Ngày 4/5, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có văn bản báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, đồng thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phương án ứng phó dịch bệnh trong tình hình mới.
Theo Sở Y tế Bình Dương, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp và khó lường. Từ đầu năm 2023 đến ngày 3/5 toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 428 ca mắc COVID-19.
Trong 7 ngày qua (từ 26/4 - 2/5/2023), Bình Dương ghi nhận 251 ca mắc COVID-19 (tăng 67% so với tuần trước); đặc biệt trong tuần ghi nhận 2 trường hợp tử vong đều có bệnh lý nền (suy tim) và chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.
Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát không để dịch lây lan ra diện rộng và nâng cao chất lượng điều trị nhằm giảm tỷ lệ bệnh nặng và tử vong, Sở Y tế tỉnh Bình Dương tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ để ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang bắt buộc đối với các trường hợp gồm: Người có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19; tất cả các trường hợp có mặt tại cơ sở y tế, nơi cách ly, nơi lưu trú có người đang cách ly hoặc đang theo dõi, giám sát y tế (trừ người cách ly ở phòng đơn; người bị suy hô hấp; người bệnh đang thực hiện thủ thuật y tế; trẻ dưới 5 tuổi).
Trong đợt dịch lần thứ 4, tỉnh Bình Dương đã trưng dụng nhà xưởng làm bệnh viện dã chiến tiếp nhận bệnh nhân COVID-19
Những người tham gia các phương tiện giao thông công cộng (gồm hành khách, người điều khiển, nhân viên phục vụ), người quản lý, lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc với hành khách; nhân viên phục vụ, quản lý, lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; nhân viên phục vụ, quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc với khách hàng và người tham dự tại các cơ sở văn hóa, du lịch, những nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người cũng phải đeo khẩu trang. Việc đeo khẩu trang cũng được áp dụng tại những nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch và đối với các nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc với khách hàng.
Các địa phương thường xuyên thực hiện rà soát và đánh giá cấp độ dịch để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch. Theo kết quả đánh giá cấp độ dịch hàng tuần để áp dụng các biện pháp hạn chế theo đúng quy định.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát lại các đối tượng tiêm vắc xin (đã tiêm, chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều, …) theo từng nhóm tuổi để đăng ký nhu cầu vắc xin về Sở Y tế tổng hợp đề xuất Bộ Y tế phân bổ vắc xin phòng COVID-19 tiêm cho người dân trên địa bàn được kịp thời.
Đối với các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19: tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị; chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân và chủ động nâng cao năng lực điều trị, nhất là năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng yêu cầu điều trị.
Song song với các nhiệm vụ trên, ngành chức năng phải tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp 2K+V (khẩu trang, khử khuẩn và tiêm vắc xin) và hạn chế tụ tập, đến nơi đông người để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Trước đó Tiền Phong đã đưa tin, ngày 3/5, Bình Dương ghi nhận ca mắc COVID-19 tử vong là nam, 28 tuổi (phường Bình Hòa, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) với bệnh lý kèm theo suy tim. Vào ngày 29/4, Bình Dương cũng ghi nhận một ca mắc COVID-19 với bệnh lý đái tháo đường, suy tim tử vong là nữ, 64 tuổi (phường Thuận Giao, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương).