5 trận đấu, 486 phút góp mặt trên sân, không một bàn thắng. Toàn bộ dấu ấn của Ronaldo tại Euro 2024 cho tuyển Bồ Đào Nha trong thời gian thi đấu chính thức chỉ là một pha kiến tạo cho Bruno Fernandes nâng tỷ số lên 3-0 trước Thổ Nhĩ Kỳ, khi trận đấu đã an bài. Ronaldo đã lập kỷ lục người kiến tạo thành công nhiều nhất lịch sử Euro, đồng thời là cầu thủ duy nhất trong lịch sử từng sáu lần dự giải.
Nhưng như người bạn thân Pepe đã phát biểu trong Euro rằng "Ronaldo sống để ghi bàn", liệu Ronaldo có thực sự "sống" trên sân nếu không có tên trên bảng tỷ số? Điều này khác hoàn toàn với anh giai đoạn khởi đầu tại Manchester United hay đỉnh cao tại Real Madrid, khi chỉ cần sự có mặt tại cánh trái của Ronaldo cũng đủ khiến đối thủ không dám liều lĩnh dâng cao. Ronaldo thời trẻ có thể chơi hay cả khi không ghi bàn, với những pha khuấy đảo hàng phòng ngự đối phương hoặc kiến tạo đẹp mắt.
Ở tuổi 39, không thể đòi hỏi Ronaldo chạy với bóng để xuyên phá như thời còn trẻ. Nhiệm vụ này được giao cho những đồng đội trẻ khoẻ hơn như Rafael Leao, Bernado Silvao, Francisco Conceicao hay Joao Cancelo. Ronaldo được giao nhiệm vụ duy nhất - cũng là thứ anh giỏi nhất trong cả sự nghiệp: Ghi bàn.
Một trong những lập luận anti-fan của CR7 thường dùng để mỉa mai tiền đạo này trong những năm tháng cuối sự nghiệp là "Ronaldo mà không ghi bàn thì đóng góp rất ít trên sân". Trước đây, người hâm mộ Ronaldo có thể tự tin trả lời: "Nhưng việc Ronaldo tịt ngòi rất hiếm khi xảy ra". Song giờ đây, chẳng lời nào có thể bào chữa khi Ronaldo đã thất bại trong sở trường số một của bản thân, thứ làm nên thương hiệu của anh.
Trong hai trận đấu loại trực tiếp, Ronaldo chủ yếu vật vờ trong vòng cấm, không có nhiều pha chạy pressing đối phương khi đối thủ có bóng. Không thể trách anh về điều này, bởi tuổi tác đã không còn cho phép đôi chân Ronaldo chạy hùng hục trên sân đuổi bóng như anh từng làm với các cầu thủ Barcelona trong El Clasico.
Chỉ có thể trách anh về những cơ hội bỏ lỡ, khi anh không còn bật cao để đánh đầu hay đủ nhanh để có mặt đúng lúc đúng chỗ khi bóng được đưa vào vòng cấm địa. Ví dụ rõ rệt nhất là pha dốc bóng từ cánh phải của Conceicao trong hiệp phụ trận gặp Pháp, căng ngang để Ronaldo dứt điểm. Nếu là Ronaldo của vài năm trước, đó chắc chắn là một bàn thắng cháy lưới. Nhưng giờ đây, anh lại tiếp bóng không chuẩn và đưa bóng vọt xà trong tiếc nuối, bỏ lỡ cơ hội đưa đội nhà vào bán kết.
Ngay cả trên chấm phạt đền trong hiệp phụ trận gặp Slovenia ở vòng 16 đội, Ronaldo cũng không thể thắng được thủ thành Jan Oblak. Việc anh bật khóc ngay trên sân và khiến các đồng đội trẻ phải tới an ủi cho thấy bản thân Ronaldo cũng thất vọng tột cùng với bản thân, khi không thể ghi bàn, trở thành người hùng của đội tuyển Bồ Đào Nha như anh đã làm biết bao lần trong quá khứ.
Đó là một hình ảnh ngược đời, khi một siêu cầu thủ với bao năm chinh chiến lại không thể kìm chế cảm xúc và để những đồng đội trẻ - những người nhìn đội trưởng làm gương chiến đấu - động viên an ủi. Sau trận đấu, Ronaldo lý giải về giây phút bật khóc trên sân vì xúc động khi tham gia "kỳ Euro cuối cùng của sự nghiệp".
Và xét về góc độ chuyên môn, Euro 2024 thực sự nên là giải đấu quốc tế lớn cuối cùng của Cristiano Ronaldo.
Đây là giải đấu lớn liên tiếp thứ hai Ronaldo chơi tệ. Hai năm trước, anh chỉ ghi một bàn từ chấm phạt đền tại World Cup 2022. Khi bước vào các trận vòng loại trực tiếp, Ronaldo thậm chí còn bị HLV Fernando Santos cất lên ghế dự bị. Người thay thế Ronaldo là Goncalo Ramos bất ngờ trở thành người hùng với cú hattrick vào lưới Thuỵ Sỹ tại vòng 16 đội, giúp đội nhà thắng tới 6-1. Ronaldo được vào sân trong hiệp hai và có một bàn thắng không được công nhận.
