Nếu đang đứng giữa ngã ba đường, hoặc đơn giản là tự hỏi ý nghĩa của công việc mình đang làm, hãy thử rà lại các yếu tố mà trang CareerBuilder đề ra bằng 4 câu hỏi sau.
1. Tôi sẽ coi mình là người lãnh đạo hay người đi sau?
Nếu bạn có nhiều tham vọng, hãy tiếp tục phát triển và đừng để những ức chế cá nhân cản trở thành tích của bạn. Ví dụ: hãy sáng tạo phương pháp và cách thức mới để quản lý các nhân sự có cá tính khác nhau trong nhóm của bạn, sử dụng các chiến lược giải quyết xung đột. Luôn có những cải tiến khả thi, vì vậy đừng bao giờ ngừng phấn đấu để trở nên tốt hơn bạn của ngày hôm qua.
Nếu bạn bằng lòng với việc trở thành người theo sau, hãy xem lại kỳ vọng của bạn và kỳ vọng của quản lý. Bạn có thể đề xuất nhận trách nhiệm nhiều hơn trong lĩnh vực mà bạn có thể đóng góp nhiều hơn cho công ty. Nếu người quản lý cung cấp các cơ hội tiềm năng để bạn thăng tiến trong khi bạn không muốn, hãy nói rõ mục tiêu của bạn, ví dụ: làm việc chuyên sâu như một chuyên viên hơn là một quản lý.
Và công việc hiện tại cũng như lãnh đạo có tạo điều kiện cho bạn được làm việc theo 1 trong 2 yếu tố trên không?
2. Tôi có đang dùng thời gian ở công sở đúng cách?
Năng suất hợp lý là khi quản lý thời gian hiệu quả, chứ không phải là bạn nhận bất cứ việc gì vào bất cứ lúc nào. Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, nên tận dụng hiệu quả thời gian hơn là để công việc nhấn chìm bạn. Hãy học cách tối ưu phương pháp làm việc để loại trừ các thói quen xấu khiến tốn thời gian và năng lượng, và đặt sự tập trung vào những việc hữu ích. Làm việc thông minh thì tốt hơn làm việc chăm chỉ.
Làm việc hiệu quả cũng có nghĩa là có thời gian thư giãn và tái tạo năng lượng . Nếu một công việc nào đó mang lại cho bạn niềm vui và làm phong phú thêm cuộc sống của bạn, thì đừng ngần ngại đặt nó làm mục tiêu sự nghiệp. Khi nó mang đến cả thu nhập và bình an, thì sự nghiệp đó xứng đáng để bạn dành thời gian.
3. Những người xung quanh có giúp tôi tiến lên trong mục tiêu nghề nghiệp không?
Chúng ta là những sinh vật xã hội. Nếu môi trường công sở có những người mà bạn có thể tin tưởng, những người khuyến khích bạn trên hành trình thăng tiến trên nấc thang sự nghiệp. Thậm chí người quản lý có thể xác định những khía cạnh mà bạn còn thiếu sót và giúp đưa bạn đi đúng hướng. Thì đó là môi trường thuận lợi để bạn đạt được những mục tiêu nghề nghiệp.
Cuộc đời quá ngắn cho những điều tiêu cực. Làm việc trong công ty có văn hóa công sở độc hại chỉ giữ bạn ở xa những thành tựu nghề nghiệp. Nếu bạn chỉ thấy không khí nặng nề và sự nản lòng thay vì tích cực, đến lúc đứng lên để chống lại nó rồi. Hoặc cân nhắc chuyển đến một nơi mà sự đóng góp của bạn được trân trọng và có thêm động lực cống hiến, chứ không chỉ thù lao.
4. Tôi có đang đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống không?
Không có lý do gì bạn phải lao đầu vào công việc cả ngày lẫn đêm chỉ để bỏ lỡ thời gian quý giá bên gia đình. Nếu bạn không có sự cân bằng trong cuộc sống và công việc, có lẽ đã đến lúc bạn nên điều chỉnh mục tiêu nghề nghiệp của mình.
Hãy nghĩ về "bucket list" của bạn - công việc hiện tại có giúp bạn hoàn thành mục nào trong danh sách chưa? Bạn thấy mình đã hoàn thành được gì trong quỹ đạo cuộc đời? Nếu bạn luôn muốn đi du lịch, hãy đảm bảo rằng bạn có thể sắp xếp được thời gian nghỉ phép.
Những người làm việc thông minh là người biết dùng kết quả công việc để phục vụ cho các mục tiêu trong cuộc sống, chứ không phải hy sinh mọi mục tiêu vì công việc.
Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?
4 mục tiêu ở trên có thể không chỉ ra những thành tựu cụ thể về thành tích, thu nhập hoặc danh tiếng. Nhưng nó đặt ra các yếu tố quan trọng của một sự nghiệp: đó là tính ý nghĩa, sự cân bằng, động lực, và cảm xúc… Bạn không buộc phải nhiệt tình hay yêu thích công việc của mình suốt 8 tiếng trong công sở, nhưng ít nhất nó nên là một trải nghiệm tích cực trong hầu hết thời gian. Nếu bạn ngày càng cảm thấy khó tự hào về những gì mình làm, có lẽ đã đến lúc bạn nên hỏi tại sao.
Đó là do công việc không khiến bạn hài lòng hay liệu còn có những yếu tố ngoại cảnh nào khác ảnh hưởng đến đánh giá của bạn? Dù lý do là gì, nếu công việc của bạn không như ý, hãy đi tìm nguyên nhân. Đối với nhiều người, điều này có thể đơn giản là cần sự thay đổi trong suy nghĩ hay phương pháp làm việc, đối với một số người khác, nó có nghĩa là cần đặt ra một mục tiêu nghề nghiệp mới. Còn bạn thì sao?