2 bàn thắng vào lưới đội tuyển Việt Nam và 2 bàn nữa trước Indonesia, "Messi Thái" Chanathip Songkrasin không chỉ mở toang cánh cửa vô địch cho đội nhà mà còn nhận được sự khâm phục đến từ CĐV toàn Đông Nam Á. Trên đất Singapore, tiền vệ 28 tuổi đã gạt phăng mọi nghi ngờ và khẳng định vị thế ngôi sao số một khu vực lúc này.
"Chanathip lại ngã rồi!", một BLV Thái Lan thét lên đầy bức xúc. Đó là một tình huống kéo áo đầy lộ liễu và mang tính trút giận của ngôi sao người Slovakia Robert Mak với Chanathip. Không biết là lần thứ bao nhiêu trong trận chung kết King's Cup 2018, "Messi Thái" bị những cầu thủ đến từ châu Âu phạm lỗi.
Robert Mak phạm lỗi với Chanathip
Slovakia thời điểm đó là đội tuyển có "số má" tại châu Âu. Họ lọt tới vòng 1/8 Euro 2016 và khiến những đối thủ danh tiếng như Anh, Đức hay Hà Lan cũng phải vất vả. Còn Robert Mak là ngôi sao của bóng đá Slovakia trưởng thành từ lò đào tạo Man City.
Trận đấu hôm ấy, Slovakia không cần dùng 100% sức lực vẫn có thể đánh bại Thái Lan. Nhưng chỉ riêng Chanathip là nhân tố khiến đại diện châu Âu gặp khó khăn đến mức ngay cả Robert Mak cũng nổi nóng. Đẩy người, ôm người không được, cuối cùng tiền đạo khi ấy thuộc biên chế Zenit phải có động tác kéo áo rất thô để ngăn cản đối phương.
Tình huống trên chỉ là một ví dụ nhỏ về khả năng của Chanathip Songkrasin. Những pha bứt tốc và chuyển hướng đầy bất ngờ là một vũ khí quan trọng để cầu thủ chỉ cao vỏn vẹn 1m58 vượt qua các địch thủ sở hữu tốt thể hình tốt hơn.
Nhưng không chỉ có thế, giả sử tồn tại một thang đo kỹ năng tấn công dành cho các cầu thủ Đông Nam Á, Chanathip đã vượt mức tối đa ở gần như mọi tiêu chí.
Giống như Ronaldo "hủy diệt" vòng knock-out Champions League, Chanathip chẳng khác nào một "con ngáo ộp" khi bước vào các trận đấu loại trực tiếp AFF Cup với hàng loạt bàn thắng quan trọng. Cả 7 lần "Messi Thái" nổ súng ở đấu trường khu vực đều trong các trận bán kết và chung kết. Đáng sợ hơn, Chanathip sút tốt bằng cả chân trái lẫn chân phải.
Trận chung kết lượt về AFF Cup 2014, anh đặt dấu chấm hết cho hi vọng của người Mã bằng cú đá chân trái hiểm hóc từ ngoài vòng cấm. Ở cuộc đọ sức gặp Việt Nam cách đây ít ngày, Chanathip dứt điểm chéo góc bằng chân phải đánh bại Nguyên Mạnh. Trước Indonesia, 2 bàn thắng của Chanathip được ghi bằng 2 chân khác nhau và điểm chung là đều không cho thủ môn đối phương cơ hội cản phá.
Khi đã chinh phục hết các vinh quang tại Đông Nam Á, Chanathip đặt chân đến Nhật Bản năm 2017. Gần như ngay lập tức, "Messi Thái" chinh phục trái tim của ban huấn luyện và người hâm mộ Consadole Sapporo. Đội bóng Nhật Bản nhanh chóng đặt 2,4 triệu euro (gần 62 tỷ đồng) để mua đứt Chanathip từ Muangthong United.
Tại Nhật Bản, khả năng tổ chức lối chơi và kiến tạo cho đồng đội của tiền vệ 28 tuổi trở nên nổi bật. Thi đấu tại vị trí tiền vệ công, nơi thường bị đối phương "chăm sóc" rất kỹ, Chanathip vẫn tạo ra hàng tá cơ hội nơi hàng công Consadole Sapporo.
Chanathip rất được yêu thích tại Consadole Sapporo
Mùa giải 2018, "Messi Thái" được các đội trưởng J-League bầu chọn vào đội hình tiêu biểu của giải đấu với những lời nhận xét có cánh:
"Anh ấy là người kết nối trận đấu tuyệt vời, giữ nhịp trận đấu rất ấn tượng", "Tầm quan sát khả năng phát triển thế trận trong từng tình huống của Chanathip là rất sắc nét và luôn tạo bất ngờ cho đối phương", "Anh ta có chân trái hay như chân phải, đạt độ chính xác cao trong mỗi đường chuyền và những pha dứt điểm".
Đặt lên bàn so sánh, cầu thủ Việt Nam từng thành công nhất tại Nhật Bản là Công Vinh cũng phải khá chật vật cạnh tranh vị trí ở J-League 2, mới thấy thành tựu của Chanathip lớn lao đến thế nào.
