“Cột sống” của Gen Z thời làm việc từ xa: Đang bật camera thì người nhà gọi xuống ăn cơm, thấp thỏm với hoá đơn tiền điện

Ái Lê - Thiết kế: Minh Trang, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 09/06/2021

Các bạn có tìm thấy hình ảnh của mình trong những tâm sự trên không? Bạn sẽ không cô đơn trong "cuộc chiến" này đâu!

“Thú thật, mình không kiệt sức mà bị ‘bất ngờ ngơ ngác rồi bật ngửa’ hết lần này đến lần khác… Với cái tuổi ngoài 20 hừng hực, mong muốn được va chạm với đời thì bây giờ nằm đây mở điện thoại lên với 7749 clip review phim, video TikTok và vạn lần cái 'lướt lướt' không có điểm dừng! Chằm Zn vì cái sự sa đà của bản thân, tất cả cũng chỉ vì sự kết hợp của 2 thứ: WFH (làm việc từ xa) và cái tật mất tập trung”, Hoàng Chung (sinh năm 1998) than ngắn thở dài vì lại thêm một ngày nữa trôi qua vô nghĩa.

Là biên tập viên trẻ măng của một công ty chuyên sản xuất các chương trình truyền hình thực tế đắt khách hiện nay, Chung nằm trọn trong team “PHẢI LÊN CÔNG TY mới làm việc được".

“Những ngày giãn cách mình thấy bứt rứt cực kỳ, bạn bè mình, bây giờ họ đang đâu? Cô chú bán bánh cuốn trước công ty giờ như thế nào? Cuộc sống hội nhóm cà phê la cà giờ chỉ còn ‘zĩ zãng’, cô gái 23 tuổi thiếu chút nữa là “ăn vạ” luôn.

“Cột sống” của Gen Z thời làm việc từ xa: Đang bật camera thì người nhà gọi xuống ăn cơm, thấp thỏm với hoá đơn tiền điện - Ảnh 1.

Hoàng Chung, sinh năm 1998, đang trong thời gian WFH

Những con số ảm đạm

Nếu như năm 2020, mọi người rối bời khi tiếp nhận sự xuất hiện của COVID-19 cùng khái niệm WFH. Thì ở hiện tại, chúng ta dường như đã học được cách chung sống với mọi xáo trộn dù chẳng vui vẻ gì.

Trong khi Millennials quay cuồng tìm cách giải bài toán “việc nhà trong giãn cách”; thì thế hệ tiếp quản của họ - Gen Z lại gặp nhiều thách thức trong vấn đề cân bằng cảm xúc, vượt qua nỗi cô đơn cá nhân, chơi vơi giữa tập thể công ty khi làm từ xa.

Theo thống kê của một nghiên cứu SHRM (Quản trị nhân sự quốc tế) khoảng 50% nhân viên thế hệ Z cảm thấy kiệt sức vì công việc của họ trong thời đại COVID-19. 80% thế hệ Z lo lắng về sự ổn định tài chính của họ, 67% lo lắng về triển vọng việc làm và 50% lo bị bỏ lỡ các kế hoạch tương lai.

Tháng 2/2021, một nghiên cứu được Đại học Harvard (Mỹ) công bố cho thấy trong đại dịch, mức độ cô đơn, trầm cảm ở giới trẻ cao hơn những người lớn tuổi.

Nhưng, liệu mọi chuyện có thật sự tồi tệ đến vậy và Gen Z Việt đang đối diện với những thách thức nào khi làm việc từ xa?

Không sợ cô đơn chỉ sợ hoá đơn tiền điện 

Hoàng Chung đúng là cảm thấy mình “mắc kẹt” trong sự nghiệp lẫn những dự định tương lai khi làn sóng COVID-19 thứ 4 ập đến. Song, nghĩ cho thấu đáo lại thì cô bạn vẫn hú hồn khi chưa mất việc trong dịch. Để tồn tại, Chung cần phải học thêm nhiều kỹ năng mới.

“Vì ảnh hưởng của dịch, 2 năm qua tụi mình không thể sản xuất những show mới. Giải pháp của công ty mình bây giờ là tập trung phát triển mảng digital, và từ 1 biên tập/ content editor mình kiêm luôn video editor/ kĩ thuật dựng. Giờ công việc của mình là sản xuất những clip viral từ data các chương trình của công ty sản xuất. Mình nghĩ đây là một sự thích nghi 'sống chung với lũ'”, Chung nói.

“Cột sống” của Gen Z thời làm việc từ xa: Đang bật camera thì người nhà gọi xuống ăn cơm, thấp thỏm với hoá đơn tiền điện - Ảnh 2.

Hoàng Chung gọi thời gian này là “sống chung với lũ”

Trong khi đó, Hạnh Nhi, sinh năm 1999, một du học sinh Mỹ (ngành Tâm lý học và Quản lý kinh doanh) quay về Việt Nam đúng 1 năm trước, thổ lộ mình là tuýp người “vừa thích làm ở nhà vừa thích lên công ty”.

Khi đợt dịch mới bùng phát, Nhi sống cùng gia đình ở TP.HCM làm hai công việc cùng lúc: Dạy tiếng Anh online và thực tập sinh cho một công ty truyền thông khá uy tín có trụ sở tại quận 1.

“Mình không hề cảm thấy kiệt sức vì công việc trong thời dịch, thậm chí, mình đang cảm thấy may mắn vì vẫn có công việc để làm trong đợt dịch này. Nhưng ở nhà nhiều cũng có những ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe và tâm lý. Thi thoảng, mình thấy chán nản, thiếu động lực và thèm được gặp gỡ giao tiếp với mọi người”, Nhi không che giấu những bất cập khi phải làm việc tại nhà quá nhiều.

“Cột sống” của Gen Z thời làm việc từ xa: Đang bật camera thì người nhà gọi xuống ăn cơm, thấp thỏm với hoá đơn tiền điện - Ảnh 3.

Hạnh Nhi, sinh năm 1999, đang làm 2 công việc trong thời gian WFH

Và khó khăn lớn nhất của Nhi khi phải làm việc từ xa đó là sự chênh lệch trong kỹ năng sử dụng máy tính và các ứng dụng khác. Cô bạn thường xuyên làm việc với nhiều người, và không phải ai cũng có máy tính tốt, biết cách sử dụng phần mềm… Phần lớn khoảng thời gian đầu WFH, Nhi đã phải dành ra để tự tìm hiểu/ hướng dẫn người khác sử dụng, dẫn đến thiếu hiệu quả trong trao đổi giao tiếp. Ngoài ra, Nhi cũng gặp phải các vấn đề phổ biến khi không thể lên công ty làm việc như là: Đường truyền mạng, tiếng ồn nhất là khi nhà ở đông người, đôi khi thiếu tự giác do chán nản.

“Có lúc mình đang dạy học, bật camera lên thì người nhà quên lịch gọi xuống ăn cơm. Nhưng mình cũng hiểu do đa phần cả ngày mình cứ đóng cửa ở trong phòng làm việc nên mọi người cũng quan tâm cho mình thôi”, Nhi kể về một “tai nạn" nho nhỏ khi WFH. Chắc nhiều bạn Gen Z đã đi làm, đang sống với gia đình sẽ thấy đồng cảm lắm.

Không kiệt sức tí nào khi phải làm việc từ xa nhưng Phương Anh (sinh năm 2000),với Minh Hiếu (sinh năm 1998) lại la oai oái vì ở nhà tốn tiền điều hoà quá. Cả hai bạn trẻ này đều đang thuê nhà sống và làm việc ở Hà Nội.

“Cột sống” của Gen Z thời làm việc từ xa: Đang bật camera thì người nhà gọi xuống ăn cơm, thấp thỏm với hoá đơn tiền điện - Ảnh 4.

Phương Anh (sinh năm 2000), sống tại Hà Nội

“Quá nóng! Phải bật điều hoà nên trong lòng cứ lo lắng tiền điện tăng vùn vụt. Ngoài ra, khi làm việc tại nhà, mình thường gặp kha khá cản trở tiến độ và chất lượng công việc như: Tiếng ồn vì xung quanh khu mình có công trình xây dựng, không thể tập trung vì mình ở trọ nên không gian khá bé, ngồi lâu sẽ nhanh mệt và thấy bức bí”, Phương Anh - sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ về cái khó khi phải làm việc từ xa giữa mùa hè oi bức này.

