Đầu tháng Mười năm ngoái, Facebook chính thức công bố cột mốc đáng nhớ một tỷ người dùng trên khắp thế giới. Kể từ thời điểm đó, một năm đã trôi qua và con số người dùng mạng xã hội này vẫn không ngừng tăng lên. Facebook đã , đang và sẽ có những ảnh hưởng nhất định lên đời sống tâm lý của con người. Do đó, hàng năm, rất nhiều nghiên cứu khoa học công phu đã được thực hiện với chủ đề xoay quanh hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook của người dùng.
Dưới đây là kết quả của 14 nghiên cứu đáng chú ý nhất được công bố thời gian qua.
1. Càng tương tác nhiều với Facebook, tâm trạng càng tồi tệ.
Đây là kết quả nghiên cứu của một nhóm các giáo sư tâm lý đến từ Đại học Michigan, Hoa Kỳ và Đại học Leuven, Bỉ. Trong nghiên cứu này, một số sinh viên đại học tình nguyện tham gia sẽ báo cáo lại tần suất sử dụng Facebook cùng với đó là tâm trạng hiện tại của mình 5 lần một ngày, liên tiếp trong 2 tuần. Kết quả là người dùng Facebook nhiều thường đi kèm với nhiều cảm xúc tiêu cực hơn nhóm còn lại.
2. “Nghiện” Facebook làm người dùng ít thỏa mãn với cuộc sống của mình hơn.
Cũng là một kết quả đến từ nghiên cứu trên, lần này các giáo sư tâm lý đã chứng minh được việc sử dụng Facebook quá nhiều làm giảm nghiêm trọng mức độ thỏa mãn của một người với những gì họ đang có trong cuộc sống.
3. “Rình mò” người khác trên Facebook chỉ làm bạn cảm thấy tồi tệ hơn.
Một nghiên cứu được công bố trên trang Psychology Today đã chứng minh điều này. Nhiều khả năng cảm thấy ghen tị là căn nguyên của tâm lý kể trên bởi trên Facebook không ít người đăng tải những cập nhật về cuộc sống tưởng như vô cùng hoàn hảo và vui vẻ của mình.
4. Não bạn cảm thấy sung sướng khi nhận được thông báo Facebook.
Theo nhận định của nhà nghiên cứu Dar Meshi thuộc trường Đại học Freie, Berlin, Đức, mỗi một nút like hoặc một bình luận tích cực nhận được sau khi đăng tải cập nhật có vai trò như một món quà khích lệ não bộ người dùng.
5. Người có xu hướng muốn nghe những lời khen trong cuộc sống thực thường sử dụng Facebook nhiều hơn.
Đây là những gì một nghiên cứu thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học Đức khẳng định. Điều này cũng không quá khó hiểu bởi danh tiếng là một phạm trù vô cùng quan trọng đối với con người nói chung và chúng ta thường có một thôi thúc tự nhiên để quan tâm đến vấn đề này.
6. “Chủ nghĩa tự yêu quý bản thân” thường gắn với xu hướng có nhiều bạn trên Facebook nhưng lại ít bạn thật ngoài đời.
Người theo chủ nghĩa tự yêu quý bản thân không còn là một lớp người hiếm gặp, nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay và các nhà khoa học cũng đã khẳng định đây là một tính cách hoàn toàn bình thường. Đối với nhóm người này, mạng xã hội cung cấp cho họ một nơi hoàn hảo để thu hút sự chú ý và nhận lại những phản hồi tích cực để duy trì sự tự tin của bản thân. Tuy nhiên, nhiều khảo sát đã chứng minh, những người theo chủ nghĩa này nếu có nhiều bạn trên các mạng xã hội thì lại thiếu kĩ năng trong việc duy trì và xây dựng các mối quan hệ mặt đối mặt trong cuộc sống thực.
