Hợp đồng dài kỷ lục của bóng đá thế giới
Năm 2014, Công Phượng bước sang tuổi 19. Anh đứng trước một trong những quyết định lớn nhất cuộc đời là ký vào bản hợp đồng chuyên nghiệp có thời hạn 8 năm với HAGL. Anh không từ chối. Các đồng đội cùng lứa như Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh,… cũng đi chung đường.
Bản hợp đồng 8 năm hoàn toàn có thể biến thành chuyện lạ của bóng đá thế giới. Những bản hợp đồng bóng đá hiện đại thường có mức thời gian từ 3 đến 5 năm, những trường hợp hiếm hoi cũng chỉ đến 6 mùa giải. Công Phượng thì khác. Trường hợp của anh cũng phản ánh một thực tế về cách quản lý cầu thủ của bóng đá Việt Nam trong thời gian dài, đi lệch khỏi định hướng chung của bóng đá thế giới.
Công Phượng có hợp đồng tới năm 27 tuổi với HAGL. Một quãng thời gian đi hết thanh xuân. Ảnh: Thủ Khúc.
Mọi thứ đều có nguyên do. Những cầu thủ như Công Phượng được HAGL nuôi nấng từ khi còn là cậu thiếu niên 11 tuổi. Tất cả mọi chi phí đều do HAGL chi trả cho đến khi các cầu thủ này đi hết hợp đồng đào tạo trẻ. Đấy như một cách để các gia đình nghèo khó giảm bớt gánh nặng chi phí cho một đứa con, như cái cách hàng chục thế hệ trước đây vẫn thường khuyến khích con em thi vào đại học sư phạm, quân đội, công an,…
Bao thế hệ cầu thủ Việt gia nhập các lò đào tạo trẻ cũng trải qua điều tương tự. Đến thời điểm nhất định, họ sẽ có hợp đồng lao động đầu tiên. Hợp đồng ấy đầy tính ràng buộc như Công Phượng – HAGL. Nó được xem là cách giữ lại "đứa con" vất vả nuôi nấng để tránh mất không công vào tay những đối thủ khác, hơn hết, "đứa con" ấy lại vô cùng tài năng.
Hợp đồng đầu tiên của lứa 1 lò đào tạo HAGL JMG vì thế vẫn được xem là cách "trả ơn" cho bầu Đức, cho CLB. Điều ấy hoàn toàn được thấu hiểu và phù hợp với thực tế bóng đá trong nước. Thế nhưng, nó cũng vô tình tước đoạt đi quyền tự quyết của các cầu thủ. Họ có thể có cuộc sống ổn định nhưng đôi khi không thể đi đúng theo tiếng gọi con tim.
Một trong những tuyên bố gây sốc của bầu Đức. Ảnh: Sport5.
Tuấn Anh muốn gắn bó trọn đời với HAGL nhưng những đồng đội của anh chưa chắc muốn sự an yên ấy. Bất cứ cầu thủ nào cũng muốn có danh hiệu cho sự nghiệp cầu thủ ngắn ngủi của mình. Không danh hiệu, "đá cho vui" như bầu Đức từng chia sẻ không phải là cách hay để tạo nên những cầu thủ lớn cho bóng đá Việt Nam, thậm chí là kìm hãm hay triệt tiêu khát khao vươn lên của cầu thủ.
Lò đào tạo SLNA là một ví dụ tiêu biểu. Các cầu thủ thậm chí có hợp đồng đào tạo trẻ tới năm 25 tuổi. Thế nhưng, khi SLNA "đi xuống", ngay khi hết hạn, hàng loạt cầu thủ ra đi như Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng,… Đến một nơi mới, họ tới nơi có khát khao cạnh tranh danh hiệu. Cùng với đó, không thể không kể đến những khoản tiền lót tay tiền tỷ đầy hấp lực.
Công Phượng đáng giá bao nhiêu?
Bầu Đức từng dõng dạc tuyên bố "10 triệu USD cũng không bán Công Phượng". 230 tỷ đồng có thể biến Công Phượng thành cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Việt Nam nhưng không ai thẩm định được liệu anh có thực sự đáng giá như vậy. Ẩn ý của bầu Đức cũng nằm ở việc hình ảnh của HAGL và Công Phượng gắn chặt với nhau. Mất anh cũng có thể gây hại cho thương hiệu đội bóng.
Bầu Đức nói là vậy nhưng chuyên trang thống kê chuyển nhượng Transfermakt ấn định con số chỉ là 220.000 USD (khoảng 5,1 tỷ đồng) dành cho tiền đạo sinh năm 1995. Một con số nghe có vẻ thực tế và dễ chịu hơn nhưng có thể gây tổn thương cho những người tin vào nhận định của bầu Đức.
"Messi Thái" Chanathip Songkrasin được ấn định 2,6 triệu USD, gấp 12 lần giá trị Công Phượng nhưng đã khẳng định vị thế ở bóng đá Nhật Bản. So về hình ảnh, Công Phượng không thua kém nhưng về chuyên môn, cả hai cách nhau một chặng đường.
Những chuyến đi ra nước ngoài vô tình làm lộ giá trị thật về chuyên môn của Công Phượng nhưng về giá trị chuyển nhượng hay tiền lương thì vẫn là mớ bòng bong chưa có lời giải. Ảnh: STVV - Incheon United - Sport5.
Giá trị của Công Phượng luôn là dấu hỏi khi chưa từng có thước đo nào cụ thể. HAGL thì có vẻ vẫn thu lời từ chính cầu thủ con cưng. Mỗi lần xuất ngoại, Công Phượng được đánh giá giúp HAGL thu về khoảng 100.000 USD (2,3 tỷ đồng) nhưng đóng góp cho đội bóng quá ít ỏi, được chứng minh thông qua những con số cơ bản như số phút thi đấu hay bàn thắng, kiến tạo.
Không chỉ giá trị chuyển nhượng, đồng lương của Công Phượng tại các CLB cũng không được công bố chính thức. Từ Incheon United (Hàn Quốc) tới Sint-Truidense V.V (Bỉ), anh được cho nhận từ 15.000 – 20.000 USD/tháng (khoảng 420 – 460 triệu đồng) gấp từ 8 đến 10 lần một cầu thủ thu nhập cao tại V.League). Thế nhưng, chưa ai kiểm chứng được câu chuyện này. Phía HAGL hay bất cứ CLB nước ngoài nào Công Phượng đặt chân đến đều im lặng tối đa trước câu hỏi được cho là nhạy cảm trên.
Trong nhiều trường hợp, giấu diếm về giá trị mang nhiều yếu tố kỹ thuật giữa hai bên. Trường hợp này cũng vậy nhưng còn mang thêm cả những định kiến về việc HAGL không dám công bố giá trị thật sự của Công Phượng. Vì có thể, nó thấp hơn nhiều những công bố xuất hiện trên mặt báo và các phương tiện truyền thông khác. Công bố giá trị thật có thể khiến mũi tên đang bay bị gió làm đổi chiều.
Màn trình diễn của Công Phượng trong trận Lào 0-2 TP.HCM, bảng F AFC Cup 2020. Nguồn: FOX Sport.