Ngoài việc học, Phương Anh còn làm MC cộng tác với một số chương trình của VTV, VTC; là giảng viên của một trung tâm cải thiện giọng nói và kỹ năng. Thời gian này, cô bạn vừa làm tiểu luận, vừa thu âm tại nhà và dạy online. Bao nhiêu là việc nhưng tất cả gói trọn trong một căn phòng trọ đúng là căng thật!

Dù vẫn còn công việc để duy trì cuộc sống ở thủ đô, song cô bạn cũng khá lo khi nguồn thu nhập giảm đáng kể.

Minh Hiếu thì “éo le" hơn các trường hợp bên trên vì trời xui đất khiến làm sao cậu lại vô tình có mặt tại một địa điểm có bệnh nhân dương tính. Thế là dù không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhưng Hiếu vẫn xin công ty cho tự cách ly ở nhà và thời kỳ WFH bắt đầu.

“Cột sống” của Gen Z thời làm việc từ xa: Đang bật camera thì người nhà gọi xuống ăn cơm, thấp thỏm với hoá đơn tiền điện - Ảnh 5.

Minh Hiếu (sinh năm 1998) thích nghi khá nhanh với WFH song lại lo tiền điện tăng quá đà

“Ngày trước mình thuộc team lên công ty làm việc, tuy nhiên việc đeo khẩu trang nhiều và hạn chế tương tác khi có mặt tại công ty cũng không dễ chịu, kết hợp với thời tiết nắng nóng gay gắt những ngày gần đây nên mình đang có xu hướng thoải mái hơn với hoạt động làm việc từ xa. Mỗi tội ở nhà thì… tốn tiền điều hoà quá", chắc hoá đơn tiền điện tháng này của Hiếu sẽ khiến cậu sang chấn tâm lý mất. Nhưng bù lại, Hiếu lại nhìn ra điểm sáng khi làm việc từ xa đó là: Tiết kiệm tiền. Tại sao lại như thế?

“Thật ra khi giãn cách mình mới bớt cơ hội tiêu tiền... Mặc dù đúng là giai đoạn này thì có một số ngành nghề phải đóng cửa khiến công việc của mình cũng bị tác động dẫn tới ảnh hưởng thu nhập của mình. Đây có lẽ cũng là nỗi lo chung của nhiều người”, Hiếu nói.

Tương lai sẽ về đâu nếu cứ dịch thế này?

Hạnh Nhi đang sống cùng gia đình và cũng đang có một công việc khá ổn, có thể chuyển đổi hoàn toàn sang online giữa mùa dịch nên không lo lắng quá nhiều về tài chính. Đây có lẽ là may mắn của Nhi của Chung, Phương Anh và cả Hiếu nữa. Riêng Hạnh Nhi, cô bạn còn lạc quan xem đây là quãng thời gian để trau dồi bản thân, chuẩn bị cho những thay đổi trong sự nghiệp vào những năm sắp tới.

“Mình còn khá trẻ nên chưa quá lo lắng về sự ảnh hưởng của dịch tới nghề nghiệp tương lai. Trong những năm sắp tới sẽ còn nhiều thay đổi, nên việc mình nên tập trung rèn luyện là khả năng thích nghi và học hỏi, giữ cái đầu mở để không bỡ ngỡ trước những sự thay đổi khác. Nhất là với sự hỗ trợ của công nghệ, mình nghĩ mình tận dụng được các ứng dụng, mô hình thông minh là sẽ hỗ trợ cho việc học, công việc hiện tại cũng như tương lai”, Hạnh Nhi bày tỏ.

“Cột sống” của Gen Z thời làm việc từ xa: Đang bật camera thì người nhà gọi xuống ăn cơm, thấp thỏm với hoá đơn tiền điện - Ảnh 6.

Hạnh Nhi, cô bạn còn lạc quan xem đây là quãng thời gian để trau dồi bản thân

Trong khi đó, Hoàng Chung cảm thấy làm việc từ xa không phải là lựa chọn “đường dài", vì chẳng có ai tham gia show thực tế để mà biên tập nếu cứ giãn cách thế này.

“Khi nhìn các bạn bè của mình, những người làm trong ngành dịch vụ phải tạm dừng công việc do ảnh hưởng của dịch. Mình thấy vẫn còn may mắn lắm vì ít ra vẫn có thể tiếp tục công việc và có thu nhập. Nhưng thật ra thì đó chỉ là giải pháp tạm thời, về đường dài mình vẫn mong dịch mau lui ‘hoa nở và mùa xuân về thiệt’ để tụi mình được sản xuất show và làm công việc mà mình thích, trân trọng”, Hoàng Chung nghĩ vậy.

“Cột sống” của Gen Z thời làm việc từ xa: Đang bật camera thì người nhà gọi xuống ăn cơm, thấp thỏm với hoá đơn tiền điện - Ảnh 7.

Phương Anh có nhiều lo lắng hơn, một phần bởi vì công việc của cô bạn không thể chuyển 100% qua online như Hạnh Nhi, thậm chí, nếu dịch kéo dài thì nghề MC coi như chết cứng. Điều cô mong mỏi nhất lúc này chính là dịch sớm được kiểm soát, trạng thái bình thường mới được thiết lập trở lại. Kinh tế chỉ là một phần, tương lai và cơ hội phát triển cho những người trẻ đang theo đuổi công việc như Phương Anh mới đáng suy nghĩ.

“Với người trẻ như bọn mình, kinh tế là một phần thôi, phần quan trọng nữa là cơ hội để phát triển và có nhiều trải nghiệm thực tế mới. Nếu WFH quá lâu sẽ cản trở triển vọng công việc của chúng mình rất rất nhiều. Công ty mình đào tạo về giọng nói và kỹ năng, trước dịch thì đa số các lớp học offline, nếu dạy online mãi thì cũng gây khó cho bài toán kinh tế. Còn nghề MC mình đang theo đuổi trong thời dịch như vậy gần như là không thể đi làm luôn”.

“Cột sống” của Gen Z thời làm việc từ xa: Đang bật camera thì người nhà gọi xuống ăn cơm, thấp thỏm với hoá đơn tiền điện - Ảnh 8.

Còn Hiếu, nhờ đặc thù công việc online gần như 24/7, không yêu cầu phải gặp mặt và trao đổi với người khác quá nhiều, thỉnh thoảng nếu có trao đổi, làm việc với đối tác ở nước ngoài thì các tiếp xúc vật lý hoàn toàn được loại bỏ. Nên xét về góc độ tương lai nghề nghiệp trong tương lai, Hiếu không cảm thấy lo lắng.

Dẫu vậy, nếu dịch cứ thế này thì những kế hoạch tuổi trẻ sẽ ra sao đây? Chẳng ai muốn mình kể về thanh xuân là những chuyến đi từ phòng ngủ ra phòng khách rồi vô phòng tắm đúng không?

“Mình thấy tiếc nuối vì nhiều kế hoạch, dự định phải hoãn lại vì  COVID-19. Nhưng mình cảm thấy việc cấp bách bây giờ là chung tay dập dịch, càng quyết tâm làm thì càng có thể sớm thực hiện các dự định cá nhân đã đề ra”, Hiếu nói.

“Cột sống” của Gen Z thời làm việc từ xa: Đang bật camera thì người nhà gọi xuống ăn cơm, thấp thỏm với hoá đơn tiền điện - Ảnh 9.

Có một thực tế ai cũng nhận ra: Tuỳ theo từng ngành nghề, lĩnh vực mà các Gen Z có những trải nghiệm khác nhau khi làm việc từ xa. Dẫu có những bức bối hay nỗi niềm riêng, thì khi đặt tất cả cảm xúc riêng tư ấy sang một bên, những bạn trẻ như Chung, Nhi, Phương Anh hay Hiếu đều có một mong mỏi chung đó là:

Các tổ chức y tế sớm khống chế được dịch, công ty nên có các chính sách hỗ trợ nhân sự phải làm việc tại nhà (qua khía cạnh kinh tế, thiết bị...), chăm lo sức khoẻ cho nhân viên, tạo việc làm cho đội ngũ và trên hết là: “Công ty ơi, xin đừng giảm lương của chúng em bởi ảnh hưởng của COVID-19 huhu”.

Ảnh: NVCC