Nguyễn Quang Hải là cầu thủ mới nhất của Việt Nam được một số đội bóng nước ngoài liên hệ. Chưa rõ Quang Hải thời gian tới có "xuất ngoại" hay không khi mà Hà Nội FC vẫn rất cứng rắn, muốn giữ ngôi sao ở lại đội bóng thủ đô.
Theo một số ý kiến của các chuyên gia, Quang Hải nên cân nhắc kỹ ý định ra nước ngoài thi đấu, khi một số đàn anh và những người cùng lứa từng ra nước ngoài và không có được thành công như mong đợi.
Gần nhất là trường hợp của Công Phượng và Tuấn Anh sang Nhật Bản. Cuối năm 2015, Công Phượng được mang cho mượn đến đội bóng Nhật Bản Mito HollyHock (J.League 2). Hợp đồng cho mượn 1 năm giúp HAGL thu về 100.000 đôla. Tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh sau đó cũng nối gót được cho mượn đến Yokohama (cũng ở J.League 2).
Lối chơi kỹ thuật của Công Phượng và Tuấn Anh được cho là phù hợp với giải vô địch Nhật Bản. Tuy nhiên Tuấn Anh lại gặp chấn thương, trong khi Công Phượng cũng khó chen chân vào đội hình chính thức của Mito HollyHock.
Quãng thời gian này nên được xem là quá trình "du học" của hai cầu thủ HAGL, khi họ được tiếp xúc với môi trường bóng đá chuyên nghiệp, cũng như gặp gỡ những cầu thủ chuyên nghiệp. Còn về tạo ra dấu ấn chuyên môn hầu như không có.
Tương tự là trường hợp của Xuân Trường được chuyển nhượng đến CLB của Hàn Quốc là Incheon Utd và sau đó cho mượn đến Gangwon FC. Xuân Trường chơi bóng ở Hàn Quốc đến 2 năm và có nhiều lần đá chính lẫn vào sân từ ghế dự bị.
Tuy vậy, anh cũng không được thi đấu thường xuyên vì mất thời gian dài để thích nghi. Lối chơi thiên về thể lực ở Hàn Quốc phần nào cũng gây trở ngại cho Xuân Trường. Nhưng hai năm chơi bóng ở Hàn không uổng phí vì giúp Xuân Trường trưởng thành hơn khi trở lại Việt Nam.
Cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu là Lê Huỳnh Đức, vào năm 2001. Cựu tiền đạo Việt Nam năm đó chơi bóng cho CLB Trung Quốc là Lifan trong vòng 4 tháng, nhưng đó đơn thuần là một bản hợp đồng mang ý nghĩa thương mại, để làm hình ảnh cho đội bóng Trung Quốc.
Đến năm 2005, trung vệ Lương Trung Tuấn sang CLB Cảng Thái Lan chơi bóng. Nhưng thời điểm đó Lương Trung Tuấn bị treo giò vì nghi án bán độ nên phải tìm một đội bóng ở nước ngoài nhằm duy trì phong độ. Tương tự là trường hợp của Nguyễn Việt Thắng đến Porto B vào năm 2005, cũng để tìm nơi thi đấu trong thời gian nhận án treo giò.
Tiền vệ Nguyễn Hữu Thắng của Bình Dương vào năm 2008 cũng được đưa sang CLB LA Galaxy (Mỹ) để thử việc nhưng thất bại, và quay trở lại V.League.
Nguyễn Xuân Nam, cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của Hà Nội T&T năm 2015 từng sang CLB SHB Vientiane (Lào) chơi bóng và ghi đến 14 bàn. 4 cầu thủ của HAGL là Tạ Thái Học, Bùi Trần Vũ, Bùi Thanh Liêm và Trần Ngọc Bảo cũng được bầu Đức đưa sang một CLB Lào do ông làm chủ là Hoàng Anh Attapeu. Thủ môn Đặng Văn Lâm cũng từng có thời gian thi đấu ở đây.
Lê Công Vinh có lẽ là cầu thủ Việt Nam thành công nhất khi sang nước ngoài chơi bóng. Lần đầu tiên anh xuất ngoại là sang Bồ Đào Nha, đến CLB Leixoes nhờ sự giới thiệu của HLV Calisto. Khoảng thời gian chơi bóng ở châu Âu ngắn ngủi nhưng thời điểm năm 2009 lại là cột mốc lớn với bóng đá Việt Nam.
Đến năm 2013, Công Vinh được cho mượn đến CLB Nhật Bản là Consodale Sapporo. Công Vinh thi đấu 9 trận cho CLB Nhật Bản (5 lần đá chính), ghi 2 bàn thắng. Khi đó Consodale Sapporo muốn tiếp tục được mượn, hoặc có thể mua đứt nhưng đội bóng chủ quản của Công Vinh là SLNA từ chối.
Báo chí địa phương ở Nhật khi đó có rất nhiều bài viết về Công Vinh, và thậm chí là có rất nhiều người đã có mặt ở sân bay tại Nhật Bản đón anh ngày ra nước ngoài thi đấu.