Tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 27/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, lĩnh vực giáo dục luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, kỳ họp nào Quốc hội cũng thảo luận về các chế độ liên quan đến đội ngũ giáo viên.
Đội ngũ giáo viên là lực lượng hùng hậu nhất với khoảng 1,2 triệu người trên tổng số 1,7 triệu biên chế viên chức cả nước. Tuy nhiên, trong 2,5 năm qua, ngành giáo dục ghi nhận 14,427 giáo viên mầm non và phổ thông rời ghế trường công lập. Như vậy tính trung bình cứ 200 giáo viên thì có 1 người nghỉ việc ở trường công lập.
"Cần tìm hiểu kỹ lưỡng nguyên nhân, căn cơ tình trạng này. Cần có đánh giá thực chất thì mới có giải pháp phù hợp", ông Giang nhấn mạnh và cho rằng, quan trọng phải đánh giá xem giáo viên có bỏ nghề hay không, hay chỉ là chuyển đổi môi trường làm việc. Còn nếu số giáo viên này chuyển sang trường tư để làm việc thì hoàn toàn bình thường và phù hợp với tinh thần xã hội hoá, vẫn là phục vụ cho ngành giáo dục, cho đất nước.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang
Cũng liên quan tới lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục, cho rằng, công tác giáo dục thời gian qua đã thành công và đạt được nhiều thành tựu lớn. Tuy nhiên, đến nay chính sách phát triển giáo dục giai đoạn năm 2022 - 2030 chưa được ban hành, nhiều cử tri lo ngại trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới còn hạn chế, đặc biệt là thiếu lớp, trường, giáo viên. Mặt khác, hiện ngân sách Nhà nước mới chủ yếu chi cho lương giáo viên mà chưa tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về tình trạng thiếu giáo viên, bà Nga cho biết, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, tính đến tháng 2/2022 cả nước đang thiếu hơn 95.000 giáo viên, một số môn học theo chương trình mới không tuyển được giáo viên, nhiều thầy cô nghỉ việc sau đại dịch COVID -19. Điều này rất đáng lo ngại, cần đặc biệt quan tâm đến chính sách để ưu tiên giải quyết câu chuyện này trong thời gian tới.
Về tự chủ đại học, vị đại biểu Quốc hội cũng đánh giá còn nhiều hạn chế, vướng mắc do chính sách chưa được đồng bộ, tự chủ đang đặt gánh nặng lên vai người học. Bởi nguồn thu của các trường hiện nay chủ yếu xuất phát từ học phí của sinh viên mà chưa có thêm nhiều nguồn thu khác.
Theo báo cáo của nhân hàng thế giới vào 8/2022, tỷ lệ thí sinh nhập học vào đại học, cao đẳng, trường nghề của Việt Nam mới chỉ đạt 30%, mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á và thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc 98%, Trung Quốc hơn 50%, Indonesia 43%. Ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học thời gian qua chưa tương xứng, chỉ chiếm 0,27% GDP, tỷ lệ thấp nhất so với khu vực Đông Nam Á (Thái Lan 0,67% và Singpore khoảng 1% GDP).
Do đó, bà Nga nêu lên một số đề nghị để giải quyết các tồn tại trên. Thứ nhất, Chính phủ cần sớm nghiên cứu và trình Quốc hội Luật Nhà giáo trong thời gian sớm nhất, trong đó đặc biệt quan tâm đến chính sách đãi ngộ tốt hơn với nhà giáo.
Thứ hai, Chính phủ cùng Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng hoàn thiện và ban hành chiến lược giáo dục năm 2022 - 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Thứ ba, đảm bảo ngân sách dành 25% cho giáo dục, tương đương với các nước trong khu vực và thế giới.
Thứ tư, đầu tư có trọng tâm cho các trường đại học, ngành học giáo dục cơ bản, khoa học công nghệ sư phạm, trọng điểm, để phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thứ năm, thu hút các nguồn đầu tư xã hội hoá để nâng cao chất lượng các dự án, đầu tư giáo dục. "Sự thành bại của giáo dục là vai trò quyết định của nhà giáo, do đó, cần quan tâm tới chính sách nâng lương, chế độ đãi ngộ cao hơn nữa với giáo viên. Không để tình trạng thiếu giáo viên cho chương trình phổ thông mới, đặc biệt với các môn học tích hợp", bà Nga nhấn mạnh.
Cuối cùng, đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT sớm hoàn thiện và công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi để học sinh, giáo viên có sự chuẩn bị, tránh bị động.