Chanathip Songkrasin được phát hiện từ rất sớm. Năm 19 tuổi, anh đã xuất hiện trong đội hình Thái Lan về nhì tại AFF Cup 2012 và được gọi bằng biệt danh "Messi Thái". Trên thực tế, Chanathip cũng từng được đối đầu với Messi "xịn" vào năm 2013. Khi ấy, đội tuyển Thái Lan thi đấu giao hữu với Barcelona với gần như đầy đủ những cái tên lừng lẫy như Messi, Neymar, Fabregas, Alves...
Một nhà báo từng hài hước điểm danh và đếm được có ít nhất 5 ngôi sao được gọi là "tiểu Messi" tại khu vực Đông Nam Á. Trong số này, Chanathip là người nghiêm túc học theo ngôi sao của Argentina nhất. Để giảm thiểu bất lợi về thể hình, Chanathip luyện tập với cường độ cực lớn để có được những pha bứt tốc, đổi hướng vô cùng ấn tượng.
Và cũng học hỏi từ Messi, ngôi sao đội tuyển Thái Lan tìm cách tối ưu hóa từng pha chạm bóng, thay vì những động tác rườm rà. Đó chính là điểm khác biệt giúp anh xử lý bóng ở một đẳng cấp khác biệt so với mặt bằng Đông Nam Á và đáp ứng được yêu cầu để thi đấu tại môi trường khắc nghiệt như J-League. Cộng thêm khả năng quan sát được trui rèn qua trận mạc, Chanathip xứng đáng với biệt danh mà người Nhật đặt cho "Nhà ảo thuật Thái Lan".
Môi trường bóng đá Thái Lan và các bước đi sáng suốt trong sự nghiệp cũng là yếu tố quan trọng giúp Chanathip ngày càng thăng hoa.
CLB đầu tiên BEC Tero Sasana và Thai League vào giai đoạn Chanathip mới thi đấu chuyên nghiệp chịu ảnh hưởng nhất định từ lối chơi kiểm soát bóng tiquitaca đang thịnh hành. Điều này tạo nên "mảnh đất vàng" để "Messi Thái" phát triển các kỹ năng.
Năm 2013, HLV Kiatisuk lên nắm quyền ở U23 và đội tuyển Thái Lan. Cựu danh thủ HAGL không ngại ngần chọn Chanathip làm trái tim trong lối chơi tiktok (lối chơi lấy cảm hứng từ tiquitaca) mà ông lên kế hoạch xây dựng. Và sự lựa chọn ấy mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử bóng đá Thái Lan. Cặp bài trùng Kiatisuk-Chanathip càn quét khắp các giải đấu khu vực, giúp Voi chiến thống trị tuyệt đối.
HLV Kiatisuk là người đã mở ra con đường để Chanathip tỏa sáng tại các cấp độ đội tuyển Thái Lan.
Thời điểm Chanathip đến với Nhật Bản cũng không thể hoàn hảo hơn. Anh đã hoàn toàn trưởng thành về mọi mặt và được chuẩn bị những hành trang tốt nhất. Lối chơi của Consadole Sapporo nói riêng và J-League nói chung cũng rất hợp với Chanathip. Với những yếu tố đó, Chanathip đã đạt đến một đẳng cấp cao hơn và khẳng định tên tuổi ở tầm châu lục.
Trong những trận đấu gặp đội tuyển Việt Nam, có thời điểm cảm giác như thầy Park đã "phong tỏa" được Chanathip. Nhưng sự thật là "Messi Thái" đã xuyên thủng hàng thủ được mệnh danh là vững chắc nhất khu vực tới 2 lần. Suốt 4 năm làm việc tại Việt Nam, HLV Park Hang-seo chịu thất bại đầu tiên trước các đối thủ Đông Nam Á chính là bởi Chanathip chứ không phải ai khác.
Ở bàn thắng đầu tiên vào lưới Việt Nam, trước khi Hồng Duy phạm sai lầm, chính Chanathip đã "out trình" toàn bộ các hậu vệ Việt Nam với tình huống quan sát và tăng tốc đỉnh cao khi thấy cơ hội phản công. Khi "Messi Thái" đưa bóng vào lưới, trung vệ Quế Ngọc Hải chỉ biết nhìn bất lực bởi đã bị bỏ lại một khoảng cách quá xa.
Chanathip bứt tốc từ khi các cầu thủ Việt Nam còn chưa định hình được tình huống...
... Và bỏ lại tất cả sau lưng với một khoảng cách không thể đuổi kịp.
Trong bàn thứ hai, Chanathip chỉ với 2 pha chạm bóng đã vượt qua hàng thủ Việt Nam để đối mặt với thủ môn. Tiền vệ 28 tuổi giống như một kỳ thủ cờ vua, nắm bắt được vị trí của mọi quân cờ trên bàn đấu và tìm ra con đường lý tưởng nhất để dẫn vào khung thành. Đó là phẩm chất của một người dẫn dắt, một thủ lĩnh thực thụ.
Không chỉ với bóng đá Thái Lan, Chanathip Songkrasin là tấm gương cho mọi cầu thủ Đông Nam Á trong giấc mơ vượt ra khỏi "ao làng" và tiến đến đẳng cấp châu lục.