Hơn 90% phụ nữ bị chồng bạo lực nhưng không tìm kiếm sự giúp đỡ
Tại Việt Nam có 31,6% phụ nữ - tức là gần 1/3 - phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực. Đây là số liệu điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố năm 2020.
Có hơn 90% phụ nữ bị chồng bạo lực nhưng không tìm kiếm sự giúp đỡ. Xã hội hiện đại lại càng có nhiều hình thức bạo lực gia đình. Còn bao nhiêu câu chuyện bạo hành chưa ai dám kể. Và cứ thế, những nỗi đau vẫn cứ âm thầm và dai dẳng ở đằng sau cánh cửa.
Tại Việt Nam có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực
Trong số các vụ bạo lực gia đình, có 74% nạn nhân là nữ, 11% nạn nhân là trẻ em. Nghiên cứu gần nhất của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Đó cũng chỉ là những số liệu không đầy đủ, bởi có bao nhiêu người dám tố cáo người gây ra bạo hành.
Im lặng, cam chịu, những người vợ vẫn bị đánh đập, dày vò, dọa nạt. Những đứa trẻ vẫn cứ phải chứng kiến. Những nỗi đau đằng sau cánh cửa gia đình vẫn đang âm thầm diễn ra mỗi ngày…
Chẳng phải cứ "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" mới là bạo lực gia đình. Mà những lời nói đay nghiến, mắng nhiếc, xúc phạm, thậm chí im lặng từ ngày này qua tháng khác, cũng là những thứ vũ khí vô hình, gây bạo lực tinh thần cho chính những người thân của mình. Nhiều đứa trẻ đã trở thành nạn nhân của chính cha mẹ mình.
Kỳ vọng của gia đình chính là một thứ sức ép vô hình lên những đứa trẻ. Dù cha mẹ có cơm bưng nước rót, nhưng lại ép con cái học hành quá sức, nặng nề về điểm số. Thậm chí còn kỳ thị, chì chiết hình thể, xu hướng giới tính của con.
Không ít trẻ vị thành niên, vì "không được như kỳ vọng" của gia đình, không được như "con nhà người ta", đã trở nên trầm cảm, tự hành hạ bản thân. Và cũng đã có những kết cục mà cha mẹ có hối hận cũng đã quá muộn rồi.
Gia đình phải là nơi để yêu thương
Có 16 nhóm hành vi bị coi là bạo lực gia đình, kể từ ngày 1/7/2023 - theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022. Bên cạnh những hành vi gây tổn hại sức khoẻ, tính mạng trực tiếp còn có nhiều hành vi khác đã bị coi là vi phạm pháp luật.
Những hành vi bạo lực gia đình
- Không giáo dục con cái là hành vi đã được nhận diện là bạo lực gia đình. Cưỡng ép con cái học tập quá sức cũng một dạng bạo lực.
- Bỏ mặc, không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình.
- Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình.
- Cưỡng ép thành viên trong gia đình lao động quá sức, kiểm soát thu nhập gây ra lệ thuộc về vật chất và tinh thần.
- Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, xúc phạm nhân phẩm của các thành viên trong gia đình - cũng là hành vi vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.
Gia đình luôn phải là nơi để yêu thương, là tổ ấm của mỗi người, là nơi để chúng ta luôn cảm thấy được bao bọc chở che mỗi khi được trở về. Những người bị bạo hành thì cần dũng cảm nói lên nỗi đau của mình còn cộng đồng thì cần phải lên tiếng chung tay giúp đỡ để bạo lực gia đình không trở thành nỗi ám ảnh khi trở về với ngôi nhà thân thương của mình.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA).