Du học chứ không phải đá bóng
Đa phần người hâm mộ Việt Nam chờ đợi Công Phượng và Tuấn Anh được ra sân, thậm chí tỏa sáng ở Nhật Bản. Sau 4 tháng, khi mà các cầu thủ này không được ra sân một phút nào, tất cả đã ngã ngửa thất vọng và mong muốn bộ đôi này về nước.
Nhưng hãy nhìn vào thực chất của vấn đề, 2 CLB Nhật Bản rõ ràng không chiêu mộ Công Phượng và Tuấn Anh bởi lý do chuyên môn, bởi chẳng ai bỏ tiền ra cho một cầu thủ ngoại để cầu thủ ấy chỉ đủ sức ngồi dự bị trong 1 năm cả. Nói cách khác, Công Phượng và Tuấn Anh sang Nhật để tu nghiệp chứ không phải là để thi đấu.
Công Phượng đang trải qua thời gian không được thi đấu ở Nhật, nhưng đây mới chỉ là khóa học trong chuyến tu nghiệp kéo dài 1 năm của anh.
Công Phượng và Tuấn Anh giống như 2 sinh viên đi du học ở nước ngoài, nhưng gia đình lại cứ mong chờ con cái mình sang đó để đi làm. Tất nhiên, một du học sinh cũng có thể vừa học, vừa làm. Nhưng việc đi làm chỉ là bổ trợ cho việc học chứ không thể là công việc chính. Trường hợp của Công Phượng và Tuấn Anh cũng thế. Họ chỉ sang đi du học, không phải đá bóng, vậy tại sao phải kỳ vọng hai cầu thủ này sẽ tỏa sáng trên đất Nhật?.
Thực tế 4 tháng qua đã chứng minh điều mà những người hiểu chuyện đều đã đoán trước được. Cả Công Phượng và Tuấn Anh chỉ được tập theo giáo án của đội trẻ chứ chưa nói đến chuyện được đăng ký thi đấu và ra sân ở đội 1. Nói cách khác, trong kế hoạch mùa giải của Mito Hollyhock và Yokohama FC không có tên 2 cầu thủ Việt Nam. Cơ hội cho họ chỉ là thời điểm mà mùa giải đã đi đến đoạn kết hoặc những trận đấu vô thưởng, vô phạt.
Trường hợp của Xuân Trường hoàn toàn khác. Bản chất của thương vụ Xuân Trường sang Hàn Quốc tuy có vẻ tương tự như 2 đồng đội ở HAGL, nhưng cầu thủ người Tuyên Quang được Incheon United xác định về chuyên môn một cách nghiêm túc hơn và rõ ràng hơn rất nhiều.
Công Phượng, Tuấn Anh có nên về nước sớm?
HLV Hữu Thắng đã lo ngại phong độ của các cầu thủ đang tu nghiệp ở Hàn Quốc và Nhật Bản không đảm bảo sau thời gian dài không được thi đấu. Cái lo của ông Thắng là đúng, bởi với tư cách HLV trưởng ĐTQG, ông khó có thể gọi lên tuyển một cầu thủ chẳng ra sân một phút nào trong suốt 4 tháng.
Nhưng như đã nói ở trên, mục đích chính của thương vụ đưa Công Phượng, Tuấn Anh sang Nhật không phải là để ra sân tỏa sáng trên đất Nhật, và qua đó thi đấu trong màu áo ĐTQG. Vậy chuyện Công Phượng và Tuấn Anh có không được khoác áo ĐTQG trong 1 năm tu nghiệp ấy cũng là lẽ bình thường và chúng ta cần chấp nhận và chờ đợi.
Công Phượng và Tuấn Anh còn rất trẻ, thời gian tu nghiệp ở Nhật có thể khiến 2 cầu thủ này bị ảnh hưởng khi không được ra sân thường xuyên, nhưng điều quan trọng họ sẽ học được nhiều điều từ cách ứng xử bên ngoài, phong cách tập luyện đến tư duy chơi bóng. Đấy là điều mà không phải cứ ra sân thường xuyên ở V.League là học được.
Phía trước Công Phượng là những khó khăn và thử thách mà nếu vượt qua được anh sẽ thực sự là một cầu thủ lớn trong tương lai.
Công Vinh từng chia sẻ, trong lần đầu sang Bồ Đào Nha, anh phải mất thời gian rất dài mới có thể hòa nhập được với đội bóng. Đó là chuyến du học mà Công Vinh không thể hiện được về chuyên môn, nhưng không thể nói thời gian ấy là vô bổ với tiền đạo này, bởi đó chính là bước ngoặt giúp tạo nên một Công Vinh chuyên nghiệp hơn và sau đó thành công ở chuyến xuất ngoại thứ 2.
Tương lai của 2 tài năng trẻ Công Phượng, Tuấn Anh và ngay cả Xuân Trường vẫn còn rất dài ở phía trước. 1 năm không thi đấu vì thế sẽ trở thành cơ hội để họ rèn giũa bản thân cả về ý chí cũng như cách vượt qua những khó khăn. Vì thế, đừng vội kêu họ về nước sớm, khi họ chưa đi qua nửa khóa học của mình.