Cho dù thích hay không, hẳn bạn từng nhìn thấy các biểu tượng cảm xúc (emoticon) như kiểu “:-)” hoặc “:-D”. Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt qua mạng khi thiếu vắng hình thức thú vị này. Nhưng bạn có biết emoticon đã tròn 30 năm tuổi?
Vào ngày 19/9/1982, Scott Fahlman - nhà khoa học máy tính tại trường Đại học Carnegie Mellon đăng tài liệu đầu tiên về emoticon khi sử dụng một dấu hai chấm, một dấu gạch ngang và một dấu ngoặc đơn để minh họa khuôn mặt vui hoặc buồn. Ông giải thích sự cần thiết của các biểu tượng này như sau:
“Khi đối phương nhận xét kiểu châm biếm hài hước, nhiều người có thể không hiểu được trò đùa này và phản ứng dữ dội. Tức là một nhận xét hài hước khi bị cắt nghĩa sai kéo theo mối đe dọa nghiêm trọng. Vấn đề trên dẫn đến ý tưởng rằng, chúng ta nên đánh dấu các bài viết không nghiêm túc.
Trên thực tế, đối với dạng văn bản, chúng ta thiếu các tín hiệu ngôn ngữ cơ thể hay giọng điệu như lúc nói chuyện trực tiếp. Vậy nên tôi nghĩ biểu tượng “:-)” sẽ trở thành một giải pháp tốt để đánh dấu đây là câu nói đùa và nó hoàn toàn xử lý dễ dàng trên ASCII”.
Tuy nhiên, có thể Fahlman không phải người đầu tiên khởi xướng việc sử dụng emoticon rộng rãi. Tạp chí New York Times từng đăng bài phát biểu của ngài Tổng thống Mỹ - Abraham Lincoln chứa biểu tượng “:)”. Cuộc tranh luận gay gắt diễn ra khi người ta thắc mắc đây thuộc về lỗi đánh máy chứ không phải tác giả cố tình làm vậy?
Đến năm 1881, nhóm nghiên cứu thuộc tạp chí Puck cũng giới thiệu biểu tượng cảm xúc dựa trên loạt ký tự như các khuôn mặt, hay còn được biết tới dưới cái tên "Nghệ thuật đánh máy".
Mặc dù vậy, Fahlman vẫn được coi như người khai sinh phương thức emoticon vào năm 1982. Tất nhiên, bất chấp việc các biểu tượng cảm xúc đến từ đâu, chúng ta đều công nhận một điều rằng, dù tốt hay xấu thì emoticon đang tràn ngập các hệ thống thông tin liên lạc cá nhân lẫn chuyên nghiệp. Và chúng ngày càng giúp bạn truyền tải thông điệp ngắn gọn và đơn giản hơn.
Thậm chí, trước tính phổ biến của emoticon, nhiều hệ điều hành đã chuyển đổi các biểu tượng này thành bức ảnh hoặc hình động - việc làm khiến Fahlman cực lực phản đối vì chúng quá khác biệt so với phiên bản gốc. Tuy nhiên, Fahlman cũng thừa nhận, ông hơi thiên về tình cảm do mình đã sáng tạo một thể loại emoticon đầy ấn tượng.