Không phải Xuân Trường, người cũng có cú đá phạt đền không tốt trong loạt sút luân lưu của U21 HAGL, Công Phượng mới chính là người nhận cơn mưa "gạch đá" của người hâm mộ sau thất bại của đội bóng phố núi ở bán kết giải U21 Quốc tế 2016.
Nhiều người cho rằng, trong loạt sút quyết định như thế, Công Phượng đã quá mạo hiểm bởi cách đá Panenka đòi hỏi cầu thủ thực hiện cần có kỹ thuật cao và tâm lý phải rất vững vàng. Thậm chí họ còn bảo Phượng "làm màu" và muốn thể hiện mình, như thế là vô trách nhiệm với cả đội.
Tuy nhiên, những ý kiến chỉ trích trên có phần khiên cưỡng và thiếu khách quan dành cho Công Phượng. Thừa nhận rằng, lựa chọn đá Panenka của Công Phượng là quyết định mạo hiểm, nhưng trong thời điểm đó mà dù Công Phượng có thực hiện quả đá luân lưu thứ 5 cho U21 HAGL thì nếu muốn giành thắng lợi, đội bóng của anh cần thêm điều kiện nữa đó là cầu thủ Yokohama FC phải đá hỏng quả sút cuối cùng.
Nếu như quả đá Panenka của Công Phượng thành công thì điều đó không chỉ mở ra cơ hội cho U21 HAGL mà còn gây áp lực tâm lý lên người lãnh trách nhiệm đá quả cuối cùng cho đội bóng Nhật Bản. Và khi ấy, người ta sẽ nhắc đến quả đá của Phượng như quả đá bước ngoặt giúp HAGL giành chiến thắng chung cuộc.
Trên thế giới đã chứng kiến rất nhiều cầu thủ trở thành người hùng của cả đội ở loạt luân lưu sau khi thực hiện những quả Panenka. Ở tứ kết Euro 2012 giữa Italia gặp Anh, trong loạt luân lưu, khi đội bóng màu thiên thanh đang bị dẫn trước 1-2, Pirlo đã quyết định mạo hiểm thực hiện quả đá Panenka để vực dậy tinh thần toàn đội đồng thời giảm khí thế đối thủ. Và ngay sau quả đá thành công của Pirlo, đội tuyển Anh liên tiếp thực hiện 2 quả đá hỏng qua đó giúp Italia vào bán kết.
Nói như thế để thấy được rằng một quả đá Panenka thành công có giá trị và ảnh hưởng rất lớn đến thành - bại trong loạt sút luân lưu. Thế nên, quyết định thực hiện quả đá này của Công Phượng tuy là mạo hiểm, nhưng không phải không có lý của mình.
Có thể Công Phượng mong muốn thực hiện quả đá này không chỉ đơn thuần là giúp đội bóng giành chiến thắng mà với một cầu thủ đang trong giai đoạn muốn khẳng định mình, Phượng cũng mong muốn lấy lại trạng thái tâm lý tốt nhất.
Rất tiếc, cú sút của Công Phượng đã cho thấy anh vẫn chưa vượt qua được áp lực tâm lý đè nặng lên đôi chân mình suốt thời gian qua, nhưng cũng không thể vì pha dứt điểm hỏng ấy mà vội vàng chỉ trích rằng Công Phượng mắc bệnh sao hay làm màu...
Bởi ai cũng biết trong loạt "đấu súng" thì yếu tố may - rủi quyết định rất lớn, dù Công Phượng có không đá Panenka đi chăng nữa thì xác suất để thất bại trong loạt đá này vẫn là 50-50. Đấy là chưa kể, Phượng từng nhiều lần đá thành công từ những quả Panenka như thế trong quá khứ.
Ranh giới giữa người hùng và tội đồ thực sự rất mong manh, trong trường hợp của Công Phượng, anh không đáng bị nhận những lời chỉ trích nặng nề đến vậy.