Tới trận tứ kết gặp Morocco, Ronaldo tiếp tục dự bị và vào sân từ hiệp hai, nhưng không thể thay đổi được thế trận. Sau trận, hàng loạt người thân như chị, bạn gái của Ronaldo đều chỉ trích HLV Fernando Santos vì đã "cất cầu thủ hay nhất lịch sử trên ghế dự bị". Ông Santos bị sa thải sau giải và được thay thế bởi HLV Roberto Martinez.
Chương mới của Martinez tại tuyển Bồ Đào Nha khởi đầu ngọt ngào, khi họ toàn thắng tại vòng loại còn Ronaldo ghi đến 10 bàn, về nhì trong danh sách ghi bàn tại vòng loại khu vực châu u. Nhưng phong độ đó không được tái hiện tại Euro 2024, khi Ronaldo tung đến hơn 20 cú sút và có 5 cơ hội ghi bàn rõ rệt song nhận lại số 0 tròn trĩnh.
Điều đáng khen nhất ở Ronaldo khi bước vào vòng loại trực tiếp có lẽ là việc anh xung phong nhận trách nhiệm người sút đầu tiên của Bồ Đào Nha trong hai loạt luân lưu. Đó dường như là cách Ronaldo rút kinh nghiệm tại bán kết Euro 2012, khi anh là người sút cuối cùng trước tuyển Tây Ban Nha. Nhưng trước khi anh có thể thực hiện lượt sút, Tây Ban Nha đã giành chiến thắng bởi Bruno Alves và Joao Moutinho phía Bồ Đào Nha đã sút hỏng.
Kể từ đó tại đội tuyển, Ronaldo luôn xung phong sút lượt đầu tiên và luôn thành công, gỡ bỏ phần nào áp lực cho các đồng đội sút sau. Anh tiếp tục làm được điều đó tại Euro 2024, nhưng pha sút dội cột của Joao Felix trước Pháp đã khiến vũ khúc cuối của Ronaldo chấm dứt.
Cùng ở tuổi lão tướng như Ronaldo tại giải này là Pepe, người thậm chí đã bước sang tuổi 41. Nhưng trái ngược với phong độ sụt giảm của Ronaldo, Pepe vẫn là hòn đá tảng tại hàng phòng ngự tuyển Bồ Đào Nha. Trừ pha để mất bóng ở hiệp phụ thứ hai trước Slovenia, Pepe đã chơi tuyệt hay cả giải và hoá giải nhiều đợt tấn công của các cầu thủ thậm chí đáng tuổi ... con mình.
Nhưng cuộc vui nào cũng phải đến lúc dừng lại. Ở kỳ World Cup 2026, Pepe sẽ bước sang tuổi 43 còn Ronaldo là 41 tuổi. Đó là ngưỡng tuổi quá cao trong bóng đá, kể cả với vị trí thủ môn. Và nếu Ronaldo của tuổi 37 và 39 đã chơi tệ tại World Cup 2022 và Euro 2024, điều gì sẽ đảm bảo anh có thể chơi hay ở tuổi 41?
Đây sẽ là lúc Ronaldo cần một cái nhìn khách quan hơn về tương lai với đội tuyển Bồ Đào Nha. Ở cấp CLB, anh vẫn có thể chơi bóng tại Saudi trong màu áo Al-Nassr, nơi trình độ cạnh tranh còn thua xa các giải đấu hàng đầu châu u. Nhưng trên đấu trường lớn nhất Euro hay World Cup, tuyển Bồ Đào Nha cần một người giống Ronaldo trong quá khứ: biết kết thúc gọn ghẽ những cơ hội do đồng đội tạo ra.
Nếu Ronaldo chọn tiếp tục ở lại đội tuyển, chiến đấu cho hành trình World Cup 2026, anh nhiều khả năng vẫn sẽ được HLV Martinez triệu tập. Nhưng ngay cả khi đó, anh cũng cần chấp nhận hạ bớt cái tôi của mình: chịu chia sẻ các trọng trách như sút phạt trực tiếp cho đồng đội, chịu ngồi trên ghế dự bị, đóng vai một thủ lĩnh tinh thần.
Đó là một thực tại sẽ rất khó chấp nhận, rất khó nuốt cho Cristiano Ronaldo. Nhưng anh nên nhớ câu nói của Harvey Dent: "Hoặc bạn chết như một anh hùng, hoặc bạn sống đủ lâu để thấy bản thân trở thành kẻ phản diện". Sau các trận đấu tại Euro, không ít fan bóng đá đã so sánh anh với siêu nhân Homelander của loạt phim The Boys. Homelander là một siêu nhân với sức mạnh phi phàm, song lại ích kỷ, chỉ muốn mình là tâm điểm và sẵn sàng huỷ diệt mọi thứ trái ý bản thân.
Ronaldo đã có gần như mọi danh vọng cùng đội tuyển quốc gia, là một người hùng dân tộc sau chức vô địch Euro 2016 và giúp đất nước này được biết đến nhiều hơn trong hai thập niên qua.
Ngay cả sau thất bại đáng quên tại Euro 2024, người Bồ Đào Nha vẫn yêu quý người đội trưởng của mình. Dừng lại hay bước tiếp với tầm ảnh hưởng giảm đi đáng kể sẽ là những lựa chọn hợp lý cho Ronaldo để anh có thể gìn giữ di sản của mình tại tuyển Bồ Đào Nha.
Nếu cố chấp, anh sẽ trở thành một "kẻ phản diện", ngáng đường phát triển của các đồng đội trẻ, một Homelander trên hàng công Bồ Đào Nha - như cách nhiều người đã nghĩ từ thời điểm này.