡ, gây hiện tượng sưng phù, tím do ứ trệ máu trở về tim.
Trong 36 giờ đầu, cơ thể huy động các tế bào bạch cầu tập trung về nơi tổn thương, những chất như histamin, serotonin, prostaglandin đều được não chỉ đạo tiết ra gây nên tình trạng thoát máu ngoài mạch, làm phù nề và gây đau nhức vùng tổn thương.
Sau khoảng vài ngày, vết thương hết sưng nề, xuất hiện các mạch máu mới, các sợi collagen non.
Trong vòng 4 - 6 tuần sau đó, các sợi collagen này gia tăng kích thước và độ bền để đến cuối giai đoạn sẽ đạt được độ đàn hồi như dây chằng khi chưa bị đứt. Ở giai đoạn này, nếu hoạt động mạnh khiến khớp phải vận động nặng có thể làm đứt lại dây chằng mới liền.
Theo các chuyên gia, ngay sau khi bị trẹo chân, bạn cần chườm đá hoặc ngâm chân trong nước lạnh trong 10-15 phút lên chỗ bị đau để làm dịu và giảm sưng. Sau đó nên đến cơ sở y tế để xác định mức độ nặng, nhẹ của bệnh: chụp Xquang cổ chân xem có rạn xương, mẻ xương không... để có cách xử lý đúng.
Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế tối đa đi lại, ngủ kê chân cao. Sau khoảng 4 tuần (tùy trường hợp bệnh nặng, nhẹ), tổn thương dây chằng sẽ hồi phục hoàn toàn, bạn có thể đi lại được như bình thường.
Mặc dù không phải là bệnh nặng nhưng bạn cũng cần cẩn trọng bởi nếu không biết cách chữa trị sẽ để lại các hệ lụy như: không thể chơi các môn thể thao, đi đứng khó khăn…
Đặc biệt, ảnh hưởng lớn hơn là sụn viền và bao khớp sẽ bị hư hại nhiều hơn nếu bị tổn thương lại, có nguy có gây thoái hóa khớp.