7. Thường xuyên thay ảnh đại diện là biểu hiện của mong muốn được thể hiện bản thân.
Ảnh đại diện được coi là “bộ mặt” của một tài khoản mạng xã hội và dĩ nhiên, người ta thường chọn những tấm hình bóng bẩy nhất để trưng ra.
8. Bạn không thích bạn bè Facebook của mình nhiều hơn bạn nghĩ.
Đây là kết luận của một nghiên cứu về thái độ và sự đồng thuận của người dùng trên mạng xã hội được đăng tải trên Tạp chí Tính cách và Tâm lý xã hội.
9. Trên Facebook, bạn nhận được nhiều hơn cho đi.
Đó là đề tài được một nhóm các nhà tâm lý học tận dụng và cho ra đời nghiên cứu “Tại sao hầu hết người dùng Facebook đều nhận được nhiều hơn cho đi”. Một số số liệu đáng chú ý thuộc nghiên cứu này phải kể đến như:
- 40% số người tham gia khảo sát gửi lời mời kết bạn nhưng 63% trong số đó nhận được ít nhất một lời mời kết bạn.
- Một người tham gia khảo sát trung bình nhấn “like” 14 lần một ngày trong khi họ nhận được trung bình 20 “like”.
- Gửi 9 tin nhắn cá nhân trung bình và nhận lại được 12.
- 12% chủ động tag bạn bè trong hình trong khi đó 35% được bạn bè tag lại.
10. Những gì bạn thích trên Facebook hé lộ về bản thân bạn nhiều hơn bạn nghĩ.
Năm ngoái, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng độ tuổi, IQ, xu hướng giới tính, tính cách, quan điểm chính trị... của một người dùng Facebook phần nào đó có thể rút ra được từ những trang (pages) mà người đó thích trên Facebook. Theo đó, các nhà nghiên cứu có thể phân biệt được người có giới tính nam và người đồng tính chính xác lên tới 88%.
11. “Đào bới” Facebook của người yêu cũ có thể giúp bạn vượt qua được sự đổ vỡ nhanh hơn.
Sự thật thú vị này được đúc kết bởi một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc khoa Tâm lý, trường Đại học Brunel, Anh Quốc. Theo đó, khảo sát này được tiến hành với sự tham gia của 464 người với yêu cầu là đã từng trải qua sự đổ vỡ trong tình cảm và phải sử dụng Facebook. Kết thúc giai đoạn thử nghiệm, nhóm tình nguyện sẽ hoàn thành một bài khảo sát để kiểm chứng và đánh giá lại tình trạng tâm lý của bản thân.
12. Người dùng Facebook dành ít thời gian để học hơn so với những người không sử dụng mạng xã hội này.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã khẳng định điều này không đồng nghĩa với việc người dùng Facebook có kết quả học tập tệ hơn.
13. Bạn trên Facebook của bạn có nhiều bạn bè hơn bạn.
Thực ra, đây là một hiện tượng có tên gọi “nghịch lí bạn bè” (Friendship Paradox) được nhà xã hội học Scott L. Feld đưa ra vào năm 1991. Theo hiện tượng này, phần lớn chúng ta sẽ nhận thấy rằng bạn bè mình thường có nhiều bạn bè hơn mình. Gần đây, nó được chứng minh là đúng với cả bạn bè trên mạng xã hội.
14. Lên Facebook để cảm thấy hạnh phúc hơn.
Nghe có vẻ trái ngược với một số nhận định được đề cập ở trên, thế nhưng đây là kết luận của một tổ chức khá uy tín tại Anh có tên Chartered Institute for IT với hơn 70.000 thành viên ở 120 quốc gia.
Trên đây là 14 nghiên cứu khoa học được tiến hành về tâm lý và hành vi sử dụng của người dùng Facebook, chúng có thể đúng hoặc chưa đúng với số đông do quy mô còn bó hẹp hoặc mẫu nghiên cứu có thể có các đặc điểm tâm lý không trùng nhau, nhưng suy cho cùng chúng cũng sẽ phản ảnh được phần nào tác động của Facebook đối với người